Thấy gì từ 3 dự án nghìn tỷ gánh núi nợ vừa bị Thủ tướng ra "tối hậu thư" xử lý trong tháng 5?

An Linh Thứ ba, ngày 09/05/2023 10:36 AM (GMT+7)
Ba dự án được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng hàng chục năm qua vẫn gánh núi nợ, lỗ khổng lồ, trong đó nhiều dự án dù được nhiều lần nhắc nhở về phương án xử lý, tái cơ cấu song vẫn không có đường ra.
Bình luận 0

Thủ tướng ra "tối hậu thư" trong tháng 5 phải xử lý dứt điểm những tồn đọng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong tháng 5/2023 phải xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài nhiều năm của 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng.

Cụ thể 5 dự án bao gồm: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án khai thác và tuyển quặng mở Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất.

Thấy gì ba dự án nghìn tỷ gánh núi nợ vừa bị Thủ tướng ra "tối hậu thư" xử lý trong tháng 5? - Ảnh 1.

Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO 2) (Ảnh: Ngọc Hải)

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO2) có quyết định đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỷ đồng, sau đó tăng lên hơn 8.100 tỷ đồng, dự án do Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) làm chủ đầu tư và Công ty hữu hạn Tập đoàn Khoa học công nghiệp luyện kim Trung Quốc (MCC) (Trung Quốc) làm tổng thầu.

Trong giấy phép, TISCO 2 được chấp thuận đầu tư năm 2005, khởi công năm 2007, nhưng dừng thi công từ năm 2013 do tranh chấp giữa chủ đầu tư phía Việt Nam và tổng thầu Trung Quốc.

Dự án dự kiến hoàn thành sau 30 khởi công, tức là năm 2009 - 2010, tiêu tốn sô tiền đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng. Sau thời gian ngừng thi công và tranh chấp, phía Việt Nam đã tiến hành hơn 12 cuộc đàm phán, song đến nay dự án vẫn đắp chiếu, cùng với số tiền trả lãi vay hàng năm.

Với Dự án khai thác và tuyển quặng mở Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai (VTM), theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hết 6 tháng năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của dự án gặp nhiều khó khăn, lỗ 115.58 tỷ đồng, đã dừng sản xuất từ ngày 14/5.

Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái năm 2022, Tổng Công ty thép Việt Nam đề xuất có ba phương án tái cấu trúc doanh nghiệp này, trong đó có đề cập đến chuyện Tổng Công ty Thép Việt Nam mua lại phần vốn góp của đối tác liên doanh Trung Quốc (Công ty trách nhiệm hữu hạn Khống chế cổ phần gang thép Côn Minh - KISC). Hai là Tổng Công ty chuyển nhượng phần vốn góp cho các bên liên doanh. Ba là Công ty VTM buộc phải dừng hoạt động hoặc phá sản.

Điệp khúc thua lỗ, nợ đọng, khó xử lý... kéo dài

Tuy nhiên, đến nay đề án tái cơ cấu VTM vẫn chưa thông qua được, do quan điểm về việc xin khai thác quặng sắt khác nhau và vướng mắc với phía Trung Quốc.

Đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất hay (Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS), dự án được thành lập năm 2006 là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), vốn điều lệ công ty là hơn 3.700 tỷ đồng. Năm 2010, DQS được chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khi quốc gia Việt Nam (PVN).

Thấy gì ba dự án nghìn tỷ gánh núi nợ vừa bị Thủ tướng ra "tối hậu thư" xử lý trong tháng 5? - Ảnh 2.

Trong các dự án thua lỗ ngành Công Thương, nhiều dự án hiện vẫn khó xử lý dứt điểm (Ảnh: Ngọc Hải).

DQS là một trong 12 đại dự án làm ăn thua lỗ nghìn tỉ của ngành công thương đang được yêu cầu rà soát, xử lý… bởi ngay tại thời điểm bàn giao, DQS đã mất khả năng thanh toán, lâm vào tình trạng phá sản… Kết quả kiểm toán giữa năm 2010 cho thấy nhà máy lỗ 3.800 tỉ đồng và tổng nợ phải trả lên đến 7.440 tỉ đồng. 

Sau khi tiếp nhận, PVN đã tái cơ cấu nhà máy đóng tàu Dung Quất để duy trì và tiếp tục hoạt động, hoạt động này khiến DQS có doanh thu 8.000 tỷ đồng sau 13 năm tồn tại, song số lỗ vẫn khá lớn hơn 2.600 tỷ đồng. Chủ yếu do các khoản nợ, lỗ từ thời Vinashin để lại dù PVN sau khi tiếp quản đã rót hơn 1.900 tỷ đồng vào vốn điều lệ, đồng thời hỗ trợ hơn 3.200 tỷ đồng để thu xếp nợ với các ngân hàng. 

Tính đến giữa tháng 3/2023, Bộ Công Thương cho biết trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém kéo dài của ngành Công thương đã xử lý được 5/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Còn 7 dự án còn lại, có 2 dự án đã có phương án xử lý, 5 dự án đang tiếp tục tìm phương án.

Đối với Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Bộ Công Thương đánh giá đây là dự án thuộc diện phức tạp, khó xử lý. Tính từ thời điểm TISCO 2 được cấp phép đầu tư, đến nay dự án này đã kéo dài đến 18 năm tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng đầu tư và kéo theo khoản nợ lãi vay lớn, trong khi đó dự án vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm. Việc này vừa gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả dự án.

Ngoài xử lý 3 dự án nghìn tỷ thua lỗ, nợ lớn của ngành Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước trước ngày 30/5 phải hoàn thiện các báo cáo về: Một là, chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc. Hai là, hoàn thiện chủ trương sắp xếp giai đoạn 2022 - 2025 của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Ba là, tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, cơ quan theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, tổng hợp, hoàn thiện, hoàn thành phê duyệt hoặc trình Thủ tướng đề án cơ cấu lại của từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc theo quy định tại quyết định 360 ngày 17-3-2022 của Thủ tướng, nhất là đề án cơ cấu Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam và đề án cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem