Vụ nhiều phụ huynh ngỡ ngàng khi Trung tâm tiếng Anh bỗng dưng… biến mất: Luật sư nói gì?

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 22/04/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trước phản ánh của nhiều phụ huynh về việc hàng loạt cơ sở của Trung tâm tiếng Anh Ispeaking ở địa bàn Hà Nội bỗng dưng... biến mất, luật sư Đặng Văn Cường đã đưa ra những phân tích cụ thể.
Bình luận 0

Mới đây, nhiều phụ huynh đăng ký cho con theo học tại Trung tâm tiếng Anh Ispeaking trên địa bàn thành phố Hà Nội tỏ ra vô cùng bất ngờ khi hàng loạt cơ sở của trung tâm này tại các quận của Hà Nội đã ngưng hoạt động, trả mặt bằng. Mọi nỗ lực liên hệ với giám đốc cũng như đường dây nóng của các phụ huynh đều thất bại.

Liên quan đến vấn đề này, PV Dân Việt đã trực tiếp đến nhiều cơ sở của Trung tâm này để kiểm chứng. Tại cơ sở ở số 20, ngõ 61/4 Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, người dân tại đây cho biết, Trung tâm tiếng Anh Ispeaking đã dừng hoạt động trả lại mặt bằng từ lâu. Hiện nơi đây đang cho một đơn vị khác thuê lại.

Vụ nhiều phụ huynh ngỡ ngàng khi Trung tâm tiếng Anh bỗng dưng… biến mất: Chủ cơ sở nói gì? (bài 2) - Ảnh 1.

Trung tâm tiếng Anh Ispeaking cơ sở số 20, ngõ 61/4 Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã trả mặt bằng nhiều tháng nay. Ảnh: Gia Khiêm

Tương tự, tại địa điểm số 263 Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội, người thuê lại địa điểm này cho biết, Trung tâm tiếng Anh Ispeaking đã trả lại mặt bằng từ lâu. Ngoài cơ sở này ra thì hàng chục cơ sở khác ở số 3, ngõ 95 Hoàng Cầu, quận Đống Đa, số 2808 toà nhà HH2A Linh Đàm, quận Hoàng Mai, dãy N6, khu TT5 Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai…. đều cửa đóng then cài. Những cơ sở này hiện đang bỏ không hoặc có đơn vị khác thuê lại mặt bằng.

Vụ nhiều phụ huynh ngỡ ngàng khi Trung tâm tiếng Anh bỗng dưng… biến mất: Chủ cơ sở nói gì? (bài 2) - Ảnh 2.

Phiếu thu tiền học phí của Trung tâm tiếng Anh Ispeaking. Ảnh: NVCC

Trao đổi với PV Dân Việt, TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay, phần lớn các trung tâm tiếng Anh, cơ sở giáo dục mầm non tư thục trong thời gian qua đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid-19 do lệnh đóng cửa kéo dài của chính quyền các địa phương.

Nhiều cơ sở giáo dục lâm vào tình trạng kiệt quệ, thậm chí phá sản dẫn đến thiệt hại cho cả người dạy và người học, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Trước những tác động tiêu cực từ dịch bệnh thì cách ứng xử của mỗi trung tâm, mỗi cơ sở giáo dục có thể khác nhau dẫn đến sự thông cảm hoặc bức xúc của các bậc phụ huynh.

Vụ nhiều phụ huynh ngỡ ngàng khi Trung tâm tiếng Anh bỗng dưng… biến mất: Chủ cơ sở nói gì? (bài 2) - Ảnh 3.

Tại địa điểm số 263 Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội, người thuê lại địa điểm này cho biết, Trung tâm tiếng Anh Ispeaking đã trả lại mặt bằng từ lâu. Ảnh: Gia Khiêm

"Với những trung tâm tiếng Anh lớn, có uy tín thì họ thường giữ mối liên lạc với phụ huynh, nhiều trường hợp đề nghị chuyển từ học trực tiếp sang học online và giảm mức học phí khi học online. Nhiều phụ huynh vui vẻ chấp nhận và hoạt động dạy và học vẫn tiếp tục diễn ra.

Trường hợp phụ huynh học sinh không đồng ý học online thì học phí sẽ được bảo tồn để tiếp tục hợp đồng khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Cũng có những trường hợp trung tâm tiếng Anh không đủ chi phí để trả tiền thuê mặt bằng, tiền lương giáo viên, tiền lương nhân viên dẫn đến chủ cơ sở kiệt quệ, tuyên bố đóng cửa, phá sản khiến cho các phụ huynh học sinh chịu thiệt thòi khi đã nộp tiền học phí trước đó mà chưa hết khóa học", luật sư Cường chia sẻ.

Vụ nhiều phụ huynh ngỡ ngàng khi Trung tâm tiếng Anh bỗng dưng… biến mất: Chủ cơ sở nói gì? (bài 2) - Ảnh 4.

Phụ huynh chán nản khi đóng số tiền lớn học cho con nhưng liên lạc với Trung tâm không nhận được phản hồi. Ảnh: Gia Khiêm

Theo luật sư, có thể cũng xảy ra những trường hợp trung tâm tiếng Anh thay đổi kế hoạch kinh doanh, tự đóng cửa và chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác, cắt đứt liên lạc với các phụ huynh. Đây là trường hợp rất đáng chê trách, thậm chí cần phải được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.

Vụ nhiều phụ huynh ngỡ ngàng khi Trung tâm tiếng Anh bỗng dưng… biến mất: Chủ cơ sở nói gì? (bài 2) - Ảnh 5.

Cơ sở tại Chung cư HH2A Linh Đàm, Hà Nội hiện đã có người dân sinh sống. Ảnh: Gia Khiêm

"Dưới góc độ pháp lý thì mối quan hệ giữa phụ huynh học sinh với các trung tâm tiếng Anh này là quan hệ dân sự. Việc nộp tiền học, cung cấp dịch vụ giáo dục theo thỏa thuận giữa các bên. Nếu trung tâm tiếng Anh được thành lập hợp pháp, có sự quản lý của nhà nước, hoạt động theo giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp thì họ được quyền thu học phí và tổ chức đào tạo theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp quy trình đào tạo do gián đoạn bởi dịch bệnh thì sẽ được xác định là nguyên nhân bất khả kháng và hợp đồng có thể tạm đình chỉ thực hiện. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì các bên sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng. Trường hợp bên nào vi phạm hợp đồng gây ra thiệt hại cho bên kia thì bên vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra", luật sư Cường nhấn mạnh.

Vụ nhiều phụ huynh ngỡ ngàng khi Trung tâm tiếng Anh bỗng dưng… biến mất: Luật sư nói gì? (bài 2) - Ảnh 6.

TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC

Chính vì vậy, luật sư Cường cho hay, trong trường hợp phụ huynh đã nộp tiền học nhưng chưa hết khoá học, nay do dịch bệnh thì phụ huynh có quyền yêu cầu sửa đổi nội dung của hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng và đòi lại số tiền đã nộp. Đây là việc thực hiện hợp đồng trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi theo quy định tại điều 420 Bộ Luật dân sự 2015. 

Như vậy dịch bệnh khiến cho việc thực hiện hợp đồng gặp gián đoạn và đây là hoàn cảnh thay đổi căn bản, nếu các bên đã tìm mọi cách để khắc phục nhưng vẫn không khắc phục được thì có quyền yêu cầu sửa đổi bổ sung một số nội dung trong hợp đồng, nếu không thể sửa đổi bổ sung được thì có quyền đề nghị chấm dứt hợp đồng. 

Nếu có tranh chấp thì yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật. Bởi vậy trong những trường hợp trung tâm tiếng Anh còn hoạt động, còn tồn tại thì phụ huynh và trung tâm có thể thỏa thuận lại nội dung hợp đồng về thời hạn thực hiện hợp đồng, phương pháp thực hiện hợp đồng, thậm chí cả giá cả và cách đảm bảo về chất lượng. 

"Trường hợp trung tâm tiếng Anh lâm vào tình trạng phá sản, không có khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng và số tiền nhận được đã chi trả cho hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp thì có lẽ thiệt hại, rủi ro sẽ thuộc về các phụ huynh bởi pháp nhân không còn. 

Trường hợp số tiền nhận được của các phụ huynh được sử dụng vào mục đích bất hợp pháp, chi tiêu cá nhân, doanh nghiệp khó khăn nhưng chưa phá sản thì chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở giáo dục này phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại số tiền này cho phụ huynh. Nếu không được giải quyết thì các phụ huynh có thể đưa vấn đề này ra cơ quan chức năng để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật", luật sư Cường phân tích.

Luật sư cũng thông tin thêm: "Dịch bệnh là vấn đề không ai mong muốn, đây là sự kiện xảy ra khách quan nên giữa người dạy và người học cần có những cảm thông, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Trong trường hợp một bên cố tình vi phạm, xâm phạm đến quyền lợi của người học, của phụ huynh thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Bởi vậy trong từng trường hợp cụ thể mà phụ huynh có thể lựa chọn tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật nếu như có căn cứ cho thấy quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm. Còn trường hợp trung tâm tiếng Anh thực sự đã lâm vào tình trạng khó khăn, phá sản thì khi đó rủi ro đối với các phụ huynh là không tránh khỏi khi đã nộp một khoản tiền lớn trước đó".

PV Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem