Mạng xã hội “made in Vietnam” - Học được gì từ kinh nghiệm thế giới?

26/07/2019 06:48 GMT+7
Để xây dựng thành công mạng xã hội “made in Vietnam”, các công ty công nghệ cần phải nỗ lực rất nhiều trong việc đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc đủ mạnh và ổn định. Song song với đó là phát triển sáng tạo và khác biệt để trở thành mạng xã hội lớn mạnh và được nhiều người quan tâm sử dụng.

Mới đây, Mạng xã hội “made in Vietnam” Gapo của Công ty CP Công nghệ Gapo đã chính thức ra mắt tại thị trường hôm 23/7. Với khoản đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Capital, mạng xã hội Gapo kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu thu hút 3 triệu người dùng đến năm 2020 và 50 triệu người dùng tính đến năm 2021.

Mạng xã hội Gapo kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu thu hút 3 triệu người dùng đến năm 2020 và 50 triệu người dùng tính đến năm 2021.

Ngoài các tính năng, giao diện giống như các mạng xã hội thông thường khác như Facebook, điểm hấp dẫn nhất mà nhiều người dùng quan tâm và hứng thú với mạng xã hội Gapo là việc mạng xã hội này sẽ tiến hành chia sẻ doanh thu với người dùng. Theo đó, người dùng không cần phải là 1 KOL (nhân vật có sức ảnh hưởng), chỉ cần bài viết có nhiều lượt xem, người dùng sẽ được trả tiền cho nội dung mà họ đăng tải trên Gapo.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau khi ra mắt, mạng xã hội Gapo đã gặp phải sự cố quá tải khiến cho hoạt động toàn hệ thống phải tạm ngưng để tiến hành nâng cấp và sửa lỗi.

Không chỉ riêng mạng xã hội Gapo gặp sự cố về quá tải trong những ngày đầu ra mắt, trước đó, khi mới “trình làng”, các mạng xã hội “made in Vietnam” khác như VietnamTa và Hahalolo cũng gặp phải tình trạng tương tự do hệ thống không đủ lớn và ổn định.

Đầu tư khủng cho cơ sở hạ tầng công nghệ

Để có thể mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt nhất và phát triển mạng xã hội “made in Vietnam” thu hút nhiều người sử dụng, có lẽ, các mạng xã hội “made in Vietnam” cần phải ưu tiên cải thiện và nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ đáp ứng được số lượng người sử dụng trước khi cho ra mắt truyền thông đến công chúng rộng rãi.  

Với Facebook – mạng xã hội phổ biến và nhiều người dùng ưa chuộng nhất trên thế giới, hạ tầng công nghệ và quản lý server được đặc biệt chú trọng đầu tư. Sở hữu khoảng 2 tỷ người dùng hàng ngày và gần 3 tỷ người dùng hàng tháng đòi hỏi Facebook phải có sức mạnh xây dựng hàng ngàn bộ xử lý trên hàng ngàn server.

Trung tâm xử lý dữ liệu luôn được các công ty công nghệ lớn như Facebook tối ưu thường xuyên để lưu trữ hàng tỷ dữ liệu của người dùng. Đến hết năm 2017, Facebook có 11 trung tâm dữ liệu trên toàn cầu, trong đó có 6 trung tâm đặt tại các bang ở Mỹ. Chỉ tính tại trung tâm dữ liệu phần cứng tại bang Oregon (Mỹ), Facebook đã đầu tư hơn 780 triệu USD với diện tích hai trung tâm mỗi điểm gần 28 nghìn mét vuông. Bên cạnh đó, Facebook còn đặt 2 trung tâm dữ liệu khác tại Châu Á là Hong Kong và Singapore.

Bên trong một trung tâm xử lý dữ liệu của Facebook.

Ngoài ra, Facebook còn sử dụng mạng lưới CDN (Content Delivery Network) để giảm khoảng cách truy cập từ người dùng đến máy chủ (server). Mạng CDN sẽ lưu nội dung đệm (cache) tại các máy chủ PoP (Point of Presence) ở nhiều địa điểm khác nhau. Bằng cách này, Facebook đã thiết lập máy chủ PoP ở khắp nơi trên thế giới giúp truyền tải nội dung đến người dùng ở gần nhất. Tại Việt Nam, tính đến tháng 1/2018, Facebook đã thuê 441 máy chủ của các doanh nghiệp Việt Nam.

Chính sách bảo mật an toàn cho người dùng

Trước khi trở thành mạnh xã hội lớn thống trị thế giới, vào tháng 2/2004, Facebook chỉ là một trang mạng để tổng hợp hồ sơ cá nhân của những người bạn có cùng sở thích với nhau do Mark Zuckerberg xây dựng nên để ghi thông tin về sinh viên và nhân viên của trường Đại học Harvard. Rất nhanh sau đó, chỉ trong một thời gian ngắn, mạng xã hội này đã trở nên phổ biến khắp nước Mỹ rồi vươn ra toàn cầu với tốc độ chóng mặt. Cho đến bây giờ, Facebook đã thực hiện tốt chức năng kết nối mọi người trên thế giới tới gần nhau hơn, ngày càng có nhiều người sử dụng trên thế giới ưa chuộng và tham gia mạng xã hội này.

Từ khi trở thành mạng xã hội thế giới, Facebook liên tục bổ sung nhiều tính năng mới và thay đổi giao diện thường xuyên để người dùng không cảm thấy bị nhàm chán. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ, mạng xã hội chỉ thực sự thành công khi được người dùng tin tưởng và cảm thấy an toàn khi chia sẻ các thông tin cá nhân của mình. Hiểu được điều đó, Facebook đã xây dựng nên khung chính sách về bảo mật quyền riêng tư cá nhân. Theo đó, Facebook cho người dùng khả năng kiểm soát quyền riêng tư của mình, người dùng có quyền quyết định nội dung muốn được chia sẻ và xóa bất kì nội dung nào đã đăng tải. Các nội dung đó cũng đồng thời được xóa vĩnh viễn tại máy chủ của Facebook.

Facebook cũng nghiên cứu và đưa ra hàng loạt các biện pháp kiểm soát mới, kịp thời để nghiêm ngặt bảo mật dữ liệu người dùng. Mặc dù vậy, chính sách bảo mật quyền riêng tư vẫn đặt ra thách thức không hề nhỏ ngay cả với “gã khổng lồ” Facebook khi mới đây, hãng này phải nhận án phạt 5 tỷ USD từ Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) vì vụ bê bối Cambridge Analytica làm lộ dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng trên thế giới. Điều này khiến Facebook phải đổi mới và tăng cường chính sách bảo mật hơn nữa nếu không muốn mất đi uy tín và chịu nhiều án phạt nặng từ những vụ rò rỉ thông tin người dùng.

Đẩy mạnh sáng tạo nội dung theo xu hướng phát triển

Không chỉ là việc đẩy mạnh đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng lớn và ổn định hay chính sách bảo mật quyền riêng tư, mạng xã hội “made in Vietnam” cần phát triển sáng tạo và khác biệt để trở thành mạng xã hội lớn mạnh và được nhiều người quan tâm sử dụng.

Tại Trung Quốc, rất nhiều mạng xã hội ra đời đã thành công thu hút hàng tỷ người dùng Trung Quốc và trên thế giới, cạnh tranh gay gắt với các mạng xã hội số 1 thế giới như Facebook, Twitter. Đơn cử như Wechat – mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc thuộc sở hữu của Tencent đã đạt mốc 1 tỷ người dùng năm 2018, trong đó có 2/3 dân số Trung Quốc dùng Wechat. Với cách khai thác các chương trình nhỏ xoay quanh hệ thống ứng dụng, WeChat đã chứng minh cho thế giới thấy sự thành công của mình khi thu hút được lượng lớn người dân Trung Quốc sử dụng và trên thế giới.

WeChat - mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc thu hút 2/3 dân số nước này sử dụng.

Để có thể thành công như hiện nay và cạnh tranh với Facebook, WeChat đã không ngừng triển khai và đổi mới sáng tạo các tính năng liên tục để hỗ trợ người dùng thuận tiện. Ra mắt vào tháng 1/2011, WeChat chỉ cho phép người dùng gửi tin nhắn văn bản và ảnh. Các chức năng này đều tương tư như Feixin của China Mobile và MiTalk Messenger của Xiami trước đó khiến cho người dùng không mấy quan tâm và sử dụng. Chỉ đến khi WeChat được cập nhật tính năng nhắn tin bằng giọng nói, số lượng người sử dụng mới tăng lên đến 60.000 người. Không chỉ dừng lại ở đó, WeChat tiếp tục cho ra hàng loạt các chắc năng mới như chức năng “lắc” để kết nối người dùng ngẫu nhiên.

Từ một ứng dụng nhắn tin thông thường, sau đó, WeChat đã phát triển thành công mạng xã hội với tính năng chia sẻ khoảnh khắc cá nhân của người dùng. Đến năm 2013, WeChat đã thêm chức năng thanh toán và cho đến nay, người dùng Trung Quốc có thể thanh toán bất cứ sản phẩm nào thông qua ứng dụng này.

Điều này đã cho thấy để mạng xã hội thu hút số đông người sử dụng không phải là điều dễ dàng. Các công ty công nghệ cần phải bỏ ra rất nhiều chi phí tốn kém trong việc đầu tư máy móc để cơ sở hạ tầng đủ tốt và mạnh. Bên cạnh đó, cần phải biết cách khai thác tối ưu những tính năng mới, sáng tạo phục vụ cho nhu cầu của người sử dụng.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), tính đến cuối tháng 6/2019, số lượng người dùng mạng xã hội Facebook hàng tháng tại Việt Nam khoảng 60 – 65 triệu. Con số này cho thấy mạng xã hội “made in Vietnam” rất khó có thể cạnh tranh với các mạng xã hội lớn như Facebook. Tuy nhiên, mạng xã hội dành riêng cho người Việt có thể tìm hướng đi mới giúp người dùng tăng tương tác và sử dụng nhiều hơn như việc khai thác tìm ra những điểm chung, khai thác những nét văn hóa riêng của người Việt hay những tiện ích gần gũi với người Việt thay vì chỉ đơn thuần dựa vào lòng tự hào dân tộc.   

Thu Trà
Cùng chuyên mục