Thiếu trầm trọng điều dưỡng (bài cuối): Điều dưỡng đã thiếu lại còn quá nhiều quy định bất cập

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 23/10/2022 07:00 AM (GMT+7)
Điều dưỡng đã thiếu, Bộ Y tế lại mới yêu cầu nâng chuẩn điều dưỡng lên bậc cao đằng, đại học khiến nguồn tuyển ngày càng hẹp.
Bình luận 0
Thiếu trầm trọng điều dưỡng: Bài cuối: Điều dưỡng đã thiếu lại còn quá nhiều quy định bất cập - Ảnh 1.

Điều dưỡng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: B.D

Bỏ 35-40 triệu đồng đi học nâng chuẩn, thu nhập chỉ 7-8 triệu

Số thí sinh đăng ký học điều dưỡng tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong năm 2022 đã giảm 66% so với năm 2021. Tình hình này đang trở nên phổ biến tại các trường có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng.

Sở Y tế TP cho rằng, đặc thù của nghề điều dưỡng thường khá vất vả, áp lực công việc cao, nguy cơ lây nhiễm bệnh trong môi trường làm việc. Trong khi đó, thu nhập của điều dưỡng thấp, không đảm bảo cuộc sống gia đình nên dẫn đến tình trạng bỏ nghề, chuyển nghề, một số ít khác được bệnh viện tư tiếp nhận với mức lương cao hơn.

Bên cạnh đó, điều dưỡng trung cấp đang gặp khó khăn trong học tập để nâng chuẩn trình độ lên cao đẳng, đại học theo quy định của Bộ Y tế. Kinh phí đào tạo cho chương trình cử nhân, cao đẳng điều dưỡng mất từ 35 – 40 triệu đồng/năm, nhưng khi ra trường, công việc vất vả, lương thấp, không có chế độ ưu đãi nên càng ngày số lượng người nộp đơn vào các trường đào tạo điều dưỡng ngày càng giảm.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức) cho biết, trước đây việc đào tạo hộ lý, điều dưỡng sơ cấp cần khoảng một năm. Theo lộ trình, đến năm 2025 tất cả điều dưỡng phải có trình độ cao đẳng, đại học.

Với yêu cầu này, thời gian học tập điều dưỡng kéo dài nhưng khi đi làm, hệ số lương thấp, áp lực nhiều, khối lượng công việc lớn. Bác sĩ Khanh cho rằng, nhu cầu của bệnh viện về điều dưỡng trình độ cử nhân chỉ chiếm khoảng 30-40%, còn lại là cần người chăm sóc trực tiếp bệnh nhân.

Do đó, ông Khanh đề xuất, cần duy trì loại hình đào tạo điều dưỡng trung cấp, sơ cấp, có thời gian đào tạo ngắn. Ở bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện hạng 1, tỷ lệ điều dưỡng trình độ cử nhân có thể chiếm tỷ lệ cao hơn, nhưng ở tuyến quận huyện, chỉ nên duy trì 40-50%.

So với các bệnh viện đa khoa, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM còn gặp khó hơn ở nhóm nhân sự này. Theo đó, bệnh viện sau khi tuyển dụng điều dưỡng đa khoa sẽ phải đào tạo lại về y học cổ truyền mới có thể làm việc.

Trong khi đó, nhóm y sĩ y học cổ truyền dù phù hợp hơn với yêu cầu bệnh viện nhưng lại không được tuyển. Theo quy định, y sĩ y học cổ truyển phải học qua điều dưỡng, có chứng chỉ hành nghề rồi mới được tuyển dụng.

Cần bổ sung, hỗ trợ nhiều chính sách cho điều dưỡng

Tiến sĩ, điều dưỡng Trần Thị Châu, Phó chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ chi phí cho sinh viên ngành điều dưỡng, hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao cho điều dưỡng. Đặc biệt, các bệnh viện phải đặt hàng với các trường tuyển sinh và đào tạo số lượng, nhóm nghề phù hợp với nhu cầu thực tế.

Trong khi đó, theo thạc sĩ, điều dưỡng Bùi Thị Hồng Ngọc, Trưởng phòng điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cần sớm trả lại người điều dưỡng về đúng vị trí chuyên môn chăm sóc người bệnh.

Theo bà Ngọc, không nên để điều dưỡng phải làm các công việc văn phòng, cần bổ sung các vị trí nhập liệu, thư ký y khoa... để làm các vị trí hành chính trong bệnh viện, tránh lãng phí nguồn nhân lực điều dưỡng.

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ ở các bệnh viện công lập đang giảm dần. Về lý thuyết, cần 3-4 điều dưỡng/bác sĩ nhưng hiện nay tỷ lệ này là 1,86, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc bệnh nhân.

"Ở bệnh viện nhi hay lão khoa, cần người chăm sóc, thường xuyên liên tục. Khi người bệnh cần, nhấn nút gọi là có ngay. Nhưng thực tế, mỗi đêm trực, một khoa có khoảng 70 bệnh nhân nhưng cao nhất chỉ có 3 điều dưỡng. Nếu không có loại hình trung gian sẽ rất khó", ông Dũng bày tỏ.

Thiếu trầm trọng điều dưỡng: Bài cuối: Điều dưỡng đã thiếu lại còn quá nhiều quy định bất cập - Ảnh 3.

Cần có nhiều chế độ cho đội ngũ điều dưỡng. Ảnh: B.D

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM đề nghị bổ sung đào tạo chức danh trợ lý điều dưỡng. Trợ lý điều dưỡng có các nhiệm vụ như: Giúp bệnh nhân trong việc vệ sinh cá nhân, sắp xếp giường bệnh, hỗ trợ di chuyển trong bệnh viện, lấy dấu hiệu sinh tồn, hỗ trợ 1 số việc khác do điều dưỡng quản lý phân công..

Ở nhiều quốc gia, điều dưỡng có nhiều loại hình chức danh khác nhau. Trong đó có điều dưỡng chính (thực hành có giấy phép, chứng chỉ hành nghề), trợ lý điều dưỡng (chỉ cần giấy chứng nhận, không cần chứng chỉ hành nghề, đào tạo ngắn hạn ít nhất 3 tháng).

Sở Y tế TP.HCM xác định nguy cơ thiếu hụt nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện công lập là một thách thức. Do đó, Sở Y tế đã kiến nghị UBND TP có cơ chế, chính sách giúp tăng thu nhập cho đội ngũ điều dưỡng. Trước mắt, ưu tiên giải quyết thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03 của HĐND TP cho tất cả điều dưỡng thuộc y tế công lập trên địa bàn, bao gồm cả diện hợp đồng chuyên môn.

Sở Y tế kiến nghị UBND TP đã có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1/1/2026. Đồng thời, gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31/12/2030.

Sở Y tế cũng kiến nghị cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp để làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem