Thủ tướng đồng ý hạ tiêu chí cho doanh nghiệp vay gói 16.000 tỷ trả lương

02/07/2020 15:45 GMT+7
Trước thực trạng chưa có doanh nghiệp nào vay được gói 16.000 tỷ đồng, lãi suất 0% đề trả lương ngừng việc cho người lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề xuất nới lỏng tiêu chí xét duyệt đối tượng được vay gói hỗ trợ này và nhận được sự đồng ý của Thủ tướng.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), Đào Ngọc Dung đánh giá, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nhưng vấn đề nổi bật là đời sống nhân dân, an sinh xã hội đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống nhân dân cải thiện, thu nhập bình quân lao động trên cả nước tăng lên 4,3 triệu đồng.

Thu nhập bình quân lao động tăng lên 4,3 triệu đồng

Theo Bộ trưởng, 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh Covid-19 bùng phát phức tạp, chúng ta đã đảm bảo phòng chống dịch, phục hồi kinh tế đạt được những kết quả rất đáng mừng. 

Nổi bật là đời sống nhân dân cải thiện, an sinh xã hội đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân lao động trên cả nước tăng lên 4,3 triệu đồng, thu nhập bình quân thành thị đạt 7,1 triệu, tăng 400.000 đồng so với cùng kỳ.

Về vấn đề việc làm, khi thế giới đang vất vả chống lại dịch bệnh Covid-19, kéo theo chuỗi cung ứng việc làm gián đoạn, khiến tỷ lệ thất nghiệp cao. Thị trường lao động Việt Nam quý II/2020 cũng có diễn biến phức tạp.

Số lao động có việc làm giảm đi, duy trì 52,1 triệu lao động, giảm 1,2 triệu lao động so với cùng kỳ, tỷ lệ thất nghiệp chung 2,26%, năm 2019 là 1,98%. Riêng tỷ lệ thất nghiệp quý II/2020 là 2,52%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 3,62%, thiếu việc làm chung đạt 2,58% trong 6 tháng đầu năm 2020.

Tuy nhiên, ông Dung cho biết, hiện nay tín hiệu khởi sắc là thị trường lao động Việt Nam phục hồi nhanh chóng. Riêng tháng 6 vừa rồi có 120.000 lao động được giải quyết việc làm do các ngành nghề trở lại hoạt động.

Dự báo thị trường lao động quý III sẽ tươi sáng hơn, đạt tỷ lệ 55,4%, tương đương đầu quý I/2020. Số người lao động mất việc quay lại làm ở mức trung bình 80.000 - 90.000 người.

Từ tháng 8, Việt Nam sẽ mở cửa cho lao động ở một số thị trường tiềm năng trở lại Việt Nam làm việc. Riêng một số ngành nghề như thương mại điện tử tăng đột biến với đơn hàng trực tuyến, hay ngành nghề lắp ráp linh kiện, may mặc có nhu cầu lao động lớn. Hiện, 3 công ty may mặc lớn đã đăng ký trên 6.000 người.

"Tuy nhiên, dự báo tỷ lệ thất nghiệp thực sự trong quý III sẽ phức tạp bởi nhiều doanh nghiệp sản xuất thiếu phụ liệu sản xuất, hay lưu kho hàng hoá không xuất được hàng, dẫn đến lao động mất việc như ngành giày da, may mặc….", ông Dung cho hay.

Về việc thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15 về hỗ trợ an sinh xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, các địa phương, các cấp, các ngành đều vào cuộc quyết liệt.

Đến cuối tháng 6, các địa phương đã hỗ trợ được 15,8 triệu người với 6 nhóm đối tượng, chi phí hỗ trợ 17,5 nghìn tỷ. Các địa phương đã giải ngân hơn 11.000 tỷ đồng, hỗ trợ 15 triệu người, gần 7.000 hộ kinh doanh, người lao động mất việc, người nghèo, người có công...

Bộ trưởng lý giải thêm về ý kiến cho rằng số lượng tiền hỗ trợ ít, nguyên nhân là do thời gian giãn cách xã hội theo tính toán là 3 tháng, nhưng thực tế chỉ có 1 tháng. Nên vấn đề không phải là bao nhiêu tiền hỗ trợ, mà phải là bao nhiêu đối tượng được hỗ trợ. Bởi hiện nay, việc hỗ trợ còn gặp khó khăn do đối tượng trùng lắp, một số địa phương sợ hỗ trợ sai nên chậm triển khai, hoặc khó khăn về kinh phí nên danh sách duyệt rồi nhưng chưa thể giải ngân.

Thủ tướng đồng ý hạ tiêu chí cho doanh nghiệp vay gói 16.000 tỷ trả lương - Ảnh 2.

Thủ tướng đồng ý hạ tiêu chí cho doanh nghiệp vay gói 16.000 tỷ trả lương

Hạ tiêu chí vay gói 16.000 tỷ trả lương, lãi suất 0%

Riêng đối với gói tín dụng hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, đang gặp khó khăn trong tiếp cận gói hỗ trợ 16.000 tỷ này đưa ra tiêu chí quá cao.

Khắc phục hạn chế này, để doanh nghiệp vay được gói tín dụng 16.000 tỷ, lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chính phủ bỏ tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay.

"Nếu không có nguồn thu thì doanh nghiệp gần như phá sản, giải thể. Do đó, doanh nghiệp không vay để trả lương cho người lao động" - ông Dung giải thích.

Chính vì vậy, Chính phủ nên chấp thuận đề nghị này và giao cho Ngân hàng nhà nước và Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, xây dựng điều chỉnh tiêu chí vay gói hỗ trợ 16.000 tỷ để sớm trình Thủ tướng.

Đồng thời, ông Dung cũng đề xuất Chính phủ cho doanh nghiệp vay gói này đến hết tháng 12 năm nay thay vì hạn cuối là ngày 31/7. Đây là giải pháp để kích cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. 

Ngoài ra, vị này cũng đề xuất Chính phủ điều chỉnh mở rộng thêm một đối tượng khó khăn đó chính là giáo viên trường tư thục bị mất việc nhưng chưa được hỗ trợ, kinh phí vẫn nằm trong gói đã được phê duyệt tại Nghị quyết 42.

"Đề nghị Chính phủ cho bổ sung hỗ trợ cho đối tượng giáo viên trường tư thục. Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ vẫn nằm trong gói 62.000 tỷ đồng như Chính phủ đã phê duyệt" - ông Dung nêu.

Về giảm tiêu chí tiếp cận gói 16.000 tỷ đồng, ngay sau phát biểu của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý hạ các tiêu chí để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để trả lương cho người lao động.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục