Thất thoát ở Công ty Tân Thuận: Chưa có cơ sở xác định sai phạm của mẹ Cường Đô la

04/12/2021 07:19 GMT+7
Kết quả điều tra, chưa có cơ sở xác định bà Nguyễn Thị Như Loan - TGĐ Công ty Quốc Cường Gia Lai có sự thông đồng, câu kết với các cá nhân trong Công ty Tân Thuận để có lợi trong việc ký kết các hợp đồng chuyển nhượng nên không có cơ sở xem xét trách nhiệm đối với bà Loan.

Đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, tiếp tục đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang (nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) cùng 9 bị can trong vụ sai phạm gây thất thoát lãng phí xảy ra tại Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (viết tắt Công ty Tân Thuận, 100% vốn Văn phòng Thành ủy).

Theo đó, Cơ quan điều tra (CQĐT) căn cứ kết quả kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung, giữ nguyên hành vi phạm tội của các bị can và vật chứng của vụ án như bản KLĐT vụ án hình sự đề nghị truy tố ngày 16/8.

Cụ thể, đề nghị truy tố 10 bị can gồm: Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh); Trần Công Thiện (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Tân Thuận); Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xây dựng Tân Thuận); Trần Tấn Hải (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty); Nguyễn Thị Ngọc Bích (nguyên Kế toán trưởng Công ty); Nguyễn Hoàng Việt (nguyên kiểm soát viên Công ty); Nguyễn Xuân Tùng (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh tổng hợp); Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy); Huỳnh Phước Long (nguyên Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy); Phan Thanh Tân (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy) cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Thất thoát ở Công ty Tân Thuận: Chưa có cơ sở xác định sai phạm của mẹ Cường Đô la  - Ảnh 1.

Ông Tất Thành Cang tiếp tục bị đề nghị truy tố.

Theo kết luận điều tra, bị can Trần Công Thiện đã có hành vi tổ chức và thực hiện không đúng quy định về xây dựng giá dẫn đến giá trị chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án khu dân cư Phước Kiển không đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch gây thất thoát số tiền hơn 167,8 tỷ đồng.

Tại Dự án khu dân cư Ven sông, bị can Thiện có sai phạm trong việc chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp không đúng quy định dẫn đến giá chuyển thấp, gây thiệt hại gần 61,6 tỷ đồng và hơn 18,5 tỷ đồng (thiệt hại thời điểm hoán đổi 10% vốn góp còn lại tại Dự án khu dân cư Ven sông ) - nguồn vốn của Đảng bộ Thành phố tại Công ty.

Bị can Nguyễn Văn Minh đã có hành vị họp bàn, thống nhất giá chuyển nhượng với Trần Công Thiện và trực tiếp ký văn bản gửi Văn phòng Thành ủy xin chủ trương chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp với giá được xây dựng không đúng quy định. Các bị can còn lại là cán bộ Công ty xây dựng Tân Thuận bị đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến hành vi trên.

Bị can Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã có hành vi không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy mà tự ý cho chủ trương để cấp dưới thực hiện chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án khu dân cư Phước Kiển với giá được xây dựng không đúng quy định dẫn đến giá trị chuyển nhượng thấp, gây thất thoát số tiền hơn 167,8 tỷ đồng của Đảng bộ Thành phố tại Công ty. Các bị can Phạm Văn Thông, Phan Thanh Tân, Huỳnh Phước Long có trách nhiệm cùng với bị can Tất Thành Cang.

Ngày 11/10/2021, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh ra quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra đề điều tra bổ sung 5 vấn đề.

Thứ nhất, Viện Kiểm sát đề nghị Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục định giá tài sản để xác định chính xác giá trị tài sản của Công ty xây dựng Tân Thuận tại thời điểm Công ty này và Công ty Quốc Cường Gia Lai ký hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án khu dân cư Phước Kiển vào tháng 5/2018 và thời điểm hai công ty ký hợp đồng chuyển nhượng một phần Dự án khu dân cư Ven Sông vào tháng 11/2017, thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 9/2019. Từ đó xác định chính xác tài sản của Nhà nước bị thất thoát tương ứng với các thời điểm trên của dự án trong vụ án.

Thứ hai, Viện Kiểm sát yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục điều tra, xác định và kết luận về trách nhiệm của các cá nhân thuộc Công ty Quốc Cường Gia Lai trong vụ án.

Thứ ba, Viện Kiểm sát yêu cầu điều tra, xác định rõ việc thu hồi tài sản bị thất thoát trong vụ án, làm rõ việc cấp giấy chứng nhận cho các cá nhân tại khối A, khu IV thuộc Dự án khu dân cư Ven Sông đã được Công ty Quốc Cường Gia Lai đầu tư xây dựng hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng như thế nào. Xác định trách nhiệm dân sự của các cá nhân liên quan đến hậu quả thiệt hại, thất thoát tài sản Nhà nước.

Thứ tư, Viện Kiểm sát yêu cầu xác định trách nhiệm của hai người khác nguyên là cán bộ Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Trước đó, kết luận điều tra xác định hành vi cả 2 người này đều chưa đến mức xử lý hình sự.

Thứ năm, Viện Kiểm sát yêu cầu bổ sung kết quả xử lý về mặt Đảng đối với các bị can là đảng viên trong vụ án.

Bà Nguyễn Thị Như Loan không có sự thông đồng, cấu kết với các cá nhân trong Công ty Tân Thuận

Về trách nhiệm các cá nhân tại Công ty CP Quốc Cường Gia Lai trong việc nhận chuyển nhượng giá rẻ 2 dự án KDC Phước Kiển và KDC Ven Sông từ Công ty Tân Thuận, bà Nguyễn Thị Như Loan (Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai) trực tiếp đàm phán, ký kết các hợp đồng chuyển nhượng với Công ty Tân Thuận. 

Kết luận điều tra bổ sung thể hiện thủ tục triển khai và chuyển nhượng một phần dự án KDC Ven Sông và phần đất đã đền bù ở KDC Phước Kiển không bắt buộc phải đấu giá. Việc đấu giá chỉ là một trong những căn cứ để đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, mang lại lợi ích cao nhất cho Công ty Tân Thuận và chủ sở hữu.

CQĐT cho rằng căn cứ để xem xét trách nhiệm của các bị can trong vụ án chủ yếu là việc Công ty Tân Thuận không thực hiện đúng quy định về xây dựng giá dẫn đến giá chuyển nhượng thấp gây thất thoát nguồn vốn của Đảng bộ TP tại công ty. Mặt khác, không có quy định nào bắt buộc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (là bên nhận chuyển nhượng) phải biết giá của Công ty Tân Thuận được xây dựng đúng hay sai.

Ngoài ra, kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ trong vụ án đến nay chưa có cơ sở xác định bà Nguyễn Thị Như Loan có sự thông đồng, câu kết với các cá nhân trong Công ty Tân Thuận để có lợi trong việc ký kết các hợp đồng chuyển nhượng nên không có cơ sở xem xét trách nhiệm đối với bà Loan.

Đối với yêu cầu điều tra bổ sung của Viện KSND về trách nhiệm của bà Thái Thị Bích Liên (nguyên Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM) và ông Phạm Nhớ Hồng Thương (Phó trưởng phòng Quản lý đầu tư - kinh doanh vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM), cơ quan điều tra giữ nguyên quan điểm cho rằng hành vi của hai người này “chưa đến mức xử lý hình sự”.

Về việc xác định trách nhiệm dân sự của các cá nhân liên quan đến hậu quả thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước, KLĐT bổ sung thể hiện đến thời điểm hiện tại, Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự vẫn chưa có kết quả định giá tài sản tại các thời điểm Công ty Tân Thuận và Công ty CP Quốc Cường Gia Lai ký hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án KDC Phước Kiển vào tháng 5/2018 và thời điểm Công ty Tân Thuận và Công ty CP Quốc Cường Gia Lai ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án KDC Ven Sông vào tháng 11/2017 và thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 12/2019. Vì vậy chưa có cơ sở để xác định trách nhiệm dân sự cụ thể đối với các bị can trong vụ án này.



PV
Cùng chuyên mục