Thương chiến Nhật - Hàn đang khiến các doanh nghiệp lao đao?

31/07/2019 18:10 GMT+7
Xung đột thương mại Nhật Hàn giờ đây đã bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao, điện tử viễn thông và thậm chí có nguy cơ tạo nên một vết rạn trong lĩnh vực kinh tế toàn cầu.

Sinh viên Hàn Quốc trong một cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản gần đại sứ quán Nhật tại Seoul

Bắt nguồn từ mâu thuẫn quan điểm chính trị về hành vi cưỡng ép lao động và cưỡng bức phụ nữ của người Nhật hồi Thế chiến II, bất đồng đã tràn sang cả lĩnh vực kinh tế, đe dọa chuỗi cung ứng linh kiện điện tử toàn cầu.

Hồi đầu tháng 7, Nhật Bản đã ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu với 3 hóa chất quan trọng sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất con chíp của Hàn Quốc, với lý do quan ngại an ninh quốc gia. Nhật Bản thậm chí đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách trắng các đối tác thương mại đáng tin cậy, với cáo buộc hóa chất xuất khẩu sang Hàn Quốc bị vận chuyển đến Triều Tiên, có nguy cơ bị sử dụng trong chế tạo vũ khí quân sự.

Đáp lại cáo buộc này, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in kịch liệt phủ nhận và cho rằng đây là sự trả đũa của Nhật trước phán quyết của tòa án Seoul hồi năm ngoái. Phán quyết buộc một công ty thép của Nhật phải bồi thường khoản tiền khổng lồ cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động hồi thế chiến.

Các công ty đang ngấm đòn thương chiến

Jesper Koll, cố vấn cao cấp từ WisdomTree Investments tại Nhật Bản cảnh báo xung đột thương mại đang gây nên những thiệt hại ngày càng nặng nề cho cả hai quốc gia. 

Trong đó, những công ty linh kiện điện tử là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhật Bản đã giáng đòn mạnh vào Hàn Quốc khi quyết định hạn chế xuất khẩu hóa chất phục vụ ngành công nghệ cao. Giờ đây, những báo cáo đang cho thấy sự cắt giảm sản lượng của các công ty Nhật khi đã mất đi một thị trường nhập khẩu tiềm năng.

Ông Koll cho biết thêm, trong ngắn hạn, sự gián đoạn nguồn cung hóa chất cho ngành sản xuất chíp sẽ đẩy giá sản phẩm điện tử lên cao và tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp xuống thấp, qua đó ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thị trường.

Bên cạnh đó, một số công ty thuộc ngành nghề khác cũng đang phải đối mặt với nhiều tác động gián tiếp của xung đột thương mại, do người tiêu dùng phản ứng trước mâu thuẫn giữa hai quốc gia. Ví dụ như các công ty mỹ phẩm Nhật Bản đang bắt đầu cảm thấy sự suy giảm doanh số từ thị trường Hàn Quốc, nơi đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh số tới 10% trong hai năm vừa qua. 

Ngành du lịch, hàng không, thương hiệu mua sắm xa xỉ cũng đang cảm nhận được ảnh hưởng của thương chiến. Hàn Quốc là quốc gia có lượng du khách đến Nhật Bản lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, theo báo cáo của Tổ chức du lịch Nhật Bản. Nhưng giờ đây, lượng khách du lịch đã có dấu hiệu suy giảm. Điều này khiến cho nhiều hãng hàng không lớn phải cắt giảm chuyến bay hoặc thậm chí một số hãng chấm dứt tuyến bay trực tiếp từ các thành phố lớn của Nhật Bản đến Hàn Quốc và ngược lại. 

Nhật báo Nikkei hôm 31/7 đưa tin Korean Air đang lên kế hoạch cắt giảm các chuyến bay đến Nhật có lợi nhuận thấp trong bối cảnh căng thẳng leo thang. Cụ thể, hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc sẽ tạm dừng các chuyến bay từ Busan Hàn Quốc đến thủ phủ tỉnh Hokkaido của Nhật kể từ tháng 9 tới đây.

