Thủ tục pháp lý đang là rào cản nhà đầu tư ngoại mua bất động sản Việt Nam
Nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua BĐS Việt Nam cao
Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) trong tháng 9/2023 với 500 nhà đầu tư nước ngoài lớn cho thấy, 10,5% nhà đầu đánh giá thị trường BĐS và giá BĐS ở Việt Nam ở mức rất hấp dẫn; 47,4% đánh giá ở mức rất hấp dẫn nhưng cần cải thiện thêm các điều kiện về pháp lý, thông tin, dữ liệu…
Có 21,1% nhà đầu tư đánh giá ở mức khá hấp dẫn; 15,8% đánh giá ở mức tương đối hấp dẫn. Chỉ 5,3% nhà đầu tư đánh giá ở mức chưa thực sự hấp dẫn.
Khảo sát của VIRES cũng đưa ra dữ liệu mới đó là trong các phân khúc của thị trường BĐS, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất đến mua chung cư trung cấp và cao cấp và BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.
Có 57,9% nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến mua chung cư trung và cao cấp; nhu cầu thuê sản phẩm của phân khúc này chiếm 36,8%. Nhu cầu mua BĐS du lịch, nghỉ dưỡng và thuê BĐS du lịch, nghỉ dưỡng cũng ở mức tương đối cao, lần lượt là 26,3% và 31,6%. Nhu cầu thuê BĐS khu công nghiệp, mua BĐS khu công nghiệp và thuê văn phòng thương mại nhu cầu chỉ chiếm khoảng 5,3%.
Về thời điểm và phương thức đầu tư, có 63,2% nhà đầu tư khẳng định sẽ đầu tư nhiều nếu có thêm các điều kiện (pháp lý, tài chính, thông tin…); tiếp đó, ở phương thức đầu tư ở mức độ vừa phải, chiếm 15,8%; có 10,5% nhà đầu tư sẽ đầu tư nhiều trong dài hạn.
Lý giải về nguyên nhân nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua BĐS Việt Nam cao, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết: “Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP hàng đầu khu vực Đông Nam Á, tình hình thu hút dòng vốn FDI tích cực, môi trường chính trị ổn định thuận lợi cho đầu tư. Ngoài ra, dân số Việt Nam đạt mốc 100 triệu dân, hạ tầng và tính kết nối được cải thiện, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng”.
Bên cạnh yếu tố vĩ mô tích cực, BĐS Việt Nam hấp dẫn bởi mức giá rẻ trong khu vực. Đơn cử, theo Urban Land Institute, mức giá bán trung bình của căn hộ tại TP Hồ Chí Minh là khoảng 296.000 USD/căn; tại Hà Nội là 182,290 USD/căn. Trong khi đó, mức giá này tại các thị trường trong khu vực vẫn ở mức khá cao như Hong Kong (1.155.000 USD); Singapore (1,200,000 USD); Seoul (529.000 USD); Tokyo (626.000 USD)...
Gỡ vướng pháp lý để hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Tuy nhiên, theo bà Trang, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn với nhà đầu tư nước ngoài khi mua BĐS Việt Nam.
"Cụ thể, hành lang pháp lý vẫn còn nhiều vướng mắc và chồng chéo trong các Bộ luật liên quan đến đầu tư BĐS như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Đầu tư. Sắp tới, nếu những vướng mắc liên quan đến các Bộ luật này được tháo gỡ sẽ thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến BĐS Việt Nam", bà Trang nhận định.
Bà cho biết, thủ tục, trình tự đầu tư thực hiện dự án, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, dẫn đến quá trình đầu tư bị kéo dài, đội vốn. Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ đã có những động thái thúc đẩy tiến độ công tác giải phóng mặt bằng để đón các nhà đầu tư ngoại lớn trong lĩnh vực BĐS Công nghiệp (thường gọi là các nhà đầu tư “Đại bàng”).
Để giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận BĐS Việt Nam hơn, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đưa ra một số giải pháp.
Thứ nhất, tập trung rà soát, hoàn thiện và tháo gỡ những vướng mắc của các quy định pháp lý về thị trường BĐS, phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế, đặc biệt là các bộ luật như Luật Đất Đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Đầu tư. Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Thứ hai, điều hành linh hoạt và đồng bộ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường BĐS. Theo bà, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, giảm lãi suất cho vay ở mức phù hợp để hỗ trợ thị trường.
Phát triển và quản lý các kênh huy động vốn như thị trường trái phiếu, cổ phiếu là cần thiết, đồng thời khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam, qua đó góp phần khơi thông dòng vốn tín dụng vào BĐS.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường BĐS.
"Đồng thời, nâng cao chất lượng quy hoạch và minh bạch thông tin quy hoạch, định hướng đầu tư đến cho các bên tham gia đầu tư phát triển BĐS. Xây dựng nền tảng thông tin thị trường BĐS minh bạch, cụ thể là về các dự án, chủ đầu tư, tình hình thị trường, pháp lý dự án, hiệu quả đầu tư,.... khiến thị trường BĐS Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài", bà Trang kết luận.