"Thủ phủ" vải thiều, gà đồi Bắc Giang quyết tâm tạo đột phá lĩnh vực tam nông

Thanh Thảo Thứ năm, ngày 27/08/2020 12:21 PM (GMT+7)
Với phương châm “Doanh nghiệp, HTX là trung tâm, hộ gia đình là hạt nhân” để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thời gian qua Bắc Giang đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn).
Bình luận 0

Để hiểu rõ hơn những chính sách và kết quả mà Bắc Giang đã đạt được, phóng viên Báo NTNN/Danviet.vn đã có cuộc phỏng vấn ông Lại Thanh Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang.

Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật tạo nên những dấu mốc mới về phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn của tỉnh Bắc Giang trong năm vừa qua?

Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và bùng phát ở 10/10 huyện, thành phố nên đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi của Bắc Giang. Đặc biệt, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn với những quy định và yêu cầu rất khắt khe, nhất là thị trường Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu của tỉnh.

Bắc Giang: Quyết tâm thực hiện thắng lợi tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chiến lược phát triển nông nghiệp - Ảnh 1.

Ông Lại Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Song do tập trung chỉ đạo và có các cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp thúc đẩy sản xuất nên sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp Bắc Giang đứng đầu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. 

Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 105 triệu đồng/ha. Các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh có lợi thế của tỉnh có xu hướng tăng đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm nông sản của tỉnh cũng được nâng lên, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã có 163 mô hình cánh đồng mẫu (với diện tích 5.159ha), 766 mô hình ứng dụng công nghệ cao nhà màng, nhà lưới sản xuất rau và hoa cho hiệu quả kinh tế cao.

Phong trào xây dựng nông thôn mới cũng đạt kết quả nổi bật, đến hết năm 2019 toàn tỉnh có 114 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 56,2%), ngoài ra đã có 03 huyện, 130 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống nông dân, nông thôn được cải thiện. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được đảm bảo, ổn định.

Có được những kết quả trên, một trong những nguyên nhân quan trọng là công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và những chính sách, cơ chế thu hút doanh nghiệp có nhiều đổi mới, xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?

Để có được kết quả trên, thời gian qua tỉnh đã làm tốt công tác quản lý quy hoạch và hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất chăn nuôi; sản xuất rau nguyên liệu chế biến, rau an toàn; cây ăn quả; hay quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... 

Đồng thời, tỉnh cũng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu; phát triển hợp tác xã; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn...; tập trung rà soát, đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp có tính đột phá để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh phục vụ sản xuất.

Bắc Giang: Quyết tâm thực hiện thắng lợi tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chiến lược phát triển nông nghiệp - Ảnh 2.

Quy hoạch vùng sản xuất vải thiều luôn được Bắc Giang quan tâm và trú trọng.

Đặc biệt trong năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổng kết thực tiễn 20 năm phát triển nông nghiệp, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết về chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. 

Tỉnh đề ra các mục tiêu, giải pháp phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới, trọng tâm là phát triển hai trục sản phẩm: (1) Nhóm các sản phẩm chủ lực của tỉnh, quy hoạch và xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến. (2) Nhóm các sản phẩm là đặc sản địa phương, theo mô hình OCOP nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống của nông thôn.

Những kết quả đã đạt được là rất cao và đáng phấn khởi. Tuy vậy, phát triển nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Vậy tỉnh Bắc Giang sẽ có những giải pháp gì để phát huy được các dư địa trong sản xuất nông nghiệp?

Trong nhiều năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi rõ rệt, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, trên thực tế phát triển ngành nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế như tình trạng ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, diện tích đất bình quân trên hộ thấp, khó tạo vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa lớn. 

Trong khi đó, nông nghiệp là ngành sản xuất đặc thù, chịu tác động trực tiếp của thời tiết, khí hậu nên tính rủi ro cao, hiệu quả sản xuất và lợi nhuận còn thấp.

Quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp đã thu hút một lượng lớn lao động trẻ từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, gây ảnh hưởng đến lao động có chất lượng trong nông nghiệp, nông thôn, nhất là vào thời vụ sản xuất.

"Thủ phủ" vải thiều, gà đồi Bắc Giang quyết tâm tạo đột phá lĩnh vực tam nông - Ảnh 3.

Bắc Giang đã xây dựng thành công thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” giúp uy tín của sản phẩm được nâng lên, được nhiều người tiêu dùng ưu chuộng.

Nguồn lực đầu tư cho sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chiếm tỷ trọng còn thấp trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước...

Để phát huy dư địa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu, giải pháp mà Nghị quyết số 401-NQ/TU đã đề ra, trong đó tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất như các công trình giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp khoa học, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường cao cấp... như vậy, sẽ đem lại giá trị cao hơn cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Xin ông cho biết phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và một số giải pháp để phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn năm 2020 và những năm tiếp theo?

Xác định nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 3/4/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 401-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn 2035.

Theo đó Nghị quyết xác định, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các nông sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang là trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc. 

Để thực hiện thắng lợi Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, Bắc Giang tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm, đó là rà soát, điều chỉnh quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu của thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Tập trung xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh sản phẩm chủ lực, làm cơ sở để phát triển và thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. 

Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, đặc biệt là người dân, HTX, doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để đầu tư sản xuất;  nâng cao chất lượng đào tạo nông dân, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Xây dựng phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu thông qua các Hội chợ thương mại Quốc tế, Hội chợ sản phẩm vùng, miền; Hội nghị xúc tiến thương mại, Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản trong và ngoài nước,... để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới" để huy động mọi nguồn lực; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nhất là các hạ tầng thiết yếu như công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng...; tạo môi trường thuận lợi khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

 Xin cảm ơn ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem