Thị trường lao động Mỹ phục hồi mạnh mẽ, liệu Fed có sớm đảo chiều chính sách tiền tệ?

07/08/2021 17:49 GMT+7
Khi thị trường lao động Mỹ có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, nhà đầu tư sẽ chuyển trọng tâm chú ý sang vấn đề lạm phát trong tuần tới.

Dự kiến vào giữa tuần sau, hai chỉ số chính liên quan đến lạm phát của Mỹ là chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất tháng 7 sẽ được công bố.

Thị trường lao động và lạm phát là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Fed. Một báo cáo vừa được công bố hôm 6/8 (giờ Mỹ) cho thấy số lượng việc làm mới tạo ra trong nền kinh tế Mỹ vào tháng 7 qua đã tăng vọt 943.000 công việc, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế chung cũng như thị trường lao động.

Thị trường lao động Mỹ phục hồi mạnh mẽ, liệu Fed có sớm đảo chiều chính sách tiền tệ? - Ảnh 1.

Thị trường sẽ chờ đợi số liệu lạm phát được công bố vào tuần tới, bởi lạm phát là một trong hai yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến chính sách tiền tệ của Fed (Ảnh: Reuters)

Lúc này đây, thị trường đang trông chờ bất cứ tín hiệu nào từ Fed về thời điểm họ sẽ bắt đầu đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại, bao gồm việc thu hẹp quy mô gói mua tài sản trị giá 120 tỷ USD hàng tháng hiện nay. Sự mạnh mẽ của thị trường lao động đang thúc đẩy thị trường cho rằng Fed có thể sớm rút lại các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, và việc kết thúc chương trình mua tài sản 120 tỷ USD có thể là bước đầu tiên trước khi Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất trở lại. Từ thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát tại Mỹ đến nay, Fed đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0-0,25% nhằm thúc đẩy thanh khoản, giảm chi phí vay, xoa dịu các tác động kinh tế từ cuộc khủng hoảng đại dịch. 

Michael Arone, nhà phân tích kỳ cựu tại  State Street Global Advisors nhận định: “Tôi nghĩ rằng trọng tâm thị trường trong tuần tới sẽ là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI). Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao cả dữ liệu lạm phát về phía người tiêu dùng và doanh nghiệp… Fed đã khẳng định các diễn biến trên thị trường lao động sẽ quyết định hành động tiếp theo của họ”. 

Trước đó, các quan chức Fed đã kiên định duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế ngay cả khi hàng loạt chỉ báo cho thấy kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ hơn bao giờ hết và lạm phát thì tăng vượt dự kiến. Fed cho rằng các vấn đề lạm phát chỉ mang tính chất tạm thời, dù rằng CPI toàn phần của Mỹ trong tháng 6 đã tăng tới 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2008 đến nay. Con số này cũng cao hơn ước tính của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Dow Jones là 5%. 

Trong cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Dow Jones, các nhà kinh tế kỳ vọng CPI toàn phần  trong tháng 7 của Mỹ sẽ tăng khoảng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakley Advisory Group thì dự báo lạm phát giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 7 có thể tăng tới 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái khi chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục chịu sức ép lớn do sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 tại các quốc gia châu Á, bao gồm cả Trung Quốc. 

Các nhà kinh tế nhận định nếu thị trường lao động tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục trong tháng 8, điều đó có thể sẽ là cơ sở để Fed bắt đầu cắt giảm quy mô chương trình mua tài sản hiện tại. Tuy nhiên, nguy cơ đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại do biến thể delta dễ lây lan có thể sẽ tạo sức ép lên đà phục hồi kinh tế và gây ảnh hưởng đến vấn đề tuyển dụng. 

Nhìn chung, các dự báo cho thấy thời điểm sớm nhất Fed công bố kế hoạch thu hẹp chương trình mua trái phiếu là vào mùa thu năm nay, khoảng tháng 9 hoặc muộn hơn. Quá trình thu hẹp sẽ kéo dài trong khoảng 10 tháng hoặc lâu hơn. Sau đó, Fed có thể bắt đầu tăng lãi suất trở lại từ năm 2023.

Trước đó, hôm 28/7, Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed đã kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày với quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong phạm vi mục tiêu 0-0,25%, cùng với tuyên bố đồng thuận rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi và phát triển bất chấp những diễn biến đáng lo ngại gần đây của đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định Fed không có khả năng xem xét việc tăng lãi suất trở lại trong tình huống hiện tại, bất chấp niềm tin lạc quan về đà tăng trưởng kinh tế. Hai tiêu chuẩn cơ bản mà Fed đặt ra trước khi quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ là sự “gia tăng đáng kể” về lạm phát và sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động. Trong trường hợp nền kinh tế Mỹ thỏa mãn cả hai điều kiện trên, Ngân hàng Trung Ương sẽ dần giảm tốc độ, tiến tới ngừng hẳn chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ USD hàng tháng và cuối cùng là tăng dần lãi suất. Nhưng tuyên bố gần đây của Fed chỉ ra rằng mới có sự “gia tăng” nhất định về các điều kiện này, và FOMC sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay.


NTTD
Cùng chuyên mục