Thuế nhập khẩu đường về 0%, nhiều doanh nghiệp lo phá sản

11/06/2019 14:46 GMT+7
Theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu (NK) đường đối với các nước ASEAN kể từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn chưa tự tin để thích nghi với quy định mới.

Luật đã có nhưng thi hành thì...chưa

Theo cam kết, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu, tức là thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam là 0%. Tuy nhiên, để doanh nghiệp và người nông dân kịp thích ứng thì Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực thi cam kết ATIGA thêm 2 năm. 

Với tình hình của ngành mía đường trong nước, cam kết này như một nhát dao, nếu doanh nghiệp không thay đổi cơ cấu sản xuất và mô hình kinh doanh sẽ chết ngay trong chính thị trường của mình. 

Nhiều bài toán khó khăn chưa có lời giải đáp.

Tuy thời gian được gia hạn thêm 2 năm nhưng tâm thế để thích ứng với cam kết ATIGA và thay đổi dường như vẫn là con số 0. Thực tế hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp còn quá dựa dẫm vào chính phủ và mong một sự bảo hộ nên vẫn "lười" và "chậm" thay đổi.

Tuy nhiên xét về toàn cảnh, để tăng sức cạnh tranh của ngành mía đường trong nước thì việc tiên quyết là giảm giá thành sản phẩm. Mà giá đường trong nước khó giảm bởi 75-80% phụ thuộc vào giá mía. Để giảm được giá mía cần giảm được chi phí sản xuất, giảm giá thành đầu vào và nâng cao năng suất.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), sự chuẩn bị của toàn ngành mía đường cho mốc thời điểm ngày 1/1/2020 xoá bỏ hạn ngạch thuế quan NK đường chưa đủ độ “chín”. Gần 2 năm qua, năng suất ngành mía đường vẫn đang thấp hơn bình quân thế giới, thấp hơn khu vực châu Á và giá thành mía của Việt Nam còn cao do năng suất thấp.

Không phải không có cách để thay đổi, nhưng chi phí và giá thành để áp dụng khoa học kĩ thuật quá cao, trong hoàn cảnh đầy khó khăn của ngành như hiện nay thì việc đầu tư dường như vẫn là bài toán nan giải. “Muốn giảm chi phí nhân công trồng mía trong các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch nhất thiết phải cơ giới hoá với diện tích canh tác lớn. Trong khi đó, diện tích đồng ruộng Việt Nam bình quân chỉ ở mức 0,3 - 0,5ha/hộ nên cần thời gian để dồn điền đổi thửa để có diện tích lớn mới có thể áp dụng cơ giới hoá, mà điều này không thể dễ dàng thực hiện trong 1 – 2 năm nên rất cần sự hỗ trợ của địa phương cũng như sự can thiệp của Nhà nước”, ông Doanh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường bị xoá bỏ, thuế suất về 0% và thị trường mía đường được mở cửa hoàn toàn, doanh nghiệp nào đã đủ điều kiện, nguyên vật lực thì tuy gặp khó khăn nhưng vẫn trụ được.

Các biện pháp tạm thời và lâu dài

Giảm giá thành tạo sức cạnh tranh: Theo VSSA, để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, nhất là sau khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực từ năm 2020, Hiệp hội đã kiến nghị các DN cần cơ cấu lại sản xuất nguyên liệu mía nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu để nông dân có lời. Đồng thời, ngành mía đường cần cơ cấu lại công nghiệp chế biến theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đủ khả năng cạnh tranh; phấn đấu giá thành đường dưới 10.000 đồng/kg.

Chủ tịch VSSA - ông Phạm Quốc Doanh cũng cho hay, Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ một số biện pháp ứng phó với việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường. Trong đó đề nghị chỉ cho phép nhập đường thô để tinh luyện và áp dụng việc cấp phép NK để theo dõi lượng NK nhằm đảm bảo điều tiết cung cầu tại các thời điểm nhất định; dừng đấu thầu quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2019; kịp thời đề xuất biện pháp phòng vệ hoặc chống bán phá giá theo Luật Quản lý ngoại thương.

VSSA cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung thuế Tiêu thụ đặc biệt với đường lỏng (HFCS) với mức thuế suất 12% mà không phải là 0% như hiện nay; cho phép hạch toán vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm các khoản chi hỗ trợ các nhà máy cho nông dân phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh...

“VSSA sẽ theo dõi sát sao các thông tin về lượng NK, giá cả cũng như mức độ ảnh hưởng của việc nhập khẩu tới sản xuất mía đường trong nước, từ đó có những kiến nghị phù hợp về biện pháp phòng vệ. Nếu đường NK gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất trong nước, Chính phủ cần có biện pháp phòng vệ tương tự như đối với các mặt hàng phân bón, thép…”, ông Doanh đưa giải pháp.

Lời kết

Bước vào giai đoạn hội nhập, sẽ có rất nhiều khó khăn cần phải giải quyết. Trong đó các cơ quan chức năng cần tạo một môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, giúp các doanh nghiệp kinh doanh đường phát triển và hội nhập. Còn các doanh nghiệp không nên quá dựa dẫm vào sự bảo hộ của chính phủ mà phải nhanh chóng thích nghi, có những chiến lược thay đổi nhanh và tích cực nhất để bước vào cạnh tranh với thị trường thế giới.

Mai Trang
Cùng chuyên mục