Còn hãng hàng không lớn thứ hai Hàn Quốc, Asiana Airlines lại công bố kế hoạch sử dụng các dòng máy bay nhỏ hơn để thực hiện các chuyến bay giữa Nhật Bản và Hàn Quốc kể từ đầu tháng 9. Air Seoul cũng công bố một kế hoạch cắt giảm chuyến bay thường xuyên giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tương tự như Korean Air.

Hai gã khổng lồ công nghệ của Hàn Quốc là Samsung và LG Electronics cũng đưa ra những cảnh báo trong bối cảnh xung đột thương mại có nguy cơ kéo dài. Cụ thể, LG Electronics nhận định hoạt động kinh doanh của họ có thể bị ảnh hưởng lớn do xung đột thương mại Mỹ Trung và tranh chấp Nhật Hàn. Còn một CEO của Samsung thì cảnh báo đế chế này đang gặp khó khăn trong quy trình phê duyệt xuất nhập khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh hạn chế nhập khẩu.

Tất nhiên, không phải tất cả các công ty đều chịu tổn thất từ xung đột thương mại trong ngắn hạn. Các nhà phân tích chỉ ra mặt hàng tiêu dùng của Hàn Quốc có thể “thắng lớn” một khi Nhật Bản xem xét, đưa hơn 1.100 mặt hàng vào danh sách miễn trừ ưu đãi xuất khẩu sang Hàn Quốc. Cổ phiếu một số công ty bánh kẹo, văn phòng phẩm và thời trang Hàn Quốc đã tăng tới 2% với kỳ vọng người tiêu dùng sẽ chuyển hướng sang dùng hàng nội địa thay vì hàng Nhật.

Korean Air quyết định cắt giảm các chuyến bay từ Nhật Bản đến Hàn Quốc và ngược lại trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang

Tranh chấp Nhật Hàn và viễn cảnh tiêu cực trong dài hạn

Troy Stangarone, giám đốc cấp cao của Viện Kinh tế Hàn Quốc có trụ sở tại Washington hôm 31/7 cho biết ông có thể thấy được hiệu ứng tiêu cực trên toàn cầu sau hành động hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản. “Đa số ảnh hưởng sẽ tập trung vào ngành sản xuất chíp, nhưng ngành lọc hóa dầu - một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất với Hàn Quốc - cũng sẽ chịu chung tác động”.

Ông Stangarone cho biết thêm, ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch hay hàng không trong ngắn hạn, hoạt động đầu tư trong dài hạn cũng sẽ suy giảm nghiêm trọng khi mà niềm tin của các nhà đầu tư trở lên ngày càng mờ nhạt. Quan trọng nhất, hành động vũ khí hóa thương mại sẽ tác động nặng nề đến chuỗi cung ứng toàn cầu, như một lực cản nặng nề với nền kinh tế. 

Trước tình hình này, hôm thứ Sáu tuần trước, một quan chức cấp cao Mỹ đã gợi ý tổ chức một cuộc họp ba bên với đại diện Hàn Quốc và Nhật Bản tại Diễn đàn khu vực ASEAN diễn ra ở Thái Lan, thông qua đối thoại để đạt được tiến bộ trong thương mại. Vị này khuyến khích hai quốc gia giải quyết những bất đồng theo phương thức có lợi cho song phương.

Thứ Năm tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha cùng các Bộ trưởng các quốc gia ASEAN sẽ gặp nhau tại Diễn đàn khu vực ASEAN tổ chức tại Thái Lan, một diễn đàn an ninh khu vực gồm 27 thành viên. Đây đang được kỳ vọng là cơ hội để hai quốc gia giải quyết những bất đồng cục bộ, chấm dứt những xung đột có nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục