Tháo gỡ nhiều quy định “trói chân” sản phẩm OCOP TP.HCM

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 22/04/2023 18:42 PM (GMT+7)
Không chỉ các huyện nông thôn, nếu các quận có sản phẩm đạt tiêu chí OCOP vẫn được UBND quận đó công nhận là sản phẩm OCOP.
Bình luận 0

Đây được xem là một trong những điểm mới tháo gỡ những ràng buộc đang "trói chân" sản phẩm OCOP TP.HCM.

Gỡ vướng cho sản phẩm OCOP TP.HCM

Ông Lâm Ngọc Tuấn – Giám đốc HTX Tuấn Ngọc ở TP.Thủ Đức đánh giá OCOP là chương trình có ý nghĩa lớn để phát triển kinh tế nông thôn.

Tuy nhiên, Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP quy định, sản phẩm tham gia xuất phát từ làng, xã. Trong khi đó, Thủ Đức hiện nay đã lên thành phố, các xã đã chuyển thành phường.

Hiện nay, sản phẩm rau sạch công nghệ cao của HTX Tuấn Ngọc đang được trồng tại các nông trại ở các phường của TP.Thủ Đức.

Rau sạch công nghệ cao của HTX Tuấn Ngọc đang trồng ở phường Long Trường, TP.Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: Trần Khánh

Rau sạch công nghệ cao của HTX Tuấn Ngọc đang trồng ở phường Long Trường, TP.Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: Trần Khánh

Muốn được chứng nhận sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị cạnh tranh, ông Tuấn phải chuyển trụ sở về các huyện nông thôn. Việc này sẽ tốn kém thêm kinh phí đầu tư.

"Vì thế HTX Tuấn Ngọc băn khoăn không biết mình có được tham gia chương trình hay không", ông Tuấn chia sẻ.  

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (viết tắt: Văn phòng) cho biết, TP.HCM triển khai chương trình OCOP theo Quyết định số 385 của UBND TP.HCM năm 2019.

Quyết định số 385 nhằm thực hiện Quyết định số 490 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình OCOP giai đoạn 2018–2020. Chương trình OCOP TP.HCM lúc này chỉ triển khai trên địa bàn 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ).

Qua khảo sát thực tế, nhiều chủ thể mong muốn tham gia OCOP nhưng không thuộc đối tượng hoặc phạm vi áp dụng tại Quyết định số 385.

Mở rộng phạm vi Chương trình OCOP toàn thành phố

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm tham gia chương trình OCOP, Văn phòng đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 1943 ngày 8/6/2022 về Phê duyệt Đề án Chương trình OCOP TP.HCM giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới so với giai đoạn 2019-2020. Trong đó, nội dung đáng chú ý là cho phép mở rộng phạm vi thực hiện chương trình OCOP trên phạm vi toàn TP.HCM. Đồng thời, chương trình mở rộng đối tượng tham gia là HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất kinh doanh và trang trại...

Bà Hoàng Thị Mai - Phó Chánh Văn phòng cho biết, OCOP không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, mà còn cho cả người dân thành phố.

Hiện nay, lãnh đạo TP.HCM đã cho phép triển khai chương trình trên toàn thành phố. "Kể cả các quận, nếu có sản phẩm đạt tiêu chí vẫn được UBND quận đó công nhận là sản phẩm OCOP", bà Mai nói.

UBND TP.HCM đã cho phép triển khai chương trình sản phẩm OCOP trên toàn thành phố. Ảnh: Trần Khánh

UBND TP.HCM đã cho phép triển khai chương trình sản phẩm OCOP trên toàn thành phố. Ảnh: Trần Khánh

Đến nay, TP.HCM đã đánh giá và phân hạng được 66 sản phẩm OCOP, chủ yếu là sản phẩm từ các huyện nộp hồ sơ lên. Riêng tại các quận, nhiều nơi đang xây dựng, tìm kiếm sản phẩm và làm hồ sơ đánh giá.

Thêm một tin vui nữa là các địa phương đã được chủ động hơn trong việc đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP.

Bà Mai cho biết, trước đây, các sản phẩm OCOP 3-4 sao sẽ do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ra quyết định công nhận. Đối với sản phẩm 5 sao, TP.HCM sẽ phải trình Trung ương để xem xét đánh giá.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, Trung ương đã ra chỉ đạo về việc các quận có thể chủ động về việc đánh giá sản phẩm OCOP.

"Điều này tạo nhiều thuận lợi cho các chủ thể tham gia OCOP trong việc hoàn thiện hồ sơ và đánh giá, công nhận sản phẩm", bà Mai chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem