Thương chiến Mỹ - Trung đang chuyển hướng kinh tế toàn cầu như thế nào

15/09/2019 17:52 GMT+7
Những sự dịch chuyển sâu sắc đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường năng lượng thế giới nói riêng, mà nguyên nhân chủ yếu được đổ lỗi cho xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ Trung cho đến nay là chưa thể đo lường được, và quan trọng hơn, người ta không biết cuộc chiến này có thể kéo dài đến khi nào.

Trong tuần, Tổng thống Trump vừa quyết định hoãn thời hạn tăng thuế với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 1.10 sang 15.10 nhằm né dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCS Trung Quốc. Trung Quốc cũng thể hiện thiện chí của mình bằng cách công bố danh mục 16 mặt hàng Mỹ được miễn thuế, và mới đây nhất là bổ sung đậu nành, thịt lơn - hai trong số các mặt hàng nông sản quan trọng nhất của Mỹ - vào danh mục này. Đây được coi là những bước xuống thang quan trọng mở đường đến đàm phán Mỹ Trung tại Washington vào đầu tháng 10 tới, dù cho khả năng đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện vẫn vô cùng mờ nhạt lúc này.

Hệ lụy sâu sắc trong lĩnh vực năng lượng

Các đại biểu trong Đại hội Năng lượng thế giới 2019 vừa diễn ra trong tuần đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về thương chiến Mỹ Trung, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và giá dầu liên tục giảm. Đồng thời, đại hội năm nay đặt ra câu hỏi về những sự dịch chuyển, chia rẽ nghiêm trọng trên thị trường năng lượng thế giới. 

Hợp đồng khí thiên nhiên (LNG) mà Mỹ - nhà xuất khẩu LNG có sản lượng tăng nhanh nhất thế giới - xuất khẩu sang Trung Quốc - nhà nhập khẩu có nhu cầu tăng nhanh nhất thế giới đã giảm sút rõ rệt. Hai tập đoàn Dầu khí lớn nhất Trung Quốc là China National Offshore Oil Corp và China National Petroleum Corp đều có cổ phần trong một dự án khai thác khí tự nhiên của Nga. Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Mỹ, chỉ có 4 chuyến tàu khí thiên nhiên được xuất từ Mỹ sang Trung Quốc tính từ đầu năm 2019 đến nay, trong khi con số đó năm 2018 là 32 tàu.

Thị trường khí thiên nhiên nói riêng và năng lượng toàn cầu nói chung đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong vài năm gần đây, chủ yếu do sự thay đổi nhu cầu đáng kể của thị trường Trung Quốc cũng như một số thị trường Đông Á - Đông Nam Á. Những hợp đồng nhập khẩu năng lượng từ Trung Quốc giảm rõ rệt là nguyên nhân lớn khiến các nhà xuất khẩu năng lượng Mỹ lao đao.

Đại hội Năng lượng thế giới chỉ ra rằng thuế quan trả đũa của ông Trump giờ đây đã bắt đầu mang đến những hệ lụy dài hạn. Dù Mỹ trở thành nhà xuất khẩu dầu mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, các đơn hàng năng lượng từ Mỹ xuất sang Trung Quốc đã giảm rõ rệt. Trung bình, lượng dầu thô Mỹ xuất sang Trung Quốc hồi quý II/2018 đạt đến 500.000 thùng/ ngày. Đến quý I/2019, con số này giảm mạnh còn chưa đầy 1/3.

Sự chuyển dịch trên thị trường năng lượng đã bắt đầu lan sang nhiều ngành công nghiệp khác, từ hàng không đến sản xuất ô tô. Bên cạnh năng lượng, lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, tài chính tiền tệ...cũng lao đao vì bão thuế quan. Nhìn chung, chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang chuyển hướng nền kinh tế toàn cầu một cách không thể ngừng lại. 

Xuất khẩu dầu mỏ, khí thiên nhiên từ Mỹ sang Trung Quốc giảm mạnh do thương chiến leo thang

Nền kinh tế Mỹ đối diện suy thoái?

Dù Tổng thống Donald Trump liên tục khẳng định thuế quan của Mỹ chỉ gây ảnh hưởng không đáng kể đến người Mỹ, nhiều nhà phân tích vẫn cảnh giác trước hàng loạt dấu hiệu suy thoái kinh tế đang đến gần. Một số lo ngại nếu xung đột thương mại không đi đến hồi kết, nó sẽ xóa đi toàn bộ thành tựu 40 năm hội nhập thương mại - tài chính - kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chứ không chỉ riêng gì lĩnh vực năng lượng.

Doanh nghiệp Mỹ là những nạn nhân đầu tiên của thương chiến. Các đế chế công nghệ Mỹ có nguy cơ đánh mất thị trường tỷ dân một khi chiến tranh công nghệ leo thang, nếu Trung Quốc cũng áp dụng chiến lược “danh sách đen” như cách Nhà Trắng làm với Huawei. Ông Trump thì thúc giục doanh nghiệp Mỹ tìm phương án thay thế cho Trung Quốc, bao gồm cả rút mọi hoạt động sản xuất kinh doanh về nước. Truyền thông Trung Quốc sau đó chế nhạo hành động này chẳng khác gì tự sát, bởi nhiều doanh nghiệp Mỹ đang kiếm lời lớn từ thị trường sản xuất và tiêu thụ 1,4 tỷ dân của nước này.

Chuyên gia cảnh báo các chính sách thương mại của ông Trump không chỉ có nguy cơ dẫn nước Mỹ đến bờ vực suy thoái, mà còn chống lại chính cơ hội tái đắc cử Tổng thống của ông. Dù Mỹ và Trung Quốc thống nhất tái khởi động đàm phán vào đầu tháng 10, chưa có dấu hiệu cho thấy một thỏa thuận thương mại sẽ được thiết lập. Đó là điều thị trường lo ngại lúc này.

Xung đột Mỹ Trung sẽ là “một hành trình dài”

Sự thay đổi định hướng thương chiến rõ rệt trong những tuần gần đây là Bắc Kinh dường như đang chuyển mục tiêu từ đàm phán thương mại có lợi sang một cuộc tranh luận mang tính kỷ nguyên, nhiều khả năng kéo dài lâu hơn nhiệm kỳ của Trump. Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đăng trên Tân Hoa Xã chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ cố gắng thực hiện giấc mơ của nhiều thế hệ từ nay cho đến năm 2049, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCS Trung Quốc.

Ông Tập cho rằng Trung Quốc và hệ thống XHCN mà nước này theo đuổi đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức liên quan đến chủ quyền, an ninh và phát triển. Cùng với đó là hàng loạt rủi ro suy yếu lợi ích cốt lõi của đất nước. “Chúng ta sẽ kiên quyết đấu tranh một khi thách thức vẫn còn ở đó. Chúng ta phải giành chiến thắng”.

Kinh Wu Qiang, nhà bình luận chính trị nổi tiếng Bắc Kinh nhận định: “Trung Quốc sẽ áp dụng lập trường và cách tiếp cận đối kháng để xử lý quan hệ xấu đi với Mỹ”. Còn Li Mingjiang, chuyên gia phân tích từ Đại học Công nghệ Nanyang thì gọi cuộc xung đột với Mỹ có thể là “một hành trình dài và gập ghềnh”.

Phía Washington cũng nhận ra điều đó. Còn nhớ hồi tuần trước, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow từng cảnh báo xung đột Mỹ Trung có thể mất hàng thập kỷ để giải quyết bởi những mâu thuẫn mang tính toàn cầu của nó.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục