Thời nhà Trần có 2 đại thần cùng họ tên Nguyễn Khoái, vậy ai là người chỉ huy quân Thánh Dực bảo vệ vua?

Thứ bảy, ngày 04/03/2023 14:55 PM (GMT+7)
Nguyễn Khoái là tướng chỉ huy quân Thánh Dực dưới thời vua Trần Nhân Tông (1278-1293) và từng dũng cảm lập công lớn trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Nguyên xâm lược lần thứ hai vào năm 1285 và lần thứ ba vào năm 1288.
Bình luận 0

Nguyễn Khoái sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu, hiện tại vẫn chưa ai rõ. Sử cũ chỉ cho biết rằng, Nguyễn Khoái là tướng chỉ huy quân Thánh Dực dưới thời vua Trần Nhân Tông (1278-1293) và từng dũng cảm lập công lớn trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Nguyên xâm lược lần thứ hai vào năm 1285 và lần thứ ba vào năm 1288. 

Có 2 người cùng họ tên Nguyễn Khoái

Thời Trần có hai nhân vật cùng họ cùng tên là Nguyễn Khoái và cùng được sử cũ trân trọng ghi tên. Một người là danh tướng, một người là danh thần. 

Tuy cùng âm là Khoái, nhưng mặt chữ Hán của hai tên gọi này lại hoàn toàn khác nhau. Chữ Khoái là tên của danh tướng vốn tên một loài cỏ. Chữ Khoái là tên của danh thần có nghĩa là vui vẻ, sắc sảo, mau chóng...

Thời nhà Trần có 2 đại thần cùng họ tên Nguyễn Khoái, vậy ai là người chỉ huy quân Thánh Dực bảo vệ vua? - Ảnh 1.

Thời Trần, quân Thánh Dực là một trong những đơn vị quân chủ lực của triều đình. Tướng chỉ huy đội quân đó, ngoài tài năng và uy tín còn phải có một quá trình thử thách khá lâu dài. 

Từ thực tế này, chúng ta có thể ước đoán rằng, Nguyễn Khoái đã trở thành võ quan của triều Trần khoảng cuối đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) hoặc đầu đời vua Trần Nhân Tông. 

Trong cuộc chiến tranh lần thứ hai (1285), hoạt động chủ yếu của Nguyễn Khoái là đem đội quân Thánh Dực theo hầu cận để bảo vệ Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, đồng thời, sẵn sàng thực hiện mọi mệnh lệnh chiến đấu do Thượng Hoàng và nhà vua ban ra. Cả hai nhiệm vụ này, Nguyễn Khoái đã hoàn thành một cách xuất sắc.

 Ông đã lập công lớn trong việc tấn công vào đội quân của tướng giặc là Toa đô. Bấy giờ, quân của Toa đô từ đất Chiêm Thành tiến ra, hòng kết hợp với quân chủ lực của Thoát Hoan, tạo thành hai gọng kìm nguy hiểm, từ Nam lên và từ Bắc xuống để bóp nát quân chủ lực của ta. 

Trải 3 năm chinh chiến (1282-1285), đạo quân của Toa đô tuy đã bị thiệt hại nhiều nhưng vẫn thực sự là một đạo quân mạnh. 

Từ khi tướng chỉ huy quân đội nhà Trần ở phía Nam là Trần Kiện đầu hàng, tinh thần của đạo quân Toa đô có phần phấn chấn hơn. Cuối mùa xuân năm Ất Dậu (1285). Toa đô hùng hổ tiến ra vùng châu thổ sông Hồng. Sử cũ chép rằng:

Toa đô từ Chiêm Thành kéo ra đánh phá và cướp bóc suốt dọc đường đi. Chúng trèo đèo vượt sông, từ châu Ô, châu Lý, châu Hoan và châu Ái, tiến ra Tây Kết. 

Nhà vua bàn với quần thần rằng: Giặc đi xa muôn dặm để mưu cướp nước, do không chiếm được nên mới bỏ đi. Nay nhằm lúc chúng đang mỏi mệt mà đem quân ta đã được nghỉ ngơi dưỡng sức để ra đối địch, đánh ngay trận phủ đầu thì ắt chúng sẽ mất hết nhuệ khí và sẽ bị phá tan.

Bàn xong đâu đấy rồi, nhà vua liền hạ lệnh cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cùng Hoài Vần Hầu Trần Quốc Toản và tướng quân Nguyễn Khoái đem quân tinh nhuệ đi đón đánh. Khi quân ta tiến đến Hàm Tử, hai bên đánh nhau rất quyết liệt. 

Thắng lợi của chiến dịch Hàm Tử có ảnh hưởng to lớn và mạnh mẽ đến thắng lợi của chiến dịch Tây Kết. Và thắng lợi của chiến dịch Tây Kết vừa có tác dụng củng cố thắng lợi của chiến dịch Hàm Tử vừa có ý nghĩa mở đường cho thắng lợi của một loạt chiến dịch sau đó, đẩy quân Nguyên vào thế khủng hoảng nghiêm trọng để rồi cuối  cùng bị thất bại hoàn toàn.

Trong cuộc chiến tranh chống quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ ba (1288), tướng Nguyễn Khoái lại tiếp tục lập được chiến công vẻ vang, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cả dân tộc. 

Bấy giờ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quyết đánh trận chiến lược với quân Nguyên - Mông  ở Bạch Đằng. Đây là trận thủy chiến có quy mô lớn, được tổ chức theo kế hoạch kết hợp chặt chẽ giữa mai phục với bao vây. 

Chiến thuyền của đạo quân Thánh Dực đã khiến cho giặc hốt hoảng, vừa cố sức chống đỡ vừa tìm đường tháo chạy. Nhưng chúng đã không thể nào thoát được bởi bãi cọc gỗ cực kì lợi hại mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chuẩn bị công phu từ trước. Quân Nguyên chết không biết là bao nhiêu mà kể. Ta bắt được của chúng hơn bốn trăm chiếc thuyền.

 Lời bàn:

Triều Trần đánh giá rất cao công lao của Nguyễn Khoái. Tháng 4-1289, vua Trần định công ban thưởng cho tất cả các tướng có công đánh giặc. 

Nguyễn Khoái được phong tước Hầu và được cấp hẳn cả một Hương, đó là Hương Khoái Lộ. Hương này nay thuộc tỉnh Hưng Yên. ư

Trường hợp của tướng quân Nguyễn Khoái được xem như là một ngoại lệ hiếm hoi. Bởi lúc bấy giờ, Nguyễn Khoái là một trong số rất ít người không thuộc hàng quý tộc được hưởng đặc ân này.

 Và điều này đã nói lên một trong những nguyên nhân chính mà nhà Trần ba lần chiến thắng Nguyên Mông là đã tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân tộc với tinh thần “tướng sỹ một lòng phụ tử” của dân tộc ta mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ con dân nước Đại Việt xưa và nước Việt Nam ngày nay trong sự nghiệp bảo vệ non sông gấm vóc của tổ tiên để lại.

N.V (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem