117 triệu hồ sơ khách hàng được đối chiếu sinh trắc học, đạt gần 100%

Linh Anh
08/07/2025 09:49 GMT +7
Phó Thống đốc thông tin, tính đến ngày 13/6/2025, ngành Ngân hàng đã có hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng (CIF) được đối chiếu sinh trắc học qua CCCD gắn chip hoặc VneID (đạt gần 100% tổng lượng tài khoản thanh toán cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số).

Sáng nay (8/7), Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025.

Thông tin với báo chí, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong lĩnh vực thanh toán, chuyển đổi số ngân hàng, NHNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, góp phần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới, tiện ích, hiện đại.

Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. TTKDTM và chuyển đổi số ngân hàng đạt những kết quả tích cực.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà.

Cụ thể, đến nay, hầu hết dịch vụ ngân hàng cơ bản đã được số hóa trên các kênh điện tử; nhiều ngân hàng ghi nhận trên 95% giao dịch thực hiện qua kênh số thay vì tại quầy truyền thống.

Hệ sinh thái ngân hàng số ngày càng đa dạng, thông minh đem lại tiện ích hấp dẫn cho khách hàng, từ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm đến vay online… ngay trên điện thoại.

Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...).

Đến nay, có gần 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; Giá trị TTKDTM gấp 25 lần GDP.

Việt Nam cũng tiên phong kết nối thanh toán bán lẻ xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và Lào, hướng tới mở rộng trong khu vực Châu Á.

Bên cạnh đó, NHNN là cơ quan với 07 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Phó Thống đốc thông tin thêm, tính đến ngày 13/6/2025, ngành Ngân hàng đã có hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng (CIF) được đối chiếu sinh trắc học qua CCCD gắn chip hoặc VneID (đạt gần 100% tổng lượng tài khoản thanh toán cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số); hơn 927 nghìn hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học (đạt hơn 70% tổng số lượng tài khoản thanh toán tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số).

Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) đã phối hợp với C06, Bộ Công an hoàn thành 06 đợt đối chiếu, làm sạch dữ liệu khách hàng với khoảng 57 triệu lượt hồ sơ khách hàng theo phương thức offline.

63 TCTD đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip qua thiết bị tại quầy; 57 TCTD và 39 tổ chức TGTT đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip qua ứng dụng Mobile app; 32 TCTD và 15 tổ chức TGTT đang triển khai ứng dụng VNeID.

Về điều hành lãi suất, trong 6 tháng đầu năm 2025, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.

Đồng thời, NHNN thường xuyên chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay.

Về điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị quốc tế diễn biến khó lường, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp các công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; tỷ giá VND diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường.

​Trong điều hành tín dụng, trên cơ sở các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2025 do Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế và NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, thông báo công khai, minh bạch nguyên tắc xác định để các ngân hàng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Đồng thời, NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đi đôi với đảm bảo an toàn tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Ngành Ngân hàng tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP (quy mô hiện là 145.000 tỷ đồng); Chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho vay đầu tư hạ tầng, công nghệ số nhằm thực hiện các dự án trọng điểm/quan trọng quốc gia thuộc các lĩnh vực giao thông, điện lực và công nghệ số theo danh mục do các Bộ, ngành công bố; cho vay đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (nâng quy mô lên 100.000 tỷ đồng)…

Với những giải pháp đồng bộ, tăng trưởng tín dụng tích cực ngay từ đầu năm, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2024. Đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh.