Nền kinh tế Mỹ có thể không bao giờ trở lại mức bình thường trước đại dịch

21/06/2021 06:53 GMT+7
Đã một chặng đường dài kể từ cuộc suy thoái tồi tệ năm ngoái do dịch Covid-19 gây ra, nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn chưa - và có khả năng sẽ không thể - trở lại trạng thái “bình thường”, tờ CNN nhận định.

Chỉ số Back-to-Normal do CNN Business và Moody's Analytics theo dõi đang ở mức 93% tính đến ngày 18/6, phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước. Đây là một mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát, biến Mỹ thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất toàn cầu đến nay. Chỉ số này theo dõi 37 chỉ số cấp quốc gia và 7 chỉ số cấp tiểu bang như tín dụng tiêu dùng, tỷ lệ thất nghiệp, mật độ du lịch hàng không trong nước, tỷ lệ phòng trống khách sạn, sự tăng trưởng tin tuyển dụng trên thị trường lao động.

Tuy nhiên, theo CNN, mức 93% chỉ phản ánh thực tế nền kinh tế Mỹ đang tiến gần tới trạng thái bình thường trước đại dịch. Và càng về cuối, chặng đường càng trở nên khó khăn hơn. Mặc dù nhiều bang đã dỡ bỏ các hạn chế kiểm dịch nhưng nhịp sống bình thường trước đại dịch vẫn chưa trở lại. Thực tế, cuộc khủng hoảng đại dịch đã thay đổi nhiều nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế một cách vĩnh viễn, có nghĩa là nền kinh tế Mỹ có thể sẽ không bao giờ vận hành theo cách “bình thường” trước đại dịch, trên một số phương diện nhất định.

Chẳng hạn, đại dịch đã buộc nhiều người làm việc từ xa, tại nhà và họ có thể sẽ tiếp tục làm việc tại nhà vô thời hạn ngay cả khi đại dịch chấm dứt. Trong khi một số doanh nghiệp đang kêu gọi nhân viên quay lại làm việc tại văn phòng, số khác đang điều chỉnh quy tắc theo hướng bình thường mới, cho phép nhân viên làm việc từ xa, tiến tới đa dạng hóa lao động về mặt địa lý.

Một ví dụ khác, du lịch cũng bị thay đổi theo cách riêng. Ngay cả khi người dân Mỹ hào hứng bắt đầu các kỳ nghỉ khi tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 tăng trên khắp nước Mỹ, các chuyến công tác có thể không khôi phục trở lại mức trước đại dịch. Khi nền tảng họp trực tuyến đã được thiết lập và sử dụng khắp thời kỳ đại dịch, các công ty sẽ hướng tới sử dụng nền tảng này để hạn chế tối đa các chuyến công tác của nhân viên. Moody's Analytics dự báo các chuyến công tác xuyên quốc gia khó có thể trở lại mức trước đại dịch ngay cả trong dài hạn, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu di chuyển hàng không cũng như nhu cầu dầu.

Matt Colyar, nhà kinh tế từ Moody's Analytics nhận định: “Chúng ta đang theo dõi sự trở lại của một nền kinh tế mà chúng có thể không bao giờ trở lại”.

Yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hiện vẫn ở mức cao gấp đôi trước đại dịch. Nó sẽ cần nhiều thời gian để trở về mức trước đó.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ không lấy lại được quy mô và động lực tăng trưởng trước đại dịch. Trên thực tế, kinh tế Mỹ đang phục hồi với tốc độ kỷ lục chưa từng có tiền lệ. Nhưng thay vì khôi phục về mức bình thường trước đại dịch, nước Mỹ đang hướng tới một tình huống “bình thường mới”, với nhiều chuẩn mực có thể sẽ vĩnh viễn thay đổi.

Tình hình Trung Quốc vẫn ảnh hưởng lớn đến Mỹ

Nền kinh tế Mỹ có thể không bao giờ trở lại mức bình thường trước đại dịch - Ảnh 2.

Container xếp chồng lên nhau tại cảng Nam Sa, Quảng Đông, một trong những cảng hiện đang tắc nghẽn sau đợt đóng cửa cảng Diêm Điền kéo dài một tuần (Ảnh: CNN)

Một đợt bùng phát dịch Covid-19 mới ở miền nam Trung Quốc gần đây đang có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu nói chung và tình trạng khan hiếm hàng hóa ở Mỹ nói chung. Các nhà chức trách tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc gần đây đã áp đặt tình trạng phong tỏa cộng đồng, hủy nhiều chuyến bay và đóng cửa một số khu vực cảng Diêm Điền để kiểm soát sự lây lan của ổ dịch tại địa phương. Tình hình dịch bệnh sau đó đã được cải thiện, nhiều hoạt động đã được nối lại, nhưng hệ lụy từ nó, chẳng hạn tình trạng tồn đọng hàng hóa tại cảng có thể mất nhiều tháng để trở lại mức bình thường.

Cảng Diêm Điền hiện đã hoạt động trở lại nhưng với công suất hạn chế. Tình trạng tắc nghẽn cảng Diêm Điền đã lan rộng sang mọi cảng container khác ở Quảng Đông. Đáng nói hơn, các cảng này nằm ở những trung tâm sản xuất và xuất khẩu công nghiệp quan trọng của Trung Quốc là Thâm Quyến và Quảng Châu, và là những cảng container tổng hợp lớn hàng đầu thế giới. Hệ lụy từ đó có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho ngành vận tải biển quốc tế, làm gia tăng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Các tác động có thể kéo dài đến tận cuối năm, làm khan hiếm hàng hóa trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh cuối năm nay tại Mỹ, theo nhận định của ông Peter Sand, nhà phân tích vận tải biển của Bimco.


NTTD
Cùng chuyên mục