Thúc đẩy nông nghiệp 4.0: Gỡ các nút thắt

Nguyễn Hạnh Thứ bảy, ngày 16/03/2019 13:33 PM (GMT+7)
Việc tham gia ứng dụng công nghệ 4.0 chưa nhiều, tập trung vào một số khâu, công đoạn còn manh mún, tự phát… là những nút thắt trong phát triển nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam.
Bình luận 0

Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, công nghệ 4.0 đã được ứng dụng trong một số lĩnh vực như: Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng robot trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin địa lý trong việc lập cơ sở dữ liệu các chợ gia cầm sống, các trang trại chăn nuôi, cơ sở dữ liệu việc nhập khẩu nguyên liệu thuốc…

img

Mô hình trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội.  Ảnh: Anh Thơ

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được chứng minh là đem lại giá trị cao hơn hẳn. Tuy nhiên, để có bước chuyển từ nông nghiệp công nghệ cao sang nông nghiệp 4.0 lại là bài toán khó.

Cầu Đất Farm (Đà Lạt) được giới chuyên môn đánh giá là nông trại sản xuất rau sạch thông minh nhất Việt Nam, bởi nông trại này đã đi đầu trong ứng dụng giải pháp bảo vệ môi trường, trồng rau an toàn bằng công nghệ hiện đại. Cầu Đất Farm kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng hệ thống thông minh và hệ thống IoT của Intel. Hệ thống này tự động kiểm soát độ ẩm, nước, phân, kiểm soát chất lượng rau, cà chua, khoai lang, cà rốt, trà sạch.

Khách hàng có thể xem trực tuyến hình ảnh công nhân thu hoạch các loại nông sản ngay tại Đà Lạt, xem nhật ký trồng trọt để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhu cầu sử dụng nông sản sạch trên thị trường khá cao, hàng tháng ước tính trên 7ha Cầu Đất Farm cho ra thị trường khoảng gần 150 tấn rau sạch các loại. Sản phẩm của Cầu Đất Farm vẫn chưa đáp ứng đủ các đơn đặt hàng, nhu cầu của thị trường về sản phẩm sạch còn rất lớn.

Khác với nông nghiệp công nghệ cao, đó là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, nông nghiệp 4.0 chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp 4.0 sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - đánh giá, thiết bị phần cứng phục vụ nông nghiệp 4.0 của Việt Nam còn thua kém và rất hạn chế so với các quốc gia khác. Ngoài ra chi phí đầu tư thiết bị công nghệ cho nông nghiệp 4.0 không hề nhỏ. Điểm cốt lõi của nông nghiệp 4.0 là kết nối cảm biến internet vạn vật (IoT). Tuy nhiên, chi phí đầu tư camera cảm biến tự động là 500 triệu đồng/chiếc, bằng 100 tấn lúa và phải sản xuất trong 2 vụ. Tại Thái Lan hay Nhật Bản đã áp dụng thiết bị và robot thu hái cà phê và cây ăn quả, nhưng giá bán chừng 200.000 - 300.000USD (khoảng 6 tỷ đồng), mức giá này bằng cả 1.200 tấn lúa.

Ông Phạm S cho rằng, nếu Chính phủ không có đề án cụ thể để đổi mới sáng tạo, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thiết bị thông minh phần cứng thì trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các thiết bị thông minh, trong đó có thiết bị cho nông nghiệp.

Để đưa khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, PGS-TS Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho hay, nhà nước với vai trò bà đỡ, cần làm được hai việc: Thứ nhất, xây dựng chính sách ưu đãi, thay đổi cơ chế cho các doanh nghiệp, HTX… ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Thứ hai, cần tập trung thực hiện việc điều tra, thống kê, dự báo cho doanh nghiệp, người nông dân về sản phẩm, về thị trường…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem