Thực thi Luật Lâm nghiệp đã tạo ra những thay đổi lớn

Khương Lực Thứ hai, ngày 30/12/2019 08:19 AM (GMT+7)
Một năm triển khai Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn, đã có nhiều chuyển biến tích cực được tạo ra trong thực tế. Nổi bật nhất là việc thay đổi nhận thức của chủ rừng và các cấp chính quyền địa phương trong việc bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là phát triển rừng gỗ lớn nhằm gia tăng giá trị và thu nhập cho người dân.
Bình luận 0

Theo quan điểm đổi mới của Luật Lâm nghiệp 2018 đã xác định lâm nghiệp là một ngành kinh tế kỹ thuật mang tính đặc thù. Cùng với Luật Lâm nghiệp và Nghị định, các Thông tư của Bộ NN&PTNT lần lượt được ban hành ngay khi Luật có hiệu lực giúp cho công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp được triển khai phù hợp với yêu cầu thực tiễn khách quan của từng địa phương.

img

Phối hợp tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên

Ông Đỗ Ngọc Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh đã thấy vai trò của kinh tế lâm nghiệp trong nhiều năm nay. Đặc biệt, Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ năm 2019 thì tỉnh càng quan tâm, chỉ đạo để phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Không chỉ giữ an toàn gần 50.000ha diện tích rừng tự nhiên, mỗi năm người dân Phú Thọ còn trồng thêm khoảng 10.000ha rừng sản xuất. Để nâng giá trị và năng suất rừng trồng, ngày 16/7/2019, HĐND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Theo đó, HĐND tỉnh quy định, rừng đưa vào chuyển hóa đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định, có quy mô tập trung từ 10 ha trở lên đối với Hợp tác xã, từ 5 ha trở lên đối với tổ hợp tác, từ 3 ha trở lên đối với trang trại, hộ gia đình; có cam kết với UBND cấp xã, hạt Kiểm lâm khai thác sau 10 năm tuổi.

Đổi lại, khi giữ rừng đạt 7 năm thì các tổ chức, cá nhân nhận được hỗ trợ lần 1 là 7 triệu đồng/ha; rừng đạt 10 năm tuổi thì được nhận hỗ trợ lần 2 với mức 5 triệu đồng/ha. Như vậy, tổng số tiền các tổ chức, cá nhân được nhận qua chủ trương chuyển hóa rừng gỗ lớn là 12 triệu đồng/ha.

Tính đến nay, tỉnh Phú Thọ đã trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn đạt 3.389ha, trong đó trồng rừng gỗ lớn là 1.306ha, chuyển hóa kinh doanh gỗ lớn là 2.083ha. Từ chuyển hóa rừng gỗ lớn, tỉnh Phú Thọ phấn đấu nâng năng suất rừng trồng đạt 15m3/ha/năm, góp phần tạo ra nguyên liệu, phục vụ cho chế biến, đồng thời qua đó nâng cao đời sống người dân trồng rừng.

Tỉnh Phú Thọ cũng hỗ trợ 1 lần 70% chi phí cấp chứng chỉ rừng bền vững; mức hỗ trợ tối đa 300 nghìn đồng/ ha. Đến nay, đã có gần 11.000ha rừng trồng ở Phú Thọ được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) và dự kiến đến hết năm 2020 sẽ có thêm 15.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Triển khai thực thi Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn, ngay từ đầu năm Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ triển khai xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý lâm sản.

Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, địa phương, các tổ chức phi Chính phủ tổ chức 9 lớp tập huấn cho 540 học viên là lực lượng công chức, viên chức kiểm lâm và lực lượng làm công tác bảo vệ rừng ở cơ sở tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

Cùng với việc phổ biến Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã phối hợp cùng với các địa phương lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động người dân địa phương các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ thực hiện các chính sách về công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chính sách và pháp luật liên quan đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng cho đối tượng là học sinh tại một số tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

Tại Hà Tĩnh, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp được triển khai đồng bộ, sâu rộng và có trọng tâm, trọng điểm. Đến nay, đã tổ chức được 3 đợt quy mô cấp tỉnh, 61 hội nghị, 66 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến, quán triệt với 10.616 lượt người tham gia, gồm: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị liên quan, các đơn vị chủ rừng, người dân tại các xã, thôn có rừng, các cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản và gây nuôi động vật hoang dã, các doanh nghiệp, chủ dự án có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp.

Tại Thừa Thiên Huế, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã tổ chức 14 lớp tập huấn triển khai Luật Lâm nghiệp và các văn bản dưới Luật  với hơn 800 lượt người tham gia cho các đơn vị kiểm lâm, chủ rừng nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp để hiểu và nắm rõ được các quy định, chính sách mới có hiệu lực thi hành nghiêm túc thực hiện.

Kiểm lâm phụ trách địa bàn tăng cường tổ chức, tham gia các cuộc họp xã, họp thôn bản để triển khai phổ biến, hướng dẫn Luật và các văn bản thi hành Luật với hàng nghìn lượt người tham gia. Nhờ đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, đã góp phần đưa chính sách pháp luật về lâm nghiệp đi vào cuộc sống. Hơn 212.000ha rừng tự nhiên tại Thừa Thiên Huế vẫn được giám sát chặt chẽ, không để xảy ra điểm nóng phá rừng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem