Thu hồi loại bỏ phương tiện cũ nát tại Hà Nội, TPHCM

Thế Anh Thứ ba, ngày 19/01/2021 09:31 AM (GMT+7)
Thủ tướng yêu cầu ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng... thu hồi, loại bỏ phương tiện cũ nát, lạc hậu.
Bình luận 0
Thu hồi loại bỏ phương tiện cũ nát tại Hà Nội - TP HCM - Ảnh 1.

Hiện nay, Hà Nội có hàng triệu phương tiện cá nhân.

Từ nay đến giữa năm 2021, thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Thu hồi, loại bỏ phương tiện cũ nát

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND T Hà Nội, Tp HCM và các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao ô nhiễm không khí thực hiện nghiêm việc xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng không khí của địa phương theo đúng chỉ đạo.

Cùng với đó, các địa phương chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó trong trường hợp không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý; triển khai công tác kiểm kê nguồn khí thải, quan trắc, đánh giá về ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5), hoàn thành trước ngày 31/12/2021.

Thu hồi loại bỏ phương tiện cũ nát tại Hà Nội - TP HCM - Ảnh 2.

Ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải và thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu.

Ngoài ra, xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới quan trắc chất lượng không khí của địa phương. Bố trí nguồn lực đầu tư, lắp đặt bổ sung, tăng cường số lượng các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động liên tục; thường xuyên tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí định kỳ trên địa bàn; cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời về chất lượng không khí trên địa bàn cho nhân dân.

Đáng chú ý, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố.

Các địa phương đẩy mạnh phát triển giao thông phi cơ giới; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân; đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường; tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, thành phố để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh khô, lặng gió. Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông.

Đôn đốc, kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cơ sở khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình...

Đặc biệt, kiểm tra các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn, có nguy cơ cháy nổ cao; khuyến khích các cơ sở sản xuất thay thế các loại máy móc, dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiện đại ít gây ô nhiễm môi trường; đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Thu hồi loại bỏ phương tiện cũ nát tại Hà Nội - TP HCM - Ảnh 3.

Việc kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông cần có lộ trình.

Lo ngại ảnh hưởng đến sinh kế của người nghèo

Trên thực tế, việc kiểm soát khí thải cho xe máy, ô tô cũ cũng đã được Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) đưa vào nội dung dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi. Khi thông tin về dự án Luật này, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thông tin, một trong những thủ phạm gây ra ô nhiễm không khí tại các đô thị là khí thải từ phương tiện giao thông. Do đó, dự luật lần này hướng đến mục tiêu phải kiểm soát phát thải của phương tiện giao thông, bao gồm cả cũ lẫn mới.

Theo ông Thịnh, đợt giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19 vừa qua chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt vì có ít phương tiện giao thông hoạt động. Điều này cho thấy mối tương quan giữa hoạt động giao thông và ô nhiễm không khí.

Đánh giá về việc thu hồi phương tiện cũ nát, một số chuyên gia giao thông đồng tình với việc thu hồi, kiểm soát khí thải đối với phương tiện cũ nát, tuy nhiên, việc ban hành quy chuẩn khí thải cho phương tiện giao thông cũ có thể gây ảnh hưởng đối người thu nhập thấp, cho nên cần phải có lộ trình đối với xe máy, ô tô cũ để không ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người dân.

Hiện có hàng chục triệu xe máy, ô tô cũ đang được sử dụng. Việc kiểm soát chất lượng khí thải của những phương tiện này là vấn đề khó, nhạy cảm vì sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của đông đảo người dân.

Tháng 7/2020, báo cáo của Tổng cục Môi trường cho biết, lượng phương tiện giao thông đang gia tăng mạnh tại các đô thị lớn.

Cụ thể, năm 2008 Hà Nội chỉ có 2,2 triệu phương tiện giao thông, đến năm 2017 đã tăng đến 6 triệu xe, gấp 3 lần sau 10 năm. Hiện nay trung bình mỗi tháng Hà Nội có khoảng 27.000 ô tô, xe máy đăng ký mới.

Còn tại TP HCM, tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông cũng đang ở mức cao, riêng xe máy có số lượng tăng thêm từ 10-15% mỗi năm. Đa phần xe máy tại TP này vẫn đang được lưu hành theo quy chuẩn khí thải mức EURO 2, mức tiêu chuẩn khá thấp, có thể gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem