Thương vụ “bom tấn” của Vingroup và BIDV tác động thế nào tới kinh tế 2019?
Tại Tọa đàm "Kinh tế 2020: Triển vọng từ cộng đồng ASEAN" ngày 18/12 do báo điện tử Dân Việt/ Nông thôn ngày nay tổ chức, các chuyên gia nhận định kinh tế năm 2020 tiếp tục ổn định, tăng trưởng GDP khoảng 7%.
Kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao
Trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới có xu hướng giảm tốc bởi thương chiến Mỹ - Trung, căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc, xung đột thương mại Mỹ - EU và Thổ Nhĩ Kỳ…, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vượt mục tiêu và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Theo đánh giá của các chuyên gia, đó là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng.
Số liệu từ Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 7,15% - cao hơn mục tiêu của Chính phủ (6,8%) và mức giao của Quốc hội (6,6 - 6,8%).
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), dù các nền kinh tế thế giới suy giảm, nhưng Việt Nam lại có nhiều kết quả lạc quan do liên tục nhận được lợi thế từ quá trình dịch chuyển nguồn vốn và đầu tư cùng những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mức cao vì kế thừa nhịp tăng trưởng của những năm trước cùng nhiều động lực mới, nhất là có sự dịch chuyển trong lĩnh vực khai khoáng, tạo thành đóng góp đáng kể vào nền kinh tế.
Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc… dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, đã giúp Việt Nam được hưởng lợi, tạo thành những bước nhảy cao cho sự phát triển từ cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…
Dưới góc nhìn của một kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán SSI, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nhìn nhận, năm 2017 và 2018, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam dương và dương rất cao, một phần là do Việt Nam suất siêu nhưng còn 1 phần khác đến từ dòng tiền từ đầu tư gián tiếp.
Như năm 2019, đầu năm SK Group chi 1 tỷ USD để mua cổ phần Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và cuối năm có thương vụ KEB Hana Bank chi khoảng 20.000 tỷ để nắm 15% vốn tại BIDV là những thương vụ điển hình. "Chính những khoản tiền này đã giúp cho Việt Nam có được dòng thặng dư lớn mang lại sự ổn định của tài chính tiền tệ. Nếu không có dòng tiền nước ngoài này thì thực sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và sự ổn định của kinh tế Việt Nam sẽ không được như năm nay", ông Linh khẳng định
Kỳ vọng từ cộng đồng ASEAN
Dự báo về kinh tế Việt Nam 2020, các chuyên gia đều cho rằng, kinh tế Việt Nam và thế giới năm 2010 sẽ tốt hơn.
Theo đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bớt căng thẳng do đạt được một số thỏa thuận, từ đó làm tăng được đầu tư, lòng tin đối với thị trường. Trong năm 2020, dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và tăng trưởng từ 6,8-7%, kìm chế lạm phát trong khoảng 3,2-3,5%. Lực lượng tư nhân vẫn tiếp tục là động lực cho sự phát triển nền kinh tế.
Nhìn nhận về mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,8% là khả thi, bởi có 3 động lực: xuất khẩu ở mức khá, dự kiến tăng 9%; đầu tư FDI tiếp tục là điểm sáng do sự dịch chuyển vốn đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch đầu tư từ Hồng Kông và Trung Quốc tăng mạnh; vