Thuốc phòng cúm Tamiflu có “trị” được virus Corona?

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 02/02/2020 07:30 AM (GMT+7)
Virus Corona gây các triệu chứng như bệnh cảm cúm (ho, sốt, đau đầu, đau người), do đó, nhiều người dân đã muốn mua thuốc trị cúm Tamiflu để phòng bệnh. Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế, virus Corona chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Bình luận 0

Thuốc Tamiflu hay tên gốc là Oseltamivir là loại thuốc kháng virus giúp ngăn chặn các tác động của các loại virus cúm A, B. Tamiflu là thuốc điều trị dự phòng các biến chứng cúm mùa nguy hiểm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, thuốc Tamiflu không nằm trong danh mục thuốc dùng cho điều trị hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới (nCoV) như trong Quyết định số 125/QĐ-BYT về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị nCoV.

img

Hai bệnh nhân mắc bệnh điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã âm tính với virus Corona.

Điều này có nghĩa, thuốc Tamiflu không có tác dụng trong việc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp, người dân có mua thuốc về cũng không có tác dụng “trị” virus Corona. Không chỉ thế, việc dùng thuốc không có chỉ định của bác sĩ còn có thể gây những tác dụng phụ không mong muốn, càng khiến việc phát hiện, chẩn đoán bệnh khó khăn hơn.

Theo Quyết định 125, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu virus Corona. Các thuốc hiện nay chỉ dùng để hỗ trợ điều trị triệu chứng bệnh do virus Corona gây ra như: ho, sốt, rối loạn điện giải, viêm phổi, suy thận. Các thuốc dùng cơ bản là thuốc giảm ho, giảm sốt, dịch bù rối loạn điện giải, kháng sinh chống viêm...

PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cũng cho biết, phác đồ điều trị viêm phổi cấp do virus Corona của Bộ Y tế đã phân rõ 5 loại biến chứng hay gặp, tương ứng với từng phác đồ: Viêm phổi nhẹ; viêm phổi nặng; hội chứng nguy kịch hô hấp cấp tính; nhiễm trùng huyết; sốc nhiễm trùng. Các trường hợp này sẽ được điều trị thuốc kháng sinh tùy theo mức độ.

Khi bệnh nhân suy hô hấp thì cần thở máy. “Hiện, tôi đang đề xuất bổ sung vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân viêm phổi cấp do virus Corona biến chứng thứ 6 là sốc nghiễm khuẩn. Vì đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm đối với các bệnh nhân bị viêm phổi, nhiễm khuẩn”, PGS Điển nói.

Về lo ngại người dân lo sợ dịch bệnh sẽ đổ xô đến các bệnh viện xét nghiệm xem có bị mắc virus Corona hay không, ông Nguyễn Trọng Khoa - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, không phải bệnh nhân ho, sốt nào đến bệnh viện cũng được chỉ định xét nghiệm virus Corona. Hiện, xét nghiệm đó không phải xét nghiệm thực hiện trên tất cả các bệnh nhân. Chỉ bệnh nhân có hiện tượng sốt, ho và có yếu tố dịch tễ như đi từ vùng dịch về, tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về hoặc người đã được kết luận nhiễm bệnh mới được chỉ định xét nghiệm.

“Trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng ta phải dành nguồn lực để cho việc phát hiện sớm các ca bệnh, ngăn chặn dịch lây lan sớm. Khi bệnh nhân ho, sốt đến viện, sẽ được các bác sĩ hỏi về tình hình bệnh, tình hình dịch tễ rồi mới quyết định ca bệnh nào được chỉ định xét nghiệm virus Corona hoặc tư vấn cho người dân đi khám và làm các xét nghiệm các bệnh khác như cúm, viêm đường hô hấp... ", ông Khoa nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem