Thực hư “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” của Asanzo?

Nguyên Phương - Thanh Phong Thứ hai, ngày 28/10/2019 15:00 PM (GMT+7)
Xung quanh việc Công ty CP Tập đoàn Asanzo dưới sự điều hành ông Phạm Văn Tam đã sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” trên một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo, Tổng cục Hải quan kết luận điều này không đúng thực tế.
Bình luận 0

img

Ông Phạm Văn Tam tại một nhà máy sản xuất TV mang nhãn hiêụ Asanzo. (Ảnh minh hoạ)

“Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” của Asanzo không đúng thực tế

Công ty CP Tập đoàn Asanzo đã ký hợp đồng dịch vụ số TA-24/2017 ngày 24/1/2017 với Công ty SHARP-ROXY (Hong Kong LTD) tại Việt Nam để được cung cấp phần mềm và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, nội dung hợp đồng cũng đề cập tới việc chuyển giao công nghệ lắp ráp chi tiết bằng video và thực hành trên mỗi phần của TV.

Song từ khi ký kết hợp đồng tới nay, công ty vẫn chưa thực hiện thanh toán hợp đồng như đã ký kết do chưa xin được xác nhận của Bộ KHCN về chuyển giao công nghệ.

img

Cụm từ "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" được Asanzo sử dụng để quảng cáo. (Ảnh minh hoạ)

Trong khi đó, Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam khẳng định: "Đối tác trên hợp đồng là SHARP-ROXY (Hong Kong) LTD không có thật và hợp đồng trên là giả mạo".

Từ ngày 25/9/2016, Tập đoàn Sharp Nhật Bản đã không còn liên doanh cùng Công ty Sharp-Roxy (Hong Kong) Ltd. Về chữ ký và con dấu trên hợp đồng: Khi thay đổi tên công ty từ Sharp-Roxy (Hong Kong Ltd) thành công ty TNHH Sharp Hong Kong (31/10/2016) thì từ thời điểm này, con dấu không còn hiệu lực; về chữ ký trên hợp đồng: không xác định được người ký.

Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam đã gửi đơn tố cáo hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" của công ty CP tập đoàn Asanzo đến Công an TP.HCM, Bộ Công an.

Qua xác minh của Cơ quan Hải quan với đối tác nước ngoài thấy kết quả đúng như xác nhận của đại diện Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam.

Lắp TV bằng tuốc nơ vít, xuất khẩu cho khách hàng tại Nhật Bản

Xung quanh vi phạm của Asanzo về xuất xứ hàng hoá, căn cứ kết quả điều tra, xác minh, cơ quan chức năng đã xác định các nhóm hành vi vi phạm cơ bản của Công ty Asanzo và các công ty có tên Asanzo.

Trong đó, đối với hàng hóa xuất khẩu, kiểm tra 5 tờ khai xuất khẩu, Asanzo xuất khẩu 661 chiếc tivi nhãn hiệu Asanzo các loại và các bộ phận đi kèm như khung treo tường, điều khiển từ xa cho khách hàng tại Nhật Bản, trên tờ khai xuất khẩu khai xuất xứ Việt Nam.

Căn cứ quy định quy định tại Khoản 6 Điều 9 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, quy định công đoạn gia công, chế biến đơn giản, đối chiếu với thực tế lắp ráp tại cơ sở sản xuất của công ty cho thấy: việc lắp ráp thực hiện trên các bàn trải dài, công nhân lắp ráp các sản phẩm bằng tuốc nơ vít, không có dây chuyền, máy móc, thiết bị phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao; việc lắp ráp các bộ phận của sản phẩm thông qua các nhân công lao động thủ công để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh, giá trị hàm lượng gia tăng không cao.

Theo số liệu kiểm tra, xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường nhận thấy tỉ lệ nguyên vật liệu chính/chi phí giá thành chiếm 98% - 99%, giá trị gia tăng tạo ra sau quá trình lắp ráp rất thấp, chỉ chiếm 1-2% trong tổng chi phí giá thành sản phẩm.

Như vậy, mặt hàng tivi xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản, các bộ phận của sản phẩm để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh thì không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Còn đối với hàng hóa lắp ráp để tiêu thụ trong nước, qua kiểm tra xác định, Công ty CP Tập đoàn Asanzo không tự sản xuất và nhập khẩu linh kiện mà mua từ các Công ty trong nước để lắp ráp các thành phẩm. Linh kiện mua trong nước gồm các linh kiện có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc và từ các nguồn khác. Sản phẩm lắp ráp khi lưu thông trên thị trường nội địa ghi xuất xứ Việt Nam.

Theo quy định tại điểm d, Điều 2 và điểm c Điều 3 Hiệp định về Quy tắc xuất xứ WTO thì "Quy tắc xuất xứ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu không được chặt chẽ hơn quy tắc xuất xứ áp dụng để xác định hàng hóa đó có phải là hàng nội địa hay không và không được phân biệt đối xử giữa các quốc gia thành viên".

Căn cứ quy định này, tiêu chí xuất xứ hàng hóa lắp ráp hàng hóa để tiêu thụ trong nước phải tối thiểu tương đương với tiêu chí xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, Thông tư số 05/2018/TT-BCT.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem