Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó"

Thành An Chủ nhật, ngày 18/12/2022 14:12 PM (GMT+7)
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiến hành phủ sóng toàn diện, bao trùm tới mọi miền đất nước; cùng đó giao ngành thông tin và truyền thông và ngành điện lực thực hiện nhiệm vụ "điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó".
Bình luận 0

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Bộ TTTT (ngày 18/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, truyền thông phải đi đầu chứ không phải đi theo, là một trong những động lực, truyền cảm hứng cho sự phát triển và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Cụ thể, tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, khẳng định truyền thông là một trong lĩnh vực có vị trí hết sức quan trọng và ngày càng cần thiết hơn trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Truyền thông phải đi đầu, không phải đi theo", Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu "Truyền thông cần là một trong những động lực truyền cảm hứng cho sự phát triển và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên số".

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó" - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.


Thủ tướng đánh giá cao kết quả đã đạt được của Bộ TTTT trong năm 2022, đồng thời khen ngợi việc thực hiện nghiêm các chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước, có sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định, Bộ TTTT còn nhiều hạn chế, cần phải cố gắng hơn nữa. Một trong số đó là nhận thức và tổ chức về công tác truyền thông chưa thực sự ngang tầm, chưa đáp ứng nhu cầu từ đòi hỏi thực tiễn.

Thủ tướng đánh giá, chuyển đổi số đã đạt được những tín hiệu tích cực, nhưng chưa thực sự đột phá về tư duy, xếp hạng, cũng như còn khá xa so với mục tiêu nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2026.

Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng, dù nền kinh tế số có tăng nhưng dịch vụ viễn thông, dịch vụ chuyển đổi số chưa nhiều, nền tảng số, kinh doanh trực tuyến còn hạn chế, số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính rời rạc, chưa có sự thống nhất, dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023, Việt Nam sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do những tác động từ bên ngoài và biến động kinh tế - xã hội từ bên trong.

"Cần xác định còn nhiều khó khăn thách thức hơn thuận lợi. Điều đó đòi hỏi chúng ta chủ động sáng tạo, chủ động tích cực để hoàn thành tốt được giao", Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó" - Ảnh 2.

Với những thành tích đạt được xuyên suốt trong thời gian qua và trong năm 2022, nhân dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cở truyền thống của Bộ Thông tin và Truyền thông.


Dẫn thực tế, vừa rồi, dự hội nghị quốc tế "không có ai không nói đến chuyển đổi số", Thủ tướng nói: "Chuyển đổi số đang len lỏi vào tất cả các góc cạnh của cuộc sống, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII: "Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa", Thủ tướng yêu cầu thể chế hóa quan điểm của Đảng về chuyển đổi số, trong đó có việc xây dựng chiến lược sản xuất chip.

Thủ tướng kêu gọi chung tay chuyển đổi số lành mạnh, an toàn, bình đẳng, người dân được tiếp cận chuyển đổi số bao trùm và toàn diện, được hưởng thụ thành quả chuyển đổi số. Đổi mới sáng tạo là do con người, đổi mới sáng tạo phải tập trung vào chuyển đổi số và phải có hạ tầng, con người và kết nối.

Phấn đấu ở đâu cũng có viễn thông

Cơ bản đồng tình, đánh giá cao các nhiệm vụ, giải pháp đúng và trúng được Bộ TTTT thông xác định cho năm 2023, Thủ tướng đề nghị phát huy thành quả của năm 2022, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát tình hình, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, phản ứng chính sách kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả, "kiểm đếm được, ra sản phẩm cụ thể".

Lưu ý thêm một số nội dung, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phải đặt trong bối cảnh một đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, do đó phải bám sát thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng yêu cầu tiến hành phủ sóng toàn diện, bao trùm tới mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tất cả mọi người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông. Thủ tướng giao ngành thông tin và truyền thông và ngành điện lực thực hiện nhiệm vụ này, "điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó", phấn đấu ở đâu cũng có điện và ở đâu cũng có viễn thông, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó" - Ảnh 3.

hay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng Bộ Thông tin và Truyền thông.


Cùng với đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chú trọng cập nhật, xử lý dữ liệu thường xuyên, liên tục, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống"; trong đó có dữ liệu đất đai, nhà ở... Dữ liệu là tài nguyên đặc biệt, cần phải lưu trữ, chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách an toàn, bảo mật, khoa học, hiệu quả, tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan, tạo nên các giá trị gia tăng, thông qua đó hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản trị quốc gia.

Ngoài ra, tập trung thúc đẩy kinh tế số, trọng tâm là phát triển kinh tế số nền tảng để phục vụ người dân và doanh nghiệp, kinh tế số ngành là chiến lược, lâu dài để phát triển toàn diện, bền vững. Tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của người dân làm từ nhà, tỷ lệ người dân cài đặt các nền tảng số Việt Nam. Thúc đẩy thương hiệu "Make in Việt Nam", phấn đấu tăng tỷ trọng kinh tế số trong GDP. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển trong nước và vươn ra thế giới, đặc biệt là phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành truyền thông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem