Thị trường bất động sản đang ở đáy hình "chữ U", sẽ "đi ngang" và nhích dần lên

Thái Nguyễn Thứ sáu, ngày 15/03/2024 15:36 PM (GMT+7)
Sáng ngày 15/3, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức sự kiện thường niên "Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ IV và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2023 – 2024". Các chuyên gia nhận định thị trường bất động sản đang ở đáy hình "chữ U", dự kiến còn "đi ngang" nhưng sẽ nhích dần lên.
Bình luận 0

Pháp lý được nới rộng, thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản thì nguồn lực tài chính là rất quan trọng. Và điều còn quan trọng hơn, đó là thể chế. Thể chế tốt sẽ khai thông nguồn lực và giúp "tiền đẻ ra tiền". "Chiếc áo" pháp lý được nới rộng, dư địa phát triển sẽ mở ra.

Những điểm sáng chính sách đã xuất hiện, dù phải đến 1/1/2025 mới có hiệu lực, nhưng hiệu ứng từ những điểm mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi sẽ tác động tích cực đến thị trường; lãi suất giảm mạnh và dần ở mức hấp dẫn để đầu tư; quá trình thanh lọc sau gần 2 năm khiến thị trường còn lại chủ yếu là các nhà phát triển uy tín và có thực lực tốt. Quý IV/2023 đã có nhiều hơn những dự án được mở bán và thanh khoản khá; một số doanh nghiệp bắt đầu tái khởi động các dự án mới, dòng tiền bắt đầu quay trở lại thị trường sau thời gian dài phòng thủ, chờ đợi...

Thị trường bất động sản đang ở đáy hình "chữ U", sẽ "đi ngang" và nhích dần lên- Ảnh 1.

Thị trường bất động sản đang chờ đợi hiệu ứng tốt từ pháp lý để sớm hồi phục (Ảnh: TN)

Thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang ở đáy của hình "chữ U". Dự kiến, chu kỳ sẽ tiếp tục "đi ngang" và dù rất chậm, nhưng có xu hướng nhích dần lên. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, thị trường sẽ chính thức phục hồi từ cuối quý II/2024. Tuy nhiên, xu hướng tốc độ đi lên khá chậm và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan. 

Có thể thấy, dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng thị trường bất động sản vẫn còn đó những khó khăn và để tháo gỡ, rất cần sự dũng cảm dám nhìn thẳng vào sự thật. Cả thị trường vẫn phải đối diện và xử lý hàng loạt vấn đề như: sự suy giảm tổng cầu; các vướng mắc về chính sách, pháp lý chưa được xử lý triệt để ảnh hưởng đến nguồn cung; trở ngại về dòng vốn gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và người mua nhà; thủ tục hành chính và quá trình thực thi chính sách, sự đồng hành cùng doanh nghiệp tại một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển…

Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã cùng phân tích, đánh giá về những chủ đề đang nhận được nhiều sự quan tâm và đóng vai trò then chốt, gần như mang tính quyết định đối với sự phục hồi của thị trường bất động sản trong giai đoạn tới. Đó là câu chuyện về nền tảng pháp lý tạo động lực cho giai đoạn chuyển mình mới của thị trường bất động sản, đặc biệt quan trọng là việc tổ chức thực hiện 3 bộ luật "xương sống" của thị trường và tháo gỡ vướng mắc trong các nghị định, thông tư có kịp thời hay không.

Thị trường bất động sản chưa có khái niệm "nhà ở vừa túi tiền"

LS. TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO cho rằng quan điểm về nhà ở vừa túi tiền, chúng ta chưa có một tên gọi cụ thể cho phân khúc nhà ở này, mà vẫn đang gọi theo tiếng Anh là "Affordable housing". Theo quan điểm của thị trường, nhà ở vừa túi tiền sẽ có mức giá cho căn hộ hoàn thiện cơ bản là dưới 1.000 USD/m2, nghĩa là căn hộ 2 phòng ngủ 65m2 có giá khoảng 65.000 USD tương đương 1,6 tỷ đồng, khoảng 25 triệu đồng/m2.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, có một thực tế là căn hộ chung cư với mức giá này gần như đã "tuyệt chủng" ở Hà Nội và TP.HCM. Hiện "chuẩn" giá nhà bình dân tại 2 thành phố này đã nâng lên 20-30%, ở mức 2 tỷ - 2,4 tỷ đồng/căn.

"Phát triển nhà ở vừa túi tiền càng ngày càng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn từ chính phủ các nước. Tư duy “thả nổi” đối với nhà ở vừa túi tiền theo quy luật cung - cầu tự nhiên của thị trường đang được thay đổi bằng những định hướng, chính sách khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở này. Từ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về nhà ở vừa túi tiền của một số quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Đức, Trung Quốc…", ông Bình nhận định.

Thị trường bất động sản đang ở đáy hình "chữ U", sẽ "đi ngang" và nhích dần lên- Ảnh 2.

Toàn cảnh diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ IV

LS. TS. Đoàn Văn Bình cũng nhấn mạnh đến giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật bao gồm: Đưa ra khái niệm và ban hành tiêu chí xác định nhà ở vừa túi tiền; đồng bộ các quy định về nhà ở vừa túi tiền trong hệ thống pháp luật, chú trọng xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhà ở vừa túi tiền; có chính sách, cơ chế tặng điểm thưởng và tích lũy điểm thưởng cho các chủ đầu tư tạo lập nhà ở vừa túi tiền khi lựa chọn nhà đầu tư làm dự án nhà ở thương mại phân khúc cao hơn; tham khảo kinh nghiệm ban hành chính sách khống chế giá trần nhà ở vừa túi tiền bao gồm cả giá bán và giá thuê nhà.

Cũng tại diễn đàn, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, thách thức của việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua là những ưu đãi của Nhà nước về thuế sử dụng đất, thuế VAT, tín dụng, chi phí quản lý chưa phù hợp với quy luật của thị trường nên chưa thể đi đến thống nhất giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Do đó, ông Hải đề xuất, cần có ưu đãi về quyền sử dụng đất, thuế VAT, tín dụng đối với doanh nghiệp đầu tư, bên cạnh đó cũng cần thúc đẩy phía cầu, là người mua.

“Có những dự án nhà ở xã hội quy mô 4 - 5 nghìn căn nhưng không hấp thụ được do người dân chưa có nhà có nhu cầu mua lại không đủ điều kiện thụ hưởng mua nhà ở xã hội. Khi không tiêu thụ được sản phẩm thì nhà đầu tư sẽ không dám mạnh dạn đầu tư, khơi thông nguồn cung nhưng nghẽn ở phía cầu thì cũng tắc”, ông Hải nhấn mạnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem