Thi vào lớp 10: Giáo viên "tiết lộ" cấu trúc đề môn Văn những năm gần đây, học sinh tránh chủ quan

Tào Nga Thứ sáu, ngày 22/04/2022 10:06 AM (GMT+7)
Chỉ con ít tháng nữa học sinh sẽ chính thức bước vào kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Trao đổi với PV báo Dân Việt, giáo viên ở Hà Nội đã "mách nước" cho học sinh bí quyết ôn thi và làm bài thi đạt điểm cao.
Bình luận 0

Học sinh không được có tâm lý chủ quan

Cô Ngô Thị Thái Thanh - Tổ trưởng tổ Văn, Trường THCS Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: "Dịch Covid-19 căng thẳng, kéo dài rất khó khăn nhưng cũng mang lại cho các nhà trường, trong đó học sinh khối 9 có nhiều cơ hội để khẳng định ý thức tự giác và tinh thần kiên cường. Ban Giám hiệu nhà trường và thầy cô đã triển khai kịp thời, có trọng tâm để chủ động cùng các con học sinh lớp 9 ôn tập có hiệu quả, sẵn sàng bước vào kỳ thi vào 10 phổ thông trung học với quyết tâm cao nhất".

Thi vào lớp 10: Giáo viên "tiết lộ" cấu trúc đề môn Văn những năm gần đây, học sinh tránh chủ quan - Ảnh 1.

Cô Ngô Thị Thái Thanh - Tổ trưởng tổ Văn, Trường THCS Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội chụp cùng học sinh. Ảnh: NVCC

Với kinh nghiệm nhiều năm chủ nhiệm lớp 9, cô Thanh nhắn nhủ: "Trong thời gian này, học sinh không được có tâm lý chủ quan, nghĩ rằng đề thi sẽ có cấu trúc như các năm học trước, hay chương trình sẽ giảm tải mà phải tiến hành ôn tập theo hướng dẫn của các thầy cô giáo ở nhà trường. Học cơ bản, rèn kỹ năng, thực hành làm bài thi nhiều lần, ôn luyện kỹ những kiến thức trong sách giáo khoa. Tuyệt đối các em không học tủ, học lệch, có kế hoạch ôn kỹ lại phần kiến thức chưa chắn chắn của mình.

Tăng cường ôn luyện theo các đề thi, các bài kiểm tra, dành nhiều thời gian cho các việc tự học, tự giác học tập kết hợp với khả năng thực hành, khả năng khái quát để kiến thức sâu rộng, cơ bản. Điều đó sẽ khiến cho các con không học lan man, không mất quá nhiều thời gian, tránh được những áp lực căng thẳng.

Cha mẹ cần đồng lòng cùng các con, tránh việc áp đặt. Cha mẹ cần chăm sóc sức khỏe và quan tâm hơn nữa đến tâm lý và nguyện vọng của các con, học vừa sức, phải để các con có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, chọn trường phù hợp với học lực".

Cấu trúc đề những năm gần đây

Là người tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Công nghiệp và ngành phương pháp dạy Ngữ văn, Trường Đại học Giáo dục; có nhiều năm ôn thi cho học sinh vào lớp 10 và viết sách, cô Diệp Thảo, giáo viên môn Văn, Trường THCS Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: "Thời điểm này học sinh nên chốt kiến thức các tác phẩm, chia theo thể loại, đặc biệt tập trung vào chương trình Ngữ văn 9. Nắm chắc các kiến thức về tác giả, tác phẩm, phần phân tích văn bản của từng bài, từ đó viết bài văn, đoạn văn phân tích tác phẩm.

Thi vào lớp 10: Giáo viên "tiết lộ" cấu trúc đề môn Văn những năm gần đây, học sinh tránh chủ quan - Ảnh 2.

Cô Diệp Thảo, giáo viên môn Văn, Trường THCS Phương Canh, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: NVCC

Trước khi làm bài, học sinh cần đọc kỹ đề bài, phải chú ý từng từ ngữ, hiểu ý nghĩa của từng từ, từng câu, chú ý cả những dấu chấm hay ngắt câu trong đề bài để nắm rõ yêu cầu của đề bài.

Cấu trúc đề Hà Nội trong những năm gần đây thường chia như sau:

Phần I: Ngữ liệu trong văn bản

1. Nhận biết, xác định các kiến thức về văn bản: phương thức biểu đạt, tên tác phẩm, tác giả, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác….

2. Hiểu và phân tích được dụng ý của tác giả khi sử dụng kiến thức tiếng Việt trong ngữ liệu: thành phần biệt lập, biện pháp tu từ, trường từ vựng, hình ảnh thơ, chi tiết nghệ thuật….

3. Viết một đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong tác phẩm, có yêu cầu về Tiếng Việt: thường sẽ là các đoạn văn có câu chủ đề như diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp. Phần nội dung sẽ tương đương (2 - 2,5 điểm)hình thức sẽ tương đương 1-1, 5 điểm)vì thế học sinh bắt buộc phải thực hiện yêu câu tiếng việt tránh bị mất điểm của câu này.

Phần II: Ngữ liệu trong phần tiếng Việt, Làm văn thường lấy trong sách giáo khoa.

1. Hiểu và lý giải được những yếu tố về nội dung của đoạn trích.

2. Viết một đoạn văn nghị luận xã hội nói về một vấn đề liên quan đến ngữ liệu.

Có thể thấy, với cấu trúc như trên không khó để học sinh có thể đạt được điểm 7 nhưng các em thường mắc 1 số sai lầm khi trình bày khiến bài của mình không được điểm cao. Như xác định sai phương thức biểu đạt, thiếu hoặc thừa số câu trong đoạn. Học sinh bỏ qua yêu cầu Tiếng Việt trong bài. Ở thời điểm nước rút này học sinh nên làm tuần từ 2-3 đề, để vừa được hệ thống lại kiến thức, vừa tạo một nền tảng tốt trong thi cử sắp tới.

Những lưu ý khi làm bài thi

Với đề Nghị luận văn học: Sau khi nhận đề học sinh tuyệt đối không nên làm bài ngay, sẽ dễ bị lạc đề. Điều trước tiên là các em học sinh dùng bút gạch dưới những từ ngữ quan trọng có trong đề bài để trên cơ sở đó bám sát yêu cầu của đề trong quá trình làm bài và tránh được lạc đề. Hiểu rõ và đúng nghĩa các từ này.

Đoạn văn phải đảm bảo đúng dung lượng theo yêu cầu của đề bài, thông thường là 12-15 câu tùy yêu cầu người ra đề, học sinh tránh viết quá dài hoặc quá ngắn, đảm bảo trên dưới 2 câu. Với những học sinh có thói quen ngắn gọn nên viết những câu văn đơn, chú ý kỹ các hình ảnh nghệ thuật để không thiếu ý khi phân tích. Đối với học sinh có thói quen viết đoạn dài thì nên viết các câu ghép, vế câu liên kết hoàn chỉnh, tạo thành mạch văn xuyên suốt, tránh lan man trong quá trình viết. Đoạn văn có yêu cầu số câu học sinh cần đánh dấu câu, để khoa học và cũng tiện cho quá trình chấm bài.

Thi vào lớp 10: Giáo viên "tiết lộ" cấu trúc đề môn Văn những năm gần đây, học sinh tránh chủ quan - Ảnh 3.

Cô Diệp Thảo trong lớp dạy môn Ngữ văn. Ảnh: NVCC

Phải đúng cấu trúc đoạn văn: Không xuống dòng giữa đoạn; đoạn văn bắt đầu bằng chữ cái viết hoa và lùi vào một chữ ở đầu dòng và kết thúc bằng dấu ngắt câu (có thể là dấu chấm, chấm than, ba chấm hoặc chấm hỏi tùy theo kiểu câu phù hợp với nội dung kết đoạn.)

Học sinh cần nắm vững cấu trúc các đoạn văn đặc biệt các đoạn văn có câu chủ đề như diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp.

Đoạn văn diễn dịch có câu chủ đề đứng ở đầu đoạn, các câu còn lại triển khai cụ thể ý của câu chủ đề. Đoạn văn quy nạp là đoạn văn có câu chủ đề ở cuối đoạn. Nội dung của đoạn văn được triển khai chi tiết từ cụ thể đến khái quát. Đối với đoạn văn quy nạp, câu chủ đề không có tính định hướng nội dung cho toàn đoạn văn, mà sẽ khái quát lại nội dung. Đoạn văn tổng phân hợp có sự kết hợp giữa đoạn văn diễn dịch và quy nạp. Câu mở đầu nêu khái quát về nội dung, câu kết đoạn có tính tổng hợp, liên hệ mở rộng. Các câu trong đoạn văn tập trung triển khai nội dung của đoạn văn.

Để viết câu chủ đề số (1) cho đoạn tổng – phân – hợp; diễn dịch học sinh có thể tham khảo cấu trúc như sau: Trong tác phẩm A, của tác giả B đã nên lên vấn đề C.

Học sinh giới thiệu nội dung thì có thể khái quát lại bằng nghệ thuật với đoạn văn tổng - phân - hợp.

Với đề Nghị luận xã hội: Học sinh cần nắm vững yêu cầu của đề. Xác định rõ kiểu bài nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống để lựa chọn cấu trúc cho phù hợp, tránh lan man, lạc đề.

Đối với đề bài văn nghị luận xã hội lấy kiến thức, thông tin và cả những kinh nghiệm có trong cuộc sống để minh chứng cho lý lẽ của mình.

Cấu trúc đoạn văn thường là khoảng 2/3 trang giấy thi (khoảng 17 tới 20 dòng), học sinh tránh viết quá dài hoặc quá ngắn.

Thi vào 10 là kỳ thi tương đối quan trọng với học sinh Hà Nội. Học sinh cần cân đối lựa chọn nguyện vọng phù hợp với sức mình, đặc biệt là khóa Đinh Hợi 2007 để tránh hiện tượng trượt "oan" do cách lựa chọn không phù hợp của bậc phụ huynh".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem