Thiếu bảo hiểm…lo nợ xấu và tham vọng kép của Bảo hiểm Agribank

Huyền Anh Thứ năm, ngày 15/10/2020 07:42 AM (GMT+7)
Thông qua hoạt động chi trả bồi thường, Bảo hiểm Agribank giúp giảm bớt nợ xấu, nguy cơ mất vốn của Agribank. Đồng thời, giảm áp lực về tài chính đối với khách hàng vay vốn khi gặp rủi ro
Bình luận 0

Theo thống kê của Công ty Tài chính quốc tế (2014), trên toàn thế giới có khoảng 450 triệu hộ gia đình đang phụ thuộc vào hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, bản chất của ngành nông nghiệp là gắn liền với rủi ro lớn.

Thiếu bảo hiểm…lo nợ xấu

Đặc biệt tại Việt Nam, với đặc thù nền nông nghiệp sản xuất manh mún, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Ngoài ra, người nông dân chưa được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, đa số dựa vào kinh nghiệm canh tác truyền thống. Tư duy và thói quen sử dụng dịch vụ còn hạn chế.

Do vậy, bảo hiểm nông nghiệp - công cụ tài chính gắn liền với hoạt động kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ người nông dân trước rủi ro thiên tai, thời tiết, dịch bệnh cũng như rủi ro về biến động giá cả trên thị trường - chính là một công cụ chia sẻ rủi ro hữu ích đối với người sản xuất nông nghiệp.

Thiếu bảo hiểm…lo nợ xấu và tham vọng kép của Bảo hiểm Agribank - Ảnh 1.

Nông nghiệp là lĩnh vực luôn có độ rủi ro thiên tai, dịch bệnh cao, tham gia bảo hiểm của bảo hiểm Agribank giúp bà con nông dân an tâm sản xuất kinh doanh (Ảnh minh họa)

Cũng phải nói thêm rằng, một trong những hậu quả trong ngắn hạn nếu không có các công cụ quản lý rủi ro hiệu quả, đó là việc giảm đáng kể thu nhập và mất cơ hội khôi phục sản xuất của người nông dân.

Thậm chí, khi rủi ro đó liên quan đến những cú sốc mang tính hệ thống và ảnh hưởng tới toàn ngành, chẳng hạn như: Những cú sốc tiêu cực có thể ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người nông dân và dẫn đến việc mất khả năng trả trợ đối với các khoản vay. Điều này sẽ giới hạn khả năng mở rộng, đa dạng hóa và hiện đại hóa các hoạt động nông nghiệp.

Đơn cử như câu chuyện của gia đình ông Ngô Hồng Thỏa (Hải Hâu – Nam Định) là điển hình. Ông Thỏa cho biết, năm 2014 gia đình ông đã phải chịu cảnh "trắng chuồng" vì dịch cúm lợn A/H1N1. Toàn bộ vốn liếng trong gia đình và vốn vay ngân hàng vì thế "bốc hơi". Khoản nợ ngân hàng trở thành nợ xấu, gia đình ông Thỏa loay hoay với việc vay vốn, tái đàn hồi phục sản xuất và trả nợ vay ngân hàng trong nhiều năm liền.

Cũng theo ông Thỏa, gia đình ông chưa từng tham gia gói bảo hiểm cây trồng, vật nuôi nào nhưng khi chịu cảnh "trắng chuồng" vì dịch, gia đình ông đã có cái nhìn khác về bảo hiểm. "Nếu như thời điểm đó có tham gia bảo hiểm, áp lực tài chính sẽ không còn lớn vì được bảo hiểm san sẻ rủi ro. Quan trọng hơn là nợ vay ngân hàng đã không trở thành nợ xấu, dẫn tới khó khăn trong việc tái tiếp cận nguồn vốn như vậy", ông Thỏa nói.

Câu chuyện của gia đình ông Thỏa cũng không phải cá biệt, một số hộ nông dân tại Minh Châu, Ba Vì, Hà Nội cũng vướng "nợ xấu" vì rủi ro trong đầu tư sản xuất kinh doanh. Theo đại diện chính quyền địa phương, hiện địa phương vẫn còn có khoảng 4 đến 5 hộ gia đình còn "mắc nợ" ngân hàng do chăn nuôi gặp rủi ro từ năm 2010 đến nay.

"Hiện có đến 94% khách hàng có dư nợ vay tại Agribank đang mua bảo hiểm. Tham gia bảo hiểm bảo an tín dụng, bảo hiểm chăn nuôi của Bảo hiểm Agribank, bà con nông dân ở đây đều rất phần khởi, yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh mà không còn lo ngại 1 ngày dư nợ tại ngân hàng bỗng dưng trở thành nợ xấu vì rủi ro khách quan, gây khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Cũng nhờ đó, thu nhập của người dân địa phương đã tăng từ 5 triệu năm 2010 lên 45 triệu ở thời điểm hiện tại", ông Phạm Danh Hưng – Phó Chủ tịch xã Minh Châu, Ba Vì cho hay.

Tham vọng kép của Agribank và Bảo hiểm Agribank

Được biết, Bảo hiểm Agribank là công ty con - đơn vị thành viên của hệ thống Agribank. Bảo hiểm Agribank được thành lập với sứ mệnh thực hiện một trong những giải pháp hỗ trợ hệ thống Agribank đưa dòng vốn tín dụng đến với khu vực tam nông.

Ngoài lĩnh vực hoạt động truyền thống như các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác trên thị trường, Bảo hiểm Agribank tiên phong cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, khu vực còn nhiều khó khăn và dễ bị tổn thương trước thiên tai, dịch bệnh. Đây cũng là vùng mà hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm khác trước đây chưa quan tâm phát triển.

Thiếu bảo hiểm…lo nợ xấu và tham vọng kép của Bảo hiểm Agribank - Ảnh 3.

Bảo hiểm Agribank tiên phong cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, khu vực còn nhiều khó khăn và dễ bị tổn thương trước thiên tai, dịch bệnh

Bảo hiểm Agribank dành phần lớn nguồn lực triển khai các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm vi mô gắn với dòng vốn tín dụng vi mô, hỗ trợ Agribank có điều kiện phát triển các khoản cho vay tín chấp đối với các hộ nông dân không đủ điều kiện vay vốn và mở ra hướng phát triển các sản phẩm bảo hiểm phục vụ khu vực tam nông.

Thông qua nghiệp vụ chuyên ngành, Bảo hiểm Agribank san sẻ những rủi ro với thị trường tái bảo hiểm quốc tế, góp phần đảm bảo an toàn dòng vốn tín dụng của Agribank và nâng cao hệ số tín nhiệm của các tổ chức, cá nhân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Thắng – Phó Giám đốc Agribank Lâm Đồng, khách hàng vay vốn tại Agribank được sử dụng dịch vụ tài chính một cửa, tiếp cận với phương pháp quản lý rủi ro hiện đại trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước khuyến khích người dân mua bảo hiểm theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Tại Nghị định 55/2015 quy định, người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp sẽ được giảm lãi suất khoản vay và tiền mua bảo hiểm cũng được cho vay.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Hơn thế nữa, khi vay vốn tại Agribank và tham gia bảo hiểm Agribank, khách hàng sẽ được giảm từ 0,5% đến 1%/năm lãi suất tiền vay.

Mới đây, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với nông dân, nông dân Kiều Viết Vân, xã Ear Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cũng đã chia sẻ, trong cuộc sống và sản xuất, bà con nông dân khu vực nông nghiệp nông thôn thường phải đối mặt với nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, mất mùa. Khi đó bà con nông dân thậm chí con cháu phải đối mặt với gánh nặng nợ nần đối với ngân hàng. Vì vậy, bà con nông dân đã tham gia bảo hiểm theo tư vấn của ngân hàng để bảo vệ mình và thực tế bảo hiểm của bảo hiểm Agribank (ABIC) đã mang lại cho bà con nông dân nhiều lợi ích, giúp bà con trả nợ được ngân hàng khi không may gặp rủi ro để an tâm sản xuất.

Tuy nhiên, để có thể tham gia đầy đủ các sản phẩm bảo hiểm nhất là Bảo an tín dụng của bảo hiểm Agribank và bảo hiểm cây trồng vật nuôi, nông dân Kiều Viết Vân, xã Ear Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk mong Chính phủ và ngân hàng cùng các tổ chức tín dụng khác xem xét sớm có giải pháp ưu tiên cho nông dân như giảm lãi suất, coi hợp đồng bảo hiểm là điều kiện vay vốn và cho vay toàn bộ phí mua bảo hiểm. Đây có lẽ không chỉ là nỗi mong mỏi của riêng nông dân Kiều Viết Vân mà là kỳ vọng của bà con nông dân trong cả nước.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khẳng định, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực có rất nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích người dân mua bảo hiểm theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Tại Nghị định 55/2015 có quy định rõ, người dân tham gia bảo hiểm sẽ được giảm lãi suất khoản vay và tiền mua bảo hiểm cũng được cho vay.

Thiếu bảo hiểm…lo nợ xấu và tham vọng kép của Bảo hiểm Agribank - Ảnh 5.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đồng ý cho vay phí bảo hiểm, giảm lãi vay

Đối với Agribank, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm tỷ trọng trên 70%/tổng dư nợ. Vốn tín dụng Agribank chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ hơn 1 triệu tỷ đồng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Với 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng, miền, là NHTM duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo, gần 40.000 cán bộ, người lao động.

Agribank chủ yếu hoạt động tại khu vực nông nghiệp nông thôn nên cũng chịu nhiều rủi ro khách quan từ thiên tai dịch bệnh, mô hình sản xuất kinh doanh và thói quen canh tác. Chưa kể, để tránh mất vốn của nhà nước, bắt buộc Agribank phải trích lập các quỹ dự phòng rủi ro lớn, điều này làm giảm khả năng phát triển của hệ thống Agribank nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Vì vậy, nếu khách hàng vay vốn tham gia Bảo hiểm Agribank không may bị tai nạn, thiên tai dịch bệnh dẫn đến thiệt hại về người, vật nuôi, cây trồng thì Bảo hiểm Agribank và các doanh nghiệp Tái bảo hiểm sẽ bồi thường thiệt hại giúp Agribank bảo vệ được dòng vốn tín dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem