Thủ lĩnh nông dân tìm nghề giải cứu thôn nghèo

Phan Phương Thứ bảy, ngày 07/03/2015 07:58 AM (GMT+7)
Nghe người ta gọi 2 chữ “thủ lĩnh” đối với một chi hội trưởng, ông còn chưa dám nhận. Nhưng việc ông đã làm để góp phần “giải cứu” thôn nghèo, đã đem lại nhiều kết quả tốt. Rất nhiều hội viên tri ân, tự hào về ông.
Bình luận 0

Người đàn ông ấy là Ma Xuân Thành - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân (ND) tổ dân phố Nam (phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình).

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, lớn lên ông Thành đi bộ đội, đến năm 1982 thì xuất ngũ trở về địa phương sinh sống. Từ năm 2000, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội ND thôn Nam, xã Quảng Thuận (nay là phường Quảng Thuận). Cả tổ dân phố Nam bấy giờ có gần 25ha đất nông nghiệp chủ yếu trồng lúa, nhưng mỗi năm chỉ làm được 1 vụ do thiếu nước tưới. Bởi vậy cuộc sống của người ND gặp rất nhiều khó khăn, nghèo khó.

15 năm “vác tù và”

Khi nhận vai trò “thủ lĩnh” ND, ông Thành lúc nào cũng trăn trở: Làm thế nào để người ND, hội viên trong làng thoát được cảnh nghèo khó. Muốn vậy, chi hội trưởng phải tiên phong, làm trước, làm có hiệu quả bà con mới theo. Nghĩ là làm, những lúc rảnh rang việc hội, ông Thành lại cơm đùm gạo gói đi các địa phương bạn để học hỏi các mô hình làm ăn mới. Hễ nghe có dự án gì của cấp trên tập huấn về các mô hình trồng trọt, chăn nuôi là ông Thành tìm đến. Nhiều lúc ông không được mời, nhưng vẫn tự bỏ tiền túi mà đi.

img

Ông Ma Xuân Thành- Chi hội trưởng ND tổ dân phố Nam, phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn. 
Sau quá trình “tầm sư học đạo”, ông Thành nhận thấy, các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung mang lại năng suất, thu nhập cao hơn hẳn so với trồng lúa. Đầu tiên, ông áp dụng cho gia đình mình, đạt kết quả tốt, ông mới vận động bà con ND, hội viên cùng làm. ND thôn Nam từ chỗ chỉ độc canh cây lúa, nay nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vay vốn, mở rộng sản xuất các ngành nghề, mô hình mới. Nhờ vậy, trong chi hội ngày càng xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, hàng năm xuất chuồng hàng trăm con lợn thịt, hàng ngàn con gà vịt, ngan ngỗng… Giờ đây, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của hội viên hàng năm đạt 30- 40 tấn. Trong chi hội hiện có 25 xe vận tải, 6 nhà hàng, 5 xí nghiệp cơ khí sửa chữa, 3 xưởng mộc dân dụng… Hiện nay trong tổng số 132 hội viên của chi hội chỉ còn duy nhất 1 hội viên thuộc diện hộ nghèo, do bệnh tật.

Gia đình anh Trần Văn Ái trước đây rất khó khăn, nhà lại đông con nên cuộc sống khi nào cũng chật vật mà không biết làm thế nào để thoát ra được. Để giúp đỡ hội viên này thoát nghèo, ông Thành thường xuyên đến động viên, tư vấn, truyền đạt kinh nghiệm của chính mình và trích quỹ hội cho gia đình anh Ái vay vốn không lấy lãi để phát triển sản xuất. Hiện tại, nhờ vào mô hình chăn nuôi heo và gà, gia đình anh Ái đã thoát nghèo, có của ăn của để.

“Bát cơm ăn dở, đã đứng dậy đi”

Quan điểm

Ông Ma Xuân Thành
  Mình làm việc ở cơ sở phải gần hội viên. Những việc gì mang lại lợi ích cho hội viên thì mình cứ làm. Làm cán bộ hội chủ yếu dựa vào cái tâm của mình, còn mưu cầu tư lợi thì nói chẳng ai nghe, làm chẳng ai theo”.
 
Không những tích cực giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, trong tất cả mọi việc lớn nhỏ trong tổ dân phố, từ ma chay, cưới hỏi đến tuyên truyền chính sách, pháp luật ông Thành luôn là người tiên phong. Bà Nguyễn Thị Ánh (vợ ông Thành) chia sẻ: “15 năm làm chi hội trưởng nông dân, ông ấy vẫn luôn tận tụy như vậy. Chỉ nghe điện thoại ai cần giúp đỡ là ông ấy khoác áo đi ngay, nhiều lúc, bát cơm còn ăn dở đã đứng dậy đi”.

 

Gia đình ông Thành có một mất mát lớn mà ít khi vợ chồng ông chia sẻ với ai. Vợ chồng ông có 2 người con, một trai một gái. Người con trai của ông chẳng may vì tai nạn mà qua đời. Nén nỗi đau của riêng mình, ông Thành vẫn luôn xốc vác, tận tụy với việc làng, việc hội. Việc gì của làng, của hội viên ông cũng ưu tiên làm trước. Như trận bão lịch sử cuối năm 2013, nhà ông Thành cũng như hầu hết các gia đình khác ở tổ dân phố Nam đều bị hư hại. Sau bão, chưa vội lo sửa lại nhà cửa, ông đã tất bật đến từng nhà hội viên động viên, thăm hỏi, thống kê thiệt hại, trích quỹ hội hỗ trợ những nhà bị thiệt hại nặng. Khi mọi việc “làng nước” xong xuôi ông mới về sửa nhà mình.

Từ những việc làm gần gũi, đem lại lợi ích thiết thực cho bà con ND nên chi hội ND nơi ông Thành làm “thủ lĩnh” ngày càng thu hút được nhiều hội viên. Để chi hội ngày càng phát triển và giúp nhau khi gặp khó khăn, ông Thành đã vận động đóng góp được gần 80 triệu đồng cho quỹ hội, bình quân 600.000 đồng/người/năm. Từ số tiền này, chi hội cho các hội viên vay không lấy lãi để hỗ trợ sản xuất hay giải quyết việc gia đình khi có người thân đau ốm, bệnh tật. Những việc làm tưởng chừng rất nhỏ đó nhưng rất thiết thực với hội viên, đã làm cho uy tín của ông ngày càng tăng cao trong lòng hội viên.

Nói về ông Thành, cán bộ phường Quảng Thuận và thị xã Ba Đồn đánh giá, việc gì khó khăn ở khu phố Nam mà vào tay của ông Thành đều tốt đẹp. Còn ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch Hội ND phường Quảng Thuận thì nhận xét: “Anh Thành là một trong những cán bộ Hội ND có uy tín, tạo được sự tin cậy của hội viên nhờ tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết trong công việc, xứng đáng để các hội viên, chi hội khác học tập và noi theo”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem