Thử thách quan hệ song phương Mỹ-Trung Quốc

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ tư, ngày 03/08/2022 14:56 PM (GMT+7)
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức cho tới nay, chưa có hoạt động đối ngoại nào của Mỹ bị phía Trung Quốc lên án kịch liệt, phản đối quyết liệt, phê phán gay gắt và phản ứng mạnh mẽ cả về chính trị lẫn quân sự như đối với chuyến đi Đài Loan của chủ tịch hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Bình luận 0
Thử thách quan hệ song phương - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh CNN

Trong thời gian một phần tư thế kỷ trở lại đây, cũng chưa khi nào mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc bị thử thách thật sự như hiện tại. Bà Pelosi trên cương vị chủ tịch hạ viện Mỹ đứng ở vị trí thứ 3 trong hệ thống trật tự quyền lực nhà nước ở Mỹ, sau tổng thống và phó tổng thống. Người phụ nữ 82 tuổi thuộc Đảng Dân chủ Mỹ này không phải là chức sắc cao cấp nhất đầu tiên của Mỹ tới Đài Loan. Tháng 2.1997 - trước khi Anh giao trả Hồng Công lại cho Trung Quốc - ông Newt Gingrich thuộc Đảng Cộng hoà trên cương vị chủ tịch hạ viện là chức sắc cao cấp nhất đầu tiên của Mỹ tới Đài Loan.

Phía Mỹ đã tạo tiền lệ. Hai chuyến đi Đài Loan ở cùng cấp chức sắc nhưng lại rất khác nhau về bối cảnh ở nước Mỹ, ở Trung Quốc và trên thế giới. Điểm giống nhau duy nhất là cả hai người đều dùng chuyến đi Đài Loan để phát đi thông điệp về phía Đài Loan là Mỹ hậu thuẫn Đài Loan đảm bảo an ninh và về phía Trung Quốc là Mỹ thực thi quan điểm chính sách "Một Trung Quốc" nhưng đồng thời đứng về phía Đài Loan trong trường hợp đảo này bị bên ngoài đe doạ hay xâm hại an ninh. 

Quốc hội Mỹ ngay từ năm 1949 đã ban hành bộ luật về xử lý quan hệ của Mỹ với Đài Loan, trong đó xác định rõ Mỹ hậu thuẫn Đài Loan đảm bảo an ninh. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là bộ phận không thể tách rời và chủ trương thống nhất đảo với lục địa. Cho nên không có gì là khó hiểu khi Trung Quốc phản đối quyết liệt mọi hoạt động đối ngoại của Mỹ mang tính chất quan hệ chính thức với Đài Loan.

 Khi xưa, ông Gingrich thăm Trung Quốc trước rồi bay thẳng từ Bắc Kinh đến Đài Loan và lưu lại trên đảo chỉ có 3 giờ. Bây giờ, bà Pelosi không thăm Trung Quốc trong chuyến công du châu Á này và đến Đài Loan, ở lại hẳn cả một ngày ở Đài Loan.

 Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện bị nhìn nhận là trắc trở nhất kể từ trước đến nay, tức là không được yên bình như vào thời điểm năm 1997. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc về mọi phương diện và hệ luỵ của cuộc chiến ở Ucraine khiến Mỹ và đồng minh quan ngại sâu sắc về khả năng Trung Quốc thực thi mưu tính mới nào đấy có liên quan đến Đài Loan. 

 Chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi có lợi cho Đài Loan bao nhiêu thì bất lợi bấy nhiêu cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trên cương vị chủ tịch hạ viện Mỹ, bà Pelosi đại diện cho quốc hội và cử tri Mỹ chứ không đại diện cho chính phủ Mỹ và cho tổng thống Mỹ Joe Biden. 

Phía Mỹ ý thức được rất rõ cách thức phản ứng của Trung Quốc. Bởi vậy, thể hiện quan điểm không mặn mà với chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi là cách thức của ông Biden cân bằng tác động và phản tác dụng của sự việc, để vừa có được tác động của sự việc vừa trang trải với phía Trung Quốc.

 Dùng biện luận rằng phía lập pháp có quyền tự quyết định các hoạt động đối ngoại, phía hành pháp ở Mỹ để cho phía lập pháp làm những gì mà phía hành pháp không nên làm hoặc chưa thể làm được. Không loại trừ khả năng ở đây có sự phân vai giữa hành pháp và lập pháp ở Mỹ phục vụ cho mục đích của Mỹ là răn đe, cảnh báo Trung Quốc và cho lợi ích của Mỹ là trấn an đồng minh và hậu thuẫn đồng minh bảo vệ an ninh trong bối cảnh tình hình đã thay đổi rất cơ bản. 

 Bất chấp sự phản đối quyết liệt và cảnh báo mạnh mẽ của Trung Quốc cũng như hệ luỵ tiêu cực tới mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, bà Pelosi vẫn thực hiện chuyến đi Đài Loan bởi những lý do sau. Thứ nhất, cả phía Mỹ lẫn phía Trung Quốc đã tự sa vào tình thế không thể không hành động. Bà Pelosi đã nhiều lần tuyên cáo là sẽ đi Đài Loan nên không thể không thực hiện chuyến đi khi đã tới khu vực châu Á. Trung Quốc phản ứng càng dữ dội thì phía Mỹ càng phải quyết tâm thực hiện chuyến công du này. Phía Mỹ chắc đã trù liệu trước Trung Quốc sẽ phản ứng gay gắt như chưa từng thấy nhưng sẽ không có hành động quân sự nào trực tiếp nhằm vào Đài Loan trước, trong và cả sau khi bà Pelosi đến Đài Loan. Bị phía Mỹ bất chấp như thế, Trung Quốc đương nhiên phải thể hiện phản ứng quyết liệt như có thể được. 

 Thứ hai, phía Mỹ có nhu cầu vào thời điểm hiện tại thể hiện một cách rõ ràng nhất và thuyết phục nhất sự hậu thuẫn chính trị dành cho Đài Loan nhưng vẫn giữ được cầu quan hệ với Đài Loan. Phát biểu của ông Biden ở Mỹ và của bà Pelosi ở Đài Loan quả quyết chuyến đi này của bà Pelosi không làm thay đổi chính sách lâu nay của Mỹ đối với Trung Quốc có ba ẩn ý. Thứ nhất là thông điệp gửi Trung Quốc rằng phía Mỹ không thay đổi chính sách "Một Trung Quốc", như vậy không làm tổn hại thể diện của Trung Quốc. Thứ hai là thông điệp cho Đài Loan rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan cũng không thay đổi. Thứ ba là hàm ý vì có tới thăm Đài Loan cũng không có nghĩa thay đổi chính sách đối với Trung Quốc nên từ nay sẽ có chức sắc cao cấp khác nữa của Mỹ tới thăm Đài Loan. Tiền lệ đã trở thành thông lệ.

 Thứ ba là phe Đảng Dân chủ không để cho phía Đảng Cộng hoà khai thác chủ đề nội dung Trung Quốc trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang bị thử thách thật sự nhưng đấy chỉ là đột biến về vụ việc chứ không phải về định hướng và vẫn ở trong tầm kiểm soát và quản trị của cả hai bên. Nhưng chắc phải rất lâu nữa mới có thể lại có chuyện chủ tịch hạ viện Mỹ tới Đài Loan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem