Thế nào là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống?

Phi Long Chủ nhật, ngày 05/06/2022 15:03 PM (GMT+7)
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, suy thoái về tư tưởng chính trị nghĩa là tư tưởng chính trị có biểu hiện thiếu tin tưởng vào lý tưởng cách mạng, độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bình luận 0

Các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Như Dân Việt đã thông tin, ngày 4/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ KHCN nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021.

 Vi phạm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống là như nào? - Ảnh 1.

Tại Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5/2022), Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh VGP

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy:

Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 gây hậu quả nghiêm trọng. Các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.

 Vi phạm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống là như nào? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (trái) và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh bị Bộ Chính trị đề nghị Trung ương thi hành kỷ luật. Ảnh Đ.X

Thế nào là suy thoái tư tưởng chính trị?

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu rõ 27 biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức lối sống và "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Suy thoái về tư tưởng chính trị có biểu hiện thiếu tin tưởng vào lý tưởng cách mạng, độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng có nhận thức lệch lạc từ đó có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá. Suy thoái đó diễn ra mà không ngăn chặn được thì làm mất bản chất cách mạng, mất vị trí vai trò lãnh đạo.

Còn suy thoái về đạo đức lối sống, có các biểu hiện như: Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.

Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

 Vi phạm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống là như nào? - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành An).

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích, phẩm chất và năng lực của người đứng đầu, sự mẫu mực, nêu gương cũng như thái độ kiên quyết đấu tranh của họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Ông Phúc cũng cho biết, đối với vi phạm của 2 Ủy viên T.Ư Đảng là ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long, Bộ Chính trị không thi hành kỷ luật mà đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, kỷ luật, như vậy có thể thấy mức độ vi phạm nghiêm trọng.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc cũng cho biết: Quan điểm nhất quán của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhiều lần, xử lý vấn đề tham nhũng, tiêu cực triệt để, công khai, minh bạch, khách quan, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không có bất cứ ai đứng trên luật pháp, đứng trên công luận.

Từ đó tạo niềm tin, sự phấn khởi trong toàn dân, toàn Đảng, cho thấy Đảng ta có đủ khả năng và bản lĩnh để đẩy lùi tham nhũng và thực sự tôn trọng sự thật, tôn trọng công lý, biết dựa vào dân.

Theo ông Phúc, các hình thức kỷ luật về đảng viên bao gồm: Khiển trách, Cảnh cáo, Cách chức và Khai trừ. Thông thường đảng viên bị xử lý với hình thức cao nhất là Khai trừ khỏi Đảng thì bước tiếp theo xử lý về mặt chính quyền cũng sẽ có thể bị mức xử lý cao.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc nói: "Đối với vi phạm của cán bộ, đảng viên, trước hết là xử lý kỷ luật Đảng sau đó xử lý về chính quyền, đối với người đã nghỉ hưu và đang đương chức cũng không có vùng cấm, nếu kỷ luật Đảng rồi mà xét thấy vi phạm pháp luật thì phải xử lý hình sự.

Mục đích cuối cùng của kỷ luật cán bộ nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa để cán bộ không thể tham nhũng, tiêu cực, không muốn tham nhũng và không dám tham nhũng, tiêu cực".

PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc cũng chia sẻ thêm, trong vụ liên quan đến Công ty Việt Á, thật buồn là có rất nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý. Rất nhiều lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật của các tỉnh bị xử lý, khi mua trang thiết bị y tế, kit test Covid-19, vi phạm về thổi giá, nhận hối lộ.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, nếu người đứng đầu đề cao trách nhiệm vào cuộc và bản thân họ cũng là người trong sạch, gương mẫu sẽ hạn chế tối đa có tham nhũng, tiêu cực xảy ra.

Do đó, phải nghiêm từ trên xuống dưới, trong tổ chức Đảng đến bên ngoài, từng cán bộ đảng viên phải đề cao trách nhiệm thì từ đó mới phát huy được sức mạnh của đảng viên trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo quy định của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; khiển trách, cảnh cáo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (kể cả Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Trường hợp cách chức, khai trừ thì Ban Bí thư, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

Ban Chấp hành Trung ương là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng; quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem