Thu phí đọc báo: Độc giả trả tiền để được đọc những thông tin “có giá”

Phương Dung (tổng hợp) Thứ hai, ngày 21/06/2021 09:38 AM (GMT+7)
Việc trả phí để đọc tin tức trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến hơn đối với độc giả thế giới. Thu phí đọc báo trở thành mô hình kinh doanh được rất nhiều cơ quan báo chí nổi tiếng trên thế giới áp dụng.
Bình luận 0

"Mô hình trả tiền để đọc tin tức trực tuyến buộc các tòa soạn phải đảm bảo khả năng săn tin nhanh hơn, đầu tư phân tích sâu rộng hơn và cung cấp được những chi tiết đắt giá mà đối thủ cạnh tranh không hề có" - ông Khaw Boon Wan - Chủ tịch SPH Media Trust - tổ chức truyền thông phi lợi nhuận của Singapore, nhấn mạnh.

Các báo điện tử thu phí nổi tiếng nhất

Việc trả phí để đọc tin tức trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến hơn đối với độc giả thế giới. Theo một khảo sát gần đây của Digital News Report, Na Uy là đất nước mà người dân trả tiền để đọc tin tức cực kỳ phổ biến. Theo kết quả khảo sát, có khoảng 45% độc giả ở Na Uy chịu "móc hầu bao" để đăng ký đọc tin tức trực tuyến.

Một cuộc khảo sát khác của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters cho kết quả, 20% số người Mỹ đồng ý trả tiền để đọc tin tức trực tuyến. Phần lớn những độc giả Mỹ chịu trả phí để đọc tin tức thường đăng ký theo dõi một tờ báo hoặc hãng tin nhất định.

gop/Trả tiền để được đọc những thông tin “có giá” - Ảnh 1.

The New York Times dẫn đầu danh sách 10 tờ báo "thành công" nhất trong việc thu phí đọc tin tức trực tuyến với 6,1 triệu người đăng ký đọc tin trả tiền, năm 2020. Ảnh: I.T

Theo dữ liệu từ FIPP và CeleraOne, trong số những tờ báo/hãng tin có nhiều độc giả sẵn sàng trả tiền để đọc tin tức nhất trên toàn cầu, tờ The New York Times (NYT) của Mỹ đứng đầu bảng. 2020 được xem là năm NYT tính phí đọc tin "thành công" nhất. Chỉ tính đến quý III/2020, doanh thu từ các gói đăng ký trả phí để đọc tin trực truyến của NYT đã bằng cả năm 2019.

Theo sau NYT là The Washington Post, với khoảng 3 triệu người đăng ký đọc tin trả phí tính đến quý IV/2020.

Tại Nhật Bản, tạp chí Nikkei đứng đầu trong số các báo điện tử có lượt đăng ký đọc tin trả phí lớn nhất. Đây là tờ báo kinh tế lớn nhất ở Nhật Bản, nội dung chủ yếu tập trung vào thị trường và tài chính, ngoài ra gồm cả nội dung về chính trị, thể thao và sức khỏe. Hầu hết các tờ báo điện tử yêu cầu độc giả trả phí để đọc tin đều bắt nguồn là báo giấy, có bề dày lịch sử phát triển hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm và đã khẳng định được rằng họ là nguồn tin đáng tin cậy, thu hút và giữ chân được nhiều độc giả trung thành.

Chẳng hạn NYT ra đời năm 1852, có lịch sử phát triển 169 năm; Nikkei ra đời năm 1876, có lịch sử 145 năm; Le Figaro - một tờ báo Pháp được sáng lập năm 1826, có lịch sử 195 năm, hay Sunday Times - tờ báo của Anh ra đời năm 1821, có lịch sử 200 năm.

Một số tờ báo có lịch sử "non trẻ" hơn vẫn đủ thu hút khiến độc giả sẵn sàng trả phí để đọc chẳng hạn như The Athletic. Tờ báo này mới chỉ được thành lập vào năm 2016, nhắm mục tiêu chinh phục những người hâm mộ thể thao khó tính, yêu thích và sẵn sàng trả tiền để đọc các bài viết về thể thao chuyên sâu và chất lượng hơn.

Như vậy nhìn chung, yếu tố quan trọng nhất để một tờ báo/hãng tin thu phí đọc tin "thành công" là tính khác biệt và chất lượng nội dung.

Thu phí đọc báo: Mô hình đúng đắn, văn minh
gop/Trả tiền để được đọc những thông tin “có giá” - Ảnh 2.

Doanh thu từ thu phí đọc báo của 10 cơ quan báo chí truyền thông ở Top đầu. Ảnh chụp màn hình.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, những hệ lụy liên quan đến thông tin sai lệch hoặc tin giả đã cho thấy vai trò quan trọng của các nguồn tin đáng tin cậy trong việc phổ biến thông tin đại chúng.

Theo Khaw Boon Wan - Chủ tịch của SPH Media Trust - tổ chức truyền thông phi lợi nhuận của Singapore, mô hình "đọc tin trả tiền" sẽ gây áp lực cao hơn cho các tòa soạn để cung cấp những nội dụng báo chí chất lượng hơn và biết rằng độc giả cảm thấy các sản phẩm tin tức của họ giá trị, đáng tiền. 

"Mô hình trả tiền để đọc tin tức trực tuyến buộc các tòa soạn phải đảm bảo khả năng săn tin nhanh hơn, đầu tư phân tích sâu rộng hơn và cung cấp được những chi tiết đắt giá mà đối thủ cạnh tranh không hề có" - ông Khaw Boon Wan nói.

Ở Mỹ, có nhiều độc giả sẵn sàng trả tiền để đọc thông tin có ích cho công việc của họ (13% ở Mỹ so với chỉ 3% ở Anh). Điều này rõ ràng phù hợp với tỷ lệ lớn độc giả đăng ký trả phí để đọc các ấn phẩm tài chính như Wall Street Journal. Nhiều độc giả đăng ký đọc tin trả phí cũng cho biết, họ muốn tài trợ cho các ấn phẩm báo chí chất lượng (52% ở Mỹ, 39% ở Anh).

Đối với người Na Uy, tính khác biệt, độc đáo của nội dung được đặt lên hàng đầu. Độc giả ở đây cho biết, họ sẵn sàng trả tiền để đọc những tờ báo nghiêm túc, chất lượng tuyệt vời.

Theo Digital News Report, hiện có 3 hình thức "đọc báo trả tiền" phổ biến nhất trên thế giới bao gồm, đăng ký gói đọc tin tức trực tuyến mất phí từ một tờ báo/hãng tin duy nhất; đăng ký gói báo giấy lẫn báo điện tử từ một tờ báo/hãng tin duy nhất; đăng ký gói đọc tin trực tuyến của nhiều tờ báo/hãng tin khác nhau thông qua một công cụ tổng hợp tin tức có trả phí, chẳng hạn, app Apple News+ khá phổ biến ở Mỹ. 

Tuy nhiên, hình thức "đọc báo trả tiền" được ưa chuộng nhất vẫn là đăng ký gói đọc tin tức trực tuyến từ một tờ báo/hãng tin duy nhất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem