Thứ sáu, 26/04/2024

Thế giới trước "bão lớn"

19/06/2022 6:00 PM (GMT+7)

Một “cơn bão lớn” đang hình thành, tích tụ từ giá năng lượng và lương thực tăng vọt, lạm phát hoành hành, chuỗi cung ứng đứt gãy… đến căng thẳng địa chính trị tạo nên vòng luẩn quẩn, đẩy kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Thế giới trước "bão lớn" - Ảnh 1.

Giữa hai “thiên nga đen”, là đại dịch Covid-19 và xung độ Nga - Ukraine nền kinh tế thế giới cần một cơ chế giải quyết, tạo động lực mới. (Nguồn: Dailysabah)

 

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu vừa cập nhật, Ngân hàng Thế giới (WB) nêu rõ, “Tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 5,7% vào năm 2021 xuống 2,9% vào năm 2022 - thấp hơn đáng kể so với mức 4,1% đã được dự đoán hồi tháng Một”.

Từ khó khăn ngắn hạn đến vấn đề cấu trúc dài hạn

Đưa ra nhận định tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF 2022) từ ngày 22-26/5, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng, thời gian gần đây, triển vọng kinh tế toàn cầu đã trở nên ngày càng “ảm đạm” và có thể phải đối mặt với “thách thức lớn nhất kể từ sau Thế chiến II”.

Cũng được công bố tại WEF lần này, Khảo sát về Triển vọng Kinh tế thế giới trong sáu tháng vừa qua cho thấy, tất cả những người được hỏi đều tỏ ra bi quan hơn. Họ dự kiến năm 2022 hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ yếu đi, lạm phát cao hơn và tình trạng mất an ninh lương thực sẽ gia tăng, trong đó lạm phát cao nhất sẽ là Mỹ, tiếp theo là châu Âu và châu Mỹ Latinh.

Lạm phát mang tính toàn cầu đã trở thành vấn đề nổi cộm đối với kinh tế thế giới, được dự báo là 5,7% ở các nền kinh tế phát triển và 8,7% ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, cao hơn lần lượt 1,8 và 2,8 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Nhưng dường như, những con số dự báo vẫn thấp hơn đáng kể so với số liệu thực. Chẳng hạn, theo Bộ Lao động Mỹ, lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu tăng tốc khoảng một năm trước và mức tăng hàng năm của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã cao hơn 6% trong nhiều tháng liên tiếp. Tháng 5/2022, CPI của Mỹ đã tăng lên 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt đỉnh hơn 40 năm, lớn hơn nhiều so với mọi dự báo.

Số liệu từ Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, trong tháng 5/2022, tỷ lệ lạm phát của Eurozone đạt 8,1%, là mức cao kỷ lục trong tháng thứ bảy liên tiếp và cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra.

Nếu ở Mỹ, ngay cả các chuyên gia kinh tế còn đang tranh cãi liệu những động thái gần đây của Fed có đang biến sự thịnh vượng của nước này thành một cuộc suy thoái hay không, thì trên thực tế, các gia đình ở châu Âu đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Á – Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng. Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn đối với nhiều nước nghèo, đang phát triển, có khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực và thậm chí là nạn đói.

Báo cáo tháng Tư của WB chỉ ra rằng, giá năng lượng đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và dự kiến sẽ tăng hơn 50% vào năm 2022, đà tăng giá năng lượng có thể tiếp tục cho đến cuối năm 2024. Ủy ban châu Âu dự đoán, kinh tế khu vực sẽ rơi vào tình trạng đình trệ toàn diện, nếu nguồn cung khí đốt của Nga bị gián đoạn nghiêm trọng.

Hiện tại, triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu là biểu hiện tập trung của những rủi ro khó lường trong ngắn hạn và các vấn đề mang tính cơ cấu dài hạn. Trong đó, rủi ro lớn nhất trong ngắn hạn có nguồn gốc từ xung đột địa chính trị và các lệnh trừng phạt, tác động tiêu cực theo hiệu ứng domino từ tài chính, kinh tế và thương mại, lương thực, năng lượng và các lĩnh vực khác của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các vấn đề cấu trúc dài hạn thể hiện ở sự gián đoạn đối với chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu vốn có, dẫn đến các vấn đề khác nhau trong sản xuất, thương mại, đầu tư và xuất khẩu của các quốc gia khác nhau, gây ra những tác động toàn diện, mang tính hệ thống và cấu trúc đối với nền kinh tế toàn cầu.

Cần đoàn kết và hợp tác

Không ít người đã đặt ra câu hỏi “liệu hệ thống kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục chống đỡ được hay không?”

Để vượt qua được những bế tắc hiện nay, “Thế giới cần tiếp tục đoàn kết và hợp tác. Việc từ bỏ toàn cầu hóa là một quá trình sai lầm”, theo Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck.

Chúng ta đang ở trong thời kỳ mà hai “thiên nga đen” (Ám chỉ đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine) đang gây ra những thay đổi không thể đảo ngược và căn bản trong nền kinh tế và chính trị thế giới. Bên cạnh đó, còn một loạt các vấn đề toàn cầu khác cần giải quyết như biến đổi khí hậu, môi trường và khí thải carbon, số hóa và an ninh mạng, an ninh lương thực và tương lai của nông nghiệp, an ninh và chuyển đổi năng lượng, chuỗi cung ứng và hậu cần toàn cầu.

Tất cả đều cần một lực lượng đặc nhiệm chiến lược và có chiến thuật, để kiềm chế được các mối đe dọa và sự tàn phá, tạo động lực mới cho nền kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu.

Trong đó, “chìa khóa” để giải quyết vấn đề này nằm trong tay các nước lớn. Phục hồi kinh tế toàn cầu đòi hỏi sự phối hợp nhiều hơn giữa các nước lớn để tạo ra một môi trường quốc tế lành mạnh cho hòa bình và ổn định, hơn là một chính sách, môi trường, thể chế làm suy yếu hợp tác quốc tế, chuyên gia hàng đầu Trương Mạc Nam thuộc Sở nghiên cứu Mỹ và châu Âu, Trung tâm Giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc nhận định.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, với tư cách là những nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ và các nền kinh tế phát triển phương Tây cần nghiêm túc gánh vác trách nhiệm đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi tình trạng khó khăn và quay trở lại quỹ đạo hợp tác đa phương vốn có.

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế quốc tế, các chuyên gia WEF cũng kiến nghị, các nỗ lực đa phương nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo, ngăn chặn sự phân hóa kinh tế hơn nữa, duy trì tính thanh khoản toàn cầu, quản lý khủng hoảng nợ, giải quyết biến đổi khí hậu và chấm dứt đại dịch Covid-19 vẫn là những công việc quan trọng phải làm.

Theo các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, kinh tế thế giới cần phải vượt qua ba thách thức lớn.

Thứ nhất, mô hình toàn cầu hóa có sự điều chỉnh về cơ cấu, từ toàn cầu hóa theo chủ nghĩa tự do mới trước đây, chuyển sang toàn cầu hóa theo hướng cục bộ và khu vực hóa.

Thứ hai, sự phát triển của khoa học và công nghệ toàn cầu chưa hình thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mà việc ứng dụng công nghệ đang đứng trước thách thức theo sự điều chỉnh của chuỗi cung ứng, xu hướng cạnh tranh khu vực hóa, tập đoàn hóa càng rõ nét.

Thứ ba, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và giá năng lượng tăng vọt đã làm trầm trọng thêm lạm phát, tác động đến toàn bộ hệ thống kinh tế quốc tế thông qua chuỗi công nghiệp, chẳng hạn như kinh tế, thương mại, đầu tư... gây ra các vấn đề xã hội và dân sinh, ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách kinh tế của mỗi nước.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Tránh xe máy lấn vào làn ô tô, TP.HCM tính phân làn lại đường Phạm Văn Đồng

Tránh xe máy lấn vào làn ô tô, TP.HCM tính phân làn lại đường Phạm Văn Đồng

Sở GTVT TP.HCM dự kiến điều chỉnh dải phân cách, chia đường Phạm Văn Đồng thành 3 làn ô tô và 3 làn hỗn hợp, nhằm tránh tình trạng xe máy đi lấn vào làn ô tô.

Sân bay Tân Sơn Nhất lên phương án phục vụ cao điểm lễ 30/4

Sân bay Tân Sơn Nhất lên phương án phục vụ cao điểm lễ 30/4

Dự kiến đón gần 700.000 lượt khách trong giai đoạn cao điểm lễ từ 26/4– 1/5, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã lên phương án, tăng cường nhân lực phục vụ.

Du lịch lễ 30/4 -1/5, nhiều người chuyển hướng đi tàu hoả, xe khách. Nhiều chặng cháy vé

Du lịch lễ 30/4 -1/5, nhiều người chuyển hướng đi tàu hoả, xe khách. Nhiều chặng cháy vé

Cao điểm 30/4 - 1/5 năm nay, tàu hoả, xe khách... trở thành phương tiện được nhiều người lựa chọn để về quê, đi du lịch trong bối cảnh vé máy bay đắt đỏ.

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ là "ngọn hải đăng" cho sự phát triển và tăng trưởng xanh của TP.HCM

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ là "ngọn hải đăng" cho sự phát triển và tăng trưởng xanh của TP.HCM

Ông Jeremy Jurgens, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) sẽ đóng vai trò là ngọn hải đăng, là chất xúc tác cho sự phát triển và tăng trưởng xanh của TP.HCM.

Tập đoàn châu Âu hợp sức giảm phát thải trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Tập đoàn châu Âu hợp sức giảm phát thải trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Công ty Nestlé Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức tọa đàm ngày 24/4 về lộ trình, các quy định pháp luật và sáng kiến cắt giảm phát thải trong toàn chuỗi cung ứng, nhằm hướng đến mục tiêu Net zero năm 2050.

Khẩn trương tăng chuyến bay từ TP.HCM và Hà Nội phục vụ người dân cao điểm lễ

Khẩn trương tăng chuyến bay từ TP.HCM và Hà Nội phục vụ người dân cao điểm lễ

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam khẩn trương xem xét bổ sung các chuyến bay từ TP.HCM và Hà Hội đến các địa phương vào ngày 27/4/2024 và từ các địa phương về TP.HCM và Hà Hội ngày 1/5.