“Thể thao Việt Nam có đà để “tấn công” sâu hơn vào ASIAD, Olympic”

Long Nguyên Thứ năm, ngày 18/05/2023 13:10 PM (GMT+7)
Tại SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã giành 69 HCV, 48 HCB, 47HCĐ, phá 6 kỷ lục SEA Games với 19 môn thể thao Olympic. Đây là thành tích ấn tượng, giúp TTVN có thể hướng tới những đấu trường lớn hơn như ASIAD, Olympic.
Bình luận 0

TTVN đã thành công ở những môn Olympic

So với các môn Olympic, các môn nằm ngoài Olympic giành được 67 HCV, 57 HCB, 71 HCĐ. Điều đó đồng nghĩa với việc các môn Olympic đã mang về số lượng HCV nhiều hơn.

Đánh giá về vấn đề tranh chấp huy chương của TTVN trước khi SEA Games 32 diễn ra, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 (Ủy ban TDTT), nguyên trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 22 năm 2003 cho biết: "Nhiều kỳ SEA Games trở lại đây, TTVN luôn nằm trong top 3 nên khả năng tranh chấp vị trí và hoàn thành chỉ tiêu HCV là trong tầm tay. Các lãnh đạo ngành thể thao đã tính kỹ khả năng của từng bộ môn nên không có nhiều sai số.

“Thể thao Việt Nam có đà để “tấn công” sâu hơn vào ASIAD, Olympic” - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Oanh đã giành 4 HCV điền kinh ở các nội dung cá nhân tại SEA Games 32. Ảnh: Lê Giang

Điều quan trọng với TTVN là nếu muốn có thành tích cao và ổn định tại những đại hội thể thao lớn như ASIAD hay Olympic thì cần có đầu tư trọng điểm. Nế đầu tư dàn trải để có vị trí cao tại SEA Games với nhiều HCV ở các môn thể thao ngoài Olympic thì các môn Olympic sẽ bị ảnh hưởng".

Sau khi các cuộc thi đấu tại SEA Games 32 kết thúc với ấn tượng mạnh từ các môn Olympic, nhà báo Nguyễn Lưu nhận định: "Việc giành được 69 HCV là thành công mang tính chất "một mũi tên, trúng hai đích" của TTVN. Các môn Olympic có đóng góp lớn, giúp TTVN vượt chỉ tiêu 120 HCV, lần đầu tiên giành ngôi nhất toàn đoàn mà không  mang tư cách nước chủ nhà.

Ấn tượng mang tính chất lịch sử ấy cho thấy TTVN đang được đầu tư đúng hướng, xen kẽ giữa các môn một cách hợp lý. Điền kinh dù giành 12 HCV, không đạt chỉ tiêu đặt ra nhưng đó là điều có thể thông cảm khi chúng ta thiếu vắng nhiều VĐV trụ cột bởi các lý do khác  nhau. Nếu SEA Games 32 có môn bắn súng và nhiều nội dung đối kháng ở một số môn không bị gạch tên, các môn Olympic có thể còn giành nhiều HCV hơn nữa.

Việc Judo đăng ký chỉ tiêu 4 HCV nhưng giành tói 8 HCV, vật có tới 13 HCV là rất đáng khen ngợi. Bơi có 7 HCV cũng thể hiện nỗ lực lớn của các VĐV. Thậm chí, nếu Huy Hoàng không phải thi đấu 2 nội dung với quãng thời gian nghỉ ngơi quá ngắn thì chúng ta có thể giành thêm 1 HCV. Nhưng 2 kỷ lục SEA Games bơi của Phạm Thanh Bảo cũng là thành tích đáng trân trọng.

Đặc biệt, cử tạ có 4 kỷ lục và riêng đô cử Nguyễn Quốc Toàn đã phá tới 3 kỷ lục ở hạng 89kg nam là rất tuyệt vời. Từ thành tích này, Nguyễn Quốc Toàn cần được bồi dưỡng để có thể cạnh tranh thứ hạng cao ở ASIAD sắp tới.

“Thể thao Việt Nam có đà để “tấn công” sâu hơn vào ASIAD, Olympic” - Ảnh 2.

Phạm Thanh Bảo xuất sắc phá 2 kỷ lục SEA Games môn bơi. Ảnh: Hiển Nguyễn

Nguyễn Thị Oanh với 4 HCV điền kinh cũng là cái tên cần được chăm chút. Oanh có năng lực chuyên môn tốt và ý chí thi đấu rất cao nên hứa hẹn có thể ganh đua tại ASIAD dù để giành huy chương là điều không đơn giản.

Nhìn rộng hơn, TTVN giờ có thể tập trung đầu tư nhiều hơn nữa vào các môn Olympic. Các VĐV thi đấu tốt tại SEA Games 32 cho thấy họ là những nhân tài thực sự và cần có thêm bước đà để TTVN "tấn công" mạnh mẽ vào ASIAD, Olympic trong tương lai".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem