Thoát cảnh nông sản ế: Phải làm tốt khâu định hướng và liên kết

Huỳnh Xây - Nguyên Vỹ (ghi) Thứ sáu, ngày 24/02/2017 11:21 AM (GMT+7)
Thời gian qua, những lời kêu gọi giải cứu hành tím, dưa hấu, cà chua… trên mạng xã hội đã được đông đảo cộng đồng hưởng ứng. Nước mắt nông dân mặn chát trên đồng ruộng, đã khiến những người dân thành thị, doanh nghiệp đồng cảm và cùng vào cuộc tiêu thụ.
Bình luận 0

Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài ai sẽ đứng ra tiêu thụ nông sản cho bà con? Báo NTNN ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý.

img

GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ: Thay đổi ngay tư duy sản xuất

Thực tế là hầu hết nông dân vẫn làm ăn riêng lẻ, trong khi đó các HTX hoạt động chưa thật sự hữu hiệu. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ tiếp tục bị sức ép cạnh tranh khi nước ta hội nhập và tham gia các hiệp định tự do thương mại. Ngoài ra, thách thức đối với nông sản ĐBSCL là chi phí sản xuất cao, sản phẩm bán ra đắt  hơn so với sản phẩm của các nước khác nhưng chất lượng, sản lượng lại không đảm bảo.

Những hiệp định thương mại được ký kết sẽ không có lợi cho nông dân làm cá thể, không sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP... Chính vì vậy phải thay đổi ngay tư duy sản xuất, phương pháp làm ăn, nếu không hàng hóa của nông dân làm ra sẽ bị “chết yểu” trước sự tấn công của hàng ngoại.

Bên cạnh sự cố gắng của nông dân, các doanh nghiệp phải tăng cường tìm tòi các cách làm mới, học hỏi kinh nghiệm các nước khác trong công nghệ chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu có uy tín.

img

 Nông dân Bình Thuận thu hoạch thanh long.  TTXVN

Ngành chức năng địa phương phải tìm các doanh nghiệp, tránh việc khuyến khích nông dân làm nhưng không có doanh nghiệp bao tiêu. Chuyển giao các giải pháp kỹ thuật nhằm hạ giá thành sản xuất...”.

GS Võ Tòng Xuân

Riêng cơ quan nhà nước phải đầu tư giống cây chất lượng theo yêu cầu thị trường. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý khâu quy hoạch, có chiến lược phát triển cụ thể, xem vùng nào trồng loại cây nào cho phù hợp, tránh sản xuất tràn lan. Ngành chức năng địa phương phải tìm các doanh nghiệp, tránh việc khuyến khích nông dân làm nhưng không có doanh nghiệp bao tiêu.

Ngoài ra, cần chuyển giao các giải pháp kỹ thuật nhằm hạ giá thành sản xuất, ít hao hụt trong quá trình thu hoạch và luôn tạo ra sản phẩm mới để tăng tính cạnh tranh.

PGS- TS Nguyễn Minh Châu - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam: Xây dựng thương hiệu tầm quốc tế

img

Vùng ĐBSCL có nhiều trái cây ngon, nổi tiếng thế giới như xoài cát Hòa Lộc, thanh long, bưởi da xanh, quýt đường, chôm chôm nhãn, sầu riêng Ri 6… Thế nhưng, sản phẩm của chúng ta khi bán đi vẫn còn hạn chế cả về số lượng và giá trị, chưa chú ý xây dựng thương hiệu, nhãn mác...

Thực tế, phải có 1 logo để  HTX dán lên sản phẩm thì người tiêu dùng mới nhận diện được đó là sản phẩm của người Việt Nam, có nguồn gốc, xuất xứ cụ thể. Ngoài ra, để tránh hiện tượng “trúng mùa, mất giá”, nông dân cần nâng cao chất lượng nông sản, sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP…

Chúng ta mới chỉ xây dựng được thương hiệu trái cây trong nước. Muốn xây dựng được thương hiệu có tiếng tăm trên thế giới, phải bắt đầu bằng một chuỗi sản xuất, trong đó có sự gắn kết chặt chẽ với người nông dân để nông sản làm ra theo quy trình khép kín, có kiểm tra, truy xuất nguồn gốc...

Phải nói thêm rằng HTX là giải pháp duy nhất để phát triển vùng sản xuất lớn, chất lượng trái cây đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, ngoài việc quy hoạch phát triển sản xuất, Nhà nước cần phải tạo cơ chế thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới, phù hợp với tình hình sản xuất mới. Các HTX này phải liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu để đảm bảo đầu ra ổn định.

Ông Huỳnh Thành Vinh - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai: Xác định thế mạnh để làm cánh đồng lớn

img

Tại Đồng Nai, không chỉ huyện Trảng Bom mà nhiều địa phương khác cũng trồng chuối với diện tích khá lớn. Nhưng đây không phải cây chủ lực nên chính quyền địa phương không có chính sách khuyến khích. Riêng chuối cấy mô, nông dân thấy bán được giá cao thì tự chuyển đổi. Không khuyến khích mà nông dân vẫn làm thì cũng không thể quy hết trách nhiệm cho chính quyền.

Thực tế, quyền sử dụng đất là của nông dân. Quy hoạch chỉ là định hướng chứ không phải khuôn khổ để chế tài. Khuyến nông không thể bắt nông dân trồng đậu đen khi họ thích trồng đậu đỏ. “Nếu trồng theo khuyến cáo mà thua lỗ thì khuyến nông có đền bù không”, nông dân hoàn toàn có thể đặt ngược câu hỏi như thế.

Không có quy hoạch nào như quy hoạch nông nghiệp vì không thể cản dân trồng thứ gì trên đất của họ. Khuyến nông hiện nay vẫn thiên về công tác tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nông dân thì càng thiếu thông tin, thấy nhu cầu tăng thì đổ xô trồng.

Rõ ràng đây cũng là bài học đối với công tác quản lý của chính quyền địa phương, buộc ngành phải chú tâm hơn trong công tác định hướng trong thời gian tới. Nhưng bản thân nông dân cũng phải tự thích nghi để tồn tại trong kinh tế thị trường. Vì thị trường là bán cái người ta cần chứ không phải cái anh có.

Để hạn chế tình trạng sản xuất tự phát, phải xác định các thế mạnh của địa phương để xây dựng phát triển đề án cánh đồng lớn, nâng cao chất lượng, đảm bảo đầu ra. Trên cơ sở đó Nhà nước và tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ vốn, tư vấn... Hiện tỉnh đã thực hiện 10 cánh đồng lớn và tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu này trong năm nay.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem