Thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam năm 2025: Liệu Mỹ có “soán ngôi” Trung Quốc?
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, quý IV/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Trung Quốc & Hong Kong đạt 163 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, và tăng đều ở tất cả các tháng. Lũy kế xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc & Hong Kong trong năm 2024 đạt 581 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Dữ liệu thống kê của Vasep, trong 10 năm trở lại đây, năm 2017 Trung Quốc lần đầu tiên soán “ngôi vương” của Mỹ và trở thành thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam.
Một năm sau, năm 2018, Mỹ lập tức lấy lại vị trí của mình. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ năm 2018 đạt 550 triệu USD, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 529 triệu USD.
Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang Mỹ từ năm 2019 đến nay không thể tăng trưởng mạnh mẽ do vẫn vướng vấn đề về thuế chống bán phá giá. Và Trung Quốc chính là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu cá tra Việt Nam trong 6 năm liên tiếp trở lại đây.
Năm 2024, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đóng góp 29% trong tổng giá trị Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường. Tháng 10/2024 ghi nhận là tháng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc & Hong Kong đạt cao nhất kể từ đầu năm, với hơn 61 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023.
Các sản phẩm phile cá tra đông lạnh từ Việt Nam rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Quý IV/2024, giá trị xuất khẩu sản phẩm này sang Trung Quốc đạt hơn 100 triệu USD, tăng 62% so với quý IV/2023. Năm 2024, xuất khẩu phile cá tra đông lạnh sang Trung Quốc & Hong Kong đạt 349 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước đó, chiếm 60% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu cá tra sang thị trường này.
Qúy IV/2024, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu cá khô và các sản phẩm đông lạnh khác (nguyên con, cắt khúc, bong bóng,...) tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu cá tra GTGT trong quý IV/2024 ghi nhận tăng trưởng 92% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam và Hoa Kỳ đạt thỏa thuận trong giải quyết tranh chấp về thuế chống bán phá giá cá tra
Ngày 17/1/2025, tại Washington, Hoa Kỳ, Bộ Công Thương được ủy quyền của Chính phủ đã ký Thỏa thuận song phương giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá phi-lê từ Việt Nam với đại diện Chính phủ Hoa Kỳ - Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR). Như vậy, hai bên đã đạt được giải pháp song phương để chấm dứt các vấn đề tranh chấp trong vụ việc DS536 tại WTO.
Theo thỏa thuận này, CTCP Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp duy nhất đủ điều kiện dỡ bỏ thuế theo quy định của Hoa Kỳ, đồng thời là nhà xuất khẩu cá tra, basa hàng đầu của Việt Nam đã được đưa ra khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu cá tra, cá basa vào Hoa Kỳ.
Được biết, đây là lần thứ hai Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được Thỏa thuận song phương nhằm giải quyết vụ việc tranh chấp tại WTO, bên cạnh vụ việc về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nước ấm (DS429). Năm 2016, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Thỏa thuận song phương để dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nước ấm xuất khẩu vào Hoa Kỳ của Công Cổ phẩn Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
Việc Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được giải pháp song phương để giải quyết vụ kiện cá tra, basa là kết quả của thiện chí và nỗ lực đàm phán từ cả 2 phía.
Dữ liệu cho thấy, Mỹ và Trung Quốc đang là top 2 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam. Theo Vasep, năm 2025, vị trí top 1 của thị trường Trung Quốc liệu có bị điều chỉnh khi mới đây Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Thỏa thuận song phương về việc dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với cá phile xuất khẩu từ Việt Nam?
Chuyên gia cho rằng, việc Hoa Kỳ thực thi phán quyết của WTO mở ra cơ hội lớn cho XK cá tra Việt Nam ổn định hơn sang thị trường Mỹ. Điều này cũng góp phần quan trọng trong việc thể hiện thiện chí tăng cường mối quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh 2 nước đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
"Việc Hoa Kỳ thực thi phán quyết của WTO mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu cá tra Việt Nam ổn định hơn sang thị trường Mỹ. Điều này cũng góp phần quan trọng trong việc thể hiện thiện chí tăng cường mối quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh 2 nước đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện", chuyên gia Vasep nêu.
Trong diễn biến liên quan đến xuất khẩu cá tra, chuyên gia Hiển Lê của Chứng khoán Rồng Việt cho biết, theo kịch bản cơ sở, Mỹ áp 25% thuế lên toàn bộ mặt hàng Trung Quốc vào quý 2/2025 và áp thuế/gia tăng biện pháp phòng vệ lên Việt Nam trong nửa đầu năm 2026. Đối với kịch bản này, giá cá rô phi không thay đổi do hiện nay cá rô phi đã bị áp thuế nhập khẩu 25%.
Vì vậy, chuyên gia kỳ vọng cá tra năm 2025 sẽ tăng 1% thị phần sản lượng nhờ chiếm 0,3% thị phần cá rô phi và 0,7% cá hồi. Đồng thời, cá tra không phải chia sẻ nhiều thị phần với cá minh thái nội địa Mỹ khi duy trì mức giá bán cạnh tranh.