Thịt heo Mỹ và chính trị Đài Loan
Nếu được thông qua, diễn biến này có thể đe dọa thỏa thuận thương mại song phương với đồng minh quan trọng của Đài Bắc.
Lâu nay, Đài Loan vẫn cấm nhập khẩu tất cả thịt heo từ Mỹ vì quy định không sử dụng chất phụ gia gây tranh cãi ractopamine. Tuy nhiên, báo cáo năm ngoái của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) xác định các lệnh hạn chế này là rào cản lớn cho quan hệ thương mại toàn diện Mỹ-Đài. Đây không phải lần đầu Mỹ kêu gọi Đài Loan giảm những quy định nói trên, thậm chí Washington còn coi đây là “điều kiện tiên quyết” trong các cuộc đàm phán thương mại song phương vốn bị đình trệ từ năm 2007.
Không chỉ bảo vệ an ninh, Mỹ còn là đối tác thương mại lớn thứ hai đối với Đài Loan khi chiếm 11,8% tổng kim ngạch thương mại và 12% kim ngạch nhập khẩu của hòn đảo này. Xét đến lợi ích kinh tế và các mục tiêu phát triển chiến lược tổng thể của Đài Loan, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn hôm 31-8 rốt cuộc ra thông báo vùng lãnh thổ này sẽ nới lỏng quy định cho phép nhập khẩu sản phẩm thịt heo chứa thành phần chất tạo nạc và thịt bò trên 30 tháng tuổi từ Mỹ. Trước đó, bà Thái tiết lộ Đài Bắc đang chuẩn bị khởi động các cuộc đàm phán thương mại tự do với Washington.
Cũng vì vậy, thông báo nới lỏng hạn chế các sản phẩm thịt nhập khẩu từ Mỹ ngay lập tức vấp phải chỉ trích từ phe đối lập KMT với cáo buộc đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền “vì lợi ích” kinh tế mà tạo ra mối đe dọa cho an toàn thực phẩm Đài Loan. Chủ tịch KMT Giang Khải Thần tuyên bố đảng này bắt đầu thu thập chữ ký từ ngày 12-9, thể hiện ý chí người dân thông qua hành động cụ thể. Theo quy định, KMT cần thu thập khoảng 200.000 chữ ký ủng hộ để thông qua lời kêu gọi trưng cầu dân ý và tiến hành bỏ phiếu. Đáp lại, chính quyền bà Thái cáo buộc phe đối lập “chính trị hóa” vấn đề an toàn thực phẩm; đồng thời nhấn mạnh chính sách mới phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và góp phần thúc đẩy quan hệ Mỹ-Đài.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng những diễn biến hiện nay chỉ là “ăn miếng trả miếng” khi DPP trong giai đoạn KMT cầm quyền cũng từng phản đối việc cựu lãnh đạo Mã Anh Cửu xúc tiến thảo luận dự luật cho phép nhập khẩu thịt heo và bò từ Mỹ. DDP khi đó còn tố giác chính quyền “khuất phục” trước sức ép của Washington mà coi nhẹ những rủi ro về sức khỏe. Nhưng kể từ khi lên nắm quyền từ năm 2016, chính bà Thái Anh Văn đã sớm cho thấy quan điểm khác biệt về vấn đề này. Và với quyết định hôm 31-8, các nhà phân tích cho rằng lãnh đạo Đài Loan đang đánh cược vào thực tế là bà sẽ không tái tranh cử sau nhiệm kỳ hai. Ngoài ra, DDP có thể muốn tranh thủ sự tín nhiệm của người dân sau thành công trong xử lý đại dịch COVID-19.
Dù vậy, chính quyền của bà Thái được dự đoán đối mặt không chỉ phản đối từ phe đối lập mà còn áp lực từ các nhóm công nghiệp và nông dân bản địa. Thời điểm năm 2010, ông Mã Anh Cửu cũng buộc phải khôi phục lệnh cấm nhập thịt bò Mỹ trước làn sóng biểu tình dữ dội trên khắp hòn đảo này.
Tính toán của phe đối lập
Theo giới quan sát, tranh cãi hiện nay là cơ hội để KMT công kích DDP và giành lại ủng hộ từ người dân sau hàng loạt thất bại trong các cuộc bầu cử quan trọng. Hồi năm ngoái, ứng viên KMT Hàn Quốc Du đã thua bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan. Đến tháng 6 vừa rồi, người này tiếp tục để mất luôn ghế thị trưởng thành phố Cao Hùng sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Những người phản đối ông Hàn Quốc Du và KMT cáo buộc đảng này âm mưu “bán Đài Loan cho đại lục” khi ủng hộ mô hình “một quốc gia, hai chế độ” do Bắc Kinh gợi ý. Trong bối cảnh tâm lý “bài Trung Quốc” lên cao, dàn lãnh đạo KMT được cho đang cố gắng thay đổi chính sách và cố tạo khoảng cách với đại lục.