Thanh tra Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, khu "đất vàng" 69 Nguyễn Du

Thành An Thứ tư, ngày 08/04/2020 09:25 AM (GMT+7)
Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra một số nội dung đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Bình luận 0

Nguồn tin của PV Dân Việt cho hay, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã ký quyết định thanh tra đối với Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và khu “đất vàng” tại 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo quyết định, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra một số nội dung đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Đối với Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, công tác thanh tra sẽ tập trung vào việc chỉ định thầu; việc quyết định chủ trương, phê duyệt đầu tư; việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC. 

Trong khi đó, đối với khu đất tại 69 Nguyễn Du, Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ việc chấp hành pháp luật khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

img

Trụ sở Thanh tra Chính phủ.

Thời kỳ thanh tra từ khi chuẩn bị thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đến ngày 30/3/2020; thời gian thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du; khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ trên.

Tổng Thanh tra Chính phủ đã giao Vụ I (Thanh tra Chính phủ) giúp Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc đoàn thanh tra. Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra thực hiện giám sát đoàn thanh tra.

Thời gian thanh tra là 15 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra này.

Dự kiến chiều hôm nay (8/4), Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức công bố quyết định thanh tra này dưới sự chủ trì của ông Bùi Ngọc Lam- Phó tổng Thanh tra Chính phủ và có đại diện các bộ, ngành tham dự gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Trước đó, tháng 7/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch PVN và ông Nguyễn Hồng Diên - Bí thư Thái Bình cùng nhiều đại diện bộ, ngành đã có buổi làm việc liên quan đến Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 để bàn cách tháo gỡ những vướng mắc cho dự án này.

img

Quang cảnh Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Theo báo cáo của đại diện Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, dự kiến Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ phát điện vào năm 2020, hiện nghiệm thu vốn đầu tư giải ngân 32.000 tỷ đồng, tiến độ đạt trên 84%, thiết kế đạt trên 90%, mua sắm trên 95%... Tuy nhiên, do dòng tiền chậm nên đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ dự án. 

Ông Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch PVN cho rằng, dự án đang rơi vào tình trạng vô vàn khó khăn. Trong quá trình triển khai dự án, tổng thầu PVC có nhiều sai phạm hình sự, bị khởi tố, bắt giam cả người của tập đoàn và tổng thầu… Các tổ chức tài chính cắt tín dụng, dự án không thể vay được. 

“PVC đến giờ thực sự là tan nát vì dính rất nhiều dự án khác, bắt bớ liên tục không còn người để mà làm. Nhân viên cũng bỏ đi hết, từ chỗ 800 người giờ chỉ còn 300-400 người. Nhiều cán bộ kỹ thuật chuyên môn tốt cũng nghỉ việc. Nếu thay tổng thầu thì còn nguy hiểm hơn, bởi ai sẽ làm? Bản chất hiện nay Tập đoàn trực tiếp vào cuộc, chỉ đạo, vận hành mọi vấn đề từ con người, vốn… PVN đã lên kế hoạch triển khai tiếp khi có tiền”- ông Thanh cho biết.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn là dự án rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cân đối cung cầu điện. Nếu đảm bảo giải ngân chặt chẽ, đúng tiến độ thì đây là giải pháp quan trọng nhất để bảo toàn vốn đầu tư nhà nước cho những công trình điện quan trọng.

img

Vị trí khu đất 69 Nguyễn Du (Hà Nội).

Liên quan đến khu “đất vàng” 69 Nguyễn Du, theo kết luận thanh tra trước đây của Thanh tra Chính phủ, lô đất này trước đây là biệt thự, rộng 570m2, được Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP.Hà Nội bán chỉ định để xây dựng trụ sở làm việc.

Thực hiện ý kiến của Thủ tướng, Hà Nội đã ra quyết định thu hồi căn biệt thự để giao cho PVC cải tạo làm trụ sở; thời gian sử dụng 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích nếu không được TP. Hà Nội cho phép.

PVC sau đó đã lập dự án với tên gọi “Toà nhà văn phòng 69 Nguyễn Du”, quy mô 8 tầng. Dự án có tổng diện tích sàn (cả tầng hầm) là 4.361,5 m2 dự kiến cung cấp các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu làm việc hàng ngày của PVC và các đối tác thuê văn phòng tại đây.

Tuy nhiên theo kết luận thanh tra trước đây của Thanh tra Chính phủ, ngày 31/12/2009, PVC đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng căn biệt thự này cho Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành với giá gần 96 tỷ đồng. Do thời gian và nội dung thanh tra được quy định và tại thời điểm đó, Công an TP.Hà Nội cũng đang tiến hành điều tra việc mua, bán căn nhà 69 Nguyễn Du nên Thanh tra Chính phủ không đi sâu xác minh,  từng cá nhân mà sai phạm đến đâu kết luận đến đó.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem