"Thủ lĩnh" nông dân người Chơ Ro trồng cà phê kiểu thả đọt khác người, trái mọc chi chít nhìn mê tít

Thứ hai, ngày 31/01/2022 13:30 PM (GMT+7)
Giữa đất Lộc Lâm, xã vùng xa của huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, những cây cà phê, những vườn dâu tằm đang xanh ngắt. Nhờ nông nghiệp, người Lộc Lâm bớt nghèo, hết đói. Và, ở nơi ấy có tấm lòng của người cán bộ Hội dành cho mảnh đất cao nguyên.
Bình luận 0

Điểu Hòa vốn là chàng trai người dân tộc Chơ Ro, quê tại Đồng Nai. Năm 1995, Điểu Hòa tìm đường làm kinh tế và cây cà phê đã dẫn anh tới mảnh đất Lộc Lâm, xã nằm sâu giữa những cánh rừng bạt ngàn của huyện Bảo Lâm. 

Điểu Hoà - Người bạn trẻ Chơ Ro vốn quen với những vùng đất thấp, với cây lúa, cây bầu, cây bí giờ bắt tay vào làm cà phê, thứ cây trồng công nghiệp vùng cao nguyên. Anh cặm cụi làm ăn, tích góp mua từng mảnh đất, đào hố thả xuống cây cà phê. Nhờ chăm chỉ, cần cù, chịu khó học hỏi, từ hai bàn tay trắng, chàng trai Điểu Hòa đã có được mảnh vườn và mái nhà ấm cúng tại thôn Đa Hàng Lang, xã Lộc Lâm.

"Thủ lĩnh" nông dân người Chơ Ro trồng cà phê kiểu thả đọt khác người, trái mọc chi chít nhìn mê tít - Ảnh 1.

Là người hay tìm tòi, học hỏi, anh Điểu Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Lâm đang canh tác 10 ha cà phê của gia đình theo quan điểm cà phê thả đọt. Đó là để cây lên đọt tự nhiên, ăn xong trái sẽ bỏ đọt cũ, ăn đọt trên ngọn.

Kinh tế tạm ổn, được xã vận động, bà con tin tưởng, Điểu Hòa bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Làm ở thôn, ở xóm và rồi được chính quyền xã tin tưởng, Hội Nông dân tín nhiệm, anh hiện đang là Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Lâm, xã thuần nông với hầu hết bà con là người Mạ. Là một trong những nông dân làm ăn giỏi của đất Lộc Lâm, Điểu Hòa có nhiều ý tưởng và đồng hành cùng bà con tạo nên những thay đổi.

Đầu tiên là việc xã Lộc Lâm động viên, hướng dẫn bà con thay đổi cơ cấu cây trồng, không độc canh cà phê mà chuyển một phần diện tích sang trồng dâu tằm. Một số hộ bà con người Kinh đã trồng dâu, nuôi tằm có hiệu quả kinh tế tốt. Nhưng bà con người Mạ vốn không quen với con tằm, vẫn còn sự ngại ngùng. Vậy là anh tìm kiếm các hộ người Mạ tại các địa phương lân cận như Lộc An, Lộc Tân đã trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả cao. 

Sau đó, anh báo cáo UBND xã, tổ chức đoàn tham quan học hỏi, đưa bà con Mạ ở Lộc Lâm đến tận các gia đình người Mạ nhìn con tằm, hỏi kỹ thuật, hỏi thu nhập từ tằm, bán cho ai, mua tằm con ở đâu... Những chuyến học hỏi tận nơi, với các mô hình của người Mạ đã giúp bà con Lộc Lâm tự tin, dám làm quen với những con tằm, vật nuôi rất xa lạ với người Mạ. Vậy là từ từ, người Mạ xã Lộc Lâm trồng dâu, nuôi tằm, có thu nhập hàng ngày bởi với giá kén ổn định từ nhiều năm nay, 1 sào dâu có thể giúp một gia đình đủ chi phí sinh hoạt. 

Không chỉ nuôi tằm, Hội Nông dân còn là tổ chức tập hợp người nuôi tằm Lộc Lâm, động viên bà con hình thành các tổ nghề nghiệp, cùng hỗ trợ nhau trong trồng dâu, nuôi tằm, cùng hỗ trợ vượt qua khó khăn. Điểu Hòa vẫn hơi tiếc bởi do dịch COVID-19, việc hình thành các tổ hợp tác còn khó khăn nhưng anh tin, việc hợp tác của bà con Lộc Lâm sẽ ngày càng tốt hơn.

Điểu Hòa còn là người tha thiết với rừng, với việc cùng cộng đồng bảo vệ rừng. Thôn Đa Hàng Lang của anh nằm ngay Tiểu khu 409, nơi có cánh rừng thông xanh ngắt. Điểu Hòa luôn nhắc nhở, tích cực vận động bà con không ken cây chặt cành, giữ rừng để giữ đất, giữ nước. 

Là người hay tìm tòi, học hỏi, Điểu Hòa đang canh tác 10 ha cà phê của gia đình theo quan điểm cà phê thả đọt. Đó là để cây lên đọt tự nhiên, ăn xong trái sẽ bỏ đọt cũ, ăn đọt trên ngọn. Trồng cà phê ăn thả đọt giúp cây khỏe, trái nhiều nhưng cũng tốn công lao động hơn bình thường. Anh cũng là người tích cực tái canh cà phê, chọn lựa những giống tái canh tốt nhất để thử nghiệm và sau đó, khuyến khích bà con chọn lựa giống phù hợp. 

Năm 2021, Điểu Hòa còn mạnh dạn xây một lò sấy cà phê theo công nghệ đảo chiều, đốt bằng chính vỏ cà phê để phục vụ cho bà con trong thôn. 

Anh cho biết: "Nhà tôi có 10 ha cà phê nên thực sự nhu cầu của gia đình cũng rất lớn. Bên cạnh đó, thôn Đa Hàng Lang khá xa trung tâm xã, bà con xung quanh thu xong, muốn đi sấy cũng mất nhiều thời gian. Mình mạnh dạn xây lò sấy, vừa phục vụ gia đình, vừa phục vụ cho bà con xung quanh. Làm cán bộ đầu tiên là phải mạnh dạn làm ăn, làm giỏi bà con mới tin tưởng và làm theo".

Ông K'Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm đánh giá rất cao về người cán bộ Hội Điểu Hòa. Ông K'Giáp cho biết, anh là một nông dân giỏi, chăm chỉ lao động, xây dựng kinh tế gia đình rất tốt và anh là một cán bộ Hội năng động, nhiệt tình, đi sâu đi sát vào tình hình hội viên, đồng hành cùng xã, cùng bà con tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch của tổ chức Hội cũng như của xã. Người con Chơ Ro đã thực sự yêu và gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên.


Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem