Thống kê ngỡ ngàng: Người dùng mất tiền tỷ vì lừa đảo trên mạng

Thứ hai, ngày 01/08/2022 18:33 PM (GMT+7)
Việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhắm đến người dùng điện thoại ngày càng gia tăng và tinh vi khiến nhiều người dân sập bẫy.
Bình luận 0

Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (NCSC), thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết có hơn 2.624 người báo cáo lừa đảo được gửi qua canhbao.ncsc.gov.vn. Có tới 30% trong các trường hợp này liên quan đến hoạt động lừa đảo qua các ứng dụng điện thoại.

Nhiều thủ đoạn từ đơn giản cho đến tinh vi đã được các đối tượng này áp dụng, như giả dạng cơ quan chức năng điều tra hay các trang thương mại điện tử. Số tiền các đối tượng chiếm đoạt có thể lên đến hàng tỷ đồng.

Muôn vàn kiểu lừa đảo

Trò chuyện cùng Zing, chị Mỹ Uyên (Bình Chánh, TP.HCM) cho biết bị lừa qua hình thức dọa vi phạm pháp luật. Theo đó, chị nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên của Bưu điện Việt Nam nói rằng chị có một đơn hàng cấm bao gồm vảy tê tê, 2 thẻ ngân hàng và 2 bộ đồ. Kẻ giả danh đề nghị hỗ trợ chị liên hệ với Công an Đà Nẵng để được giúp đỡ và hủy đơn hàng.

Sau khi được kết nối hộ với "Công an Đà Nẵng", đối tượng giả danh công an thông báo chị Uyên dính tới tội phạm cấp độ quốc gia, có khả năng đi tù.

Người dùng mất tiền tỷ vì lừa đảo trên mạng - Ảnh 1.

Kẻ xấu giả danh "công an" quy chụp và tạo sức ép lên nạn nhân. Ảnh: Xuân Mai.

Để chứng minh trong sạch, theo hướng dẫn, chị phải chuyển hết 2 triệu đồng còn dư trong tài khoản cho đối tượng để kiểm tra cùng lời hứa số tiền này sẽ được chuyển lại sau 30 phút. Song, sau khi chuyển hết tiền trong tài khoản, chị không được chuyển lại tiền mà còn bị hăm dọa và đòi thêm 20 triệu đồng.

"Biết bị lừa, mình có đi báo ngân hàng và công an nhưng họ cũng không thể làm gì hơn do số tiền mất không quá lớn và thời gian điều tra có thể kéo dài", chị Uyên kể lại.

Tương tự, nhiều hội nhóm trên mạng xã hội xuất hiện lời chào tuyển cộng tác viên xem TikTok để kiếm tiền.

Thực chất chiêu thức lừa đảo này "đội lốt" tăng tương tác cho video trên TikTok với giá 10.000 đồng một video. Sau đó, bên lừa đảo yêu cầu nạp tiền để làm nhiệm vụ tiếp theo, với tiền công là 30% hoa hồng. Cứ thế, số tiền tăng lên theo lần nạp.

Người dùng mất tiền tỷ vì lừa đảo trên mạng - Ảnh 2.

Tràn lan lời chào việc nhẹ lương cao qua các ứng dụng tự xưng là thuộc TikTok, Zalo, Telegram. Ảnh: Xuân Mai.

Là nạn nhân của chiêu thức lừa đảo này, chị Ngọc Dung (Thành phố Thủ Đức, TP.HCM) tâm sự chị và chồng bị lừa 25 triệu đồng. Chị chia sẻ thời gian đầu khi làm nhiệm vụ, chị và chồng được trả tiền đúng với thỏa thuận.

Tuy nhiên, đến lần nạp với số tiền 10 triệu đồng, chị và người thân không nhận được tiền gốc và phần phúc lợi. Không những vậy, chúng còn yêu cầu chị nạp thêm 8 triệu đồng để có thể rút tất cả số tiền kia về.

Cơ quan chức năng nhiều lần vào cuộc

Trên thực tế, các chiêu thức lừa đảo gần đây đã được cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo. Các đối tượng lừa đảo nhắm đến nạn nhân là phụ nữ nhẹ dạ, đang nuôi con nhỏ, giáo viên, công nhân mong muốn tăng thêm thu nhập để trang trải cuộc sống sau dịch Covid-19.

Thủ đoạn lừa đảo cũng thường được cập nhật theo các xu hướng, sự kiện mới. Có thể kể đến như khi cơ quan chức năng dự thảo xử lý phạt nguội vi phạm giao thông qua video trích xuất từ camera.

Theo đúng quy trình, phía công an phải gửi biên bản vi phạm về tận nhà. Tuy nhiên, nhóm đối tượng lợi dụng thông tin đó, giả danh công an thông báo phạt nguội rồi yêu cầu "con mồi" đóng phạt online.

Người dùng mất tiền tỷ vì lừa đảo trên mạng - Ảnh 3.

Thời đại công nghệ thông tin phát triển, cuộc sống và mọi thông tin cá nhân dường như được phơi bày trên mạng xã hội. Ảnh: Reuters.

Giữa tháng 5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang tiến hành khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Hữu Hiền (sinh năm 1993, ngụ Đồng Nai) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi đối tượng lấy thông tin, hình ảnh của kênh YouTube chuyên kêu gọi từ thiện, tạo một trang Facebook giả mạo của riêng của Hiền để lừa đảo tiền từ thiện.

Cũng theo Công an tỉnh Tiền Giang, giai đoạn tháng 5/2021-7/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 157 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng. Trong đó, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng chiếm 124/157 vụ, gây thiệt hại 26 tỷ đồng.

Một cán bộ công tác tại Công an Quận 5, TP.HCM cho biết công tác điều tra những vụ án như trên hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do các tình tiết án xảy ra trên mạng, bên bị hại lẫn bên lừa đảo đều mang tính chất "ảo" và đa dạng.

Cán bộ công an này cũng cho biết các đối tượng tội phạm thường tìm “con mồi” là những người lớn tuổi, thanh niên và cả trẻ nhỏ. Với trường hợp người già hoặc trẻ em, khi biết bị lừa, những nạn nhân cũng bối rối không biết xử lý như thế nào.

Rất ít người dám lên tiếng sau khi bị lừa do sợ ảnh hưởng danh tính cũng như gia đình do tính chất của vụ án. Điều này khiến việc điều tra vốn đã khó càng đi vào ngõ cụt.

Theo khuyến nghị từ lực lượng chức năng, trong mọi trường hợp, người dân cần phải sáng suốt, chủ động cập nhật thông tin, nâng cao trình độ nhận thức, không ngần ngại trao đổi với người xung quanh nếu gặp tình huống nghi vấn.

Người dân cũng nên cảnh giác việc cung cấp thông tin cá nhân như số căn cước, số điện thoại, địa chỉ, nhân thân, lý lịch cá nhân, số tài khoản ngân hàng, thậm chí là hình ảnh liên quan đến tài sản lên mạng xã hội theo chế độ chia sẻ công khai.

Xuân Mai (Theo Zingnews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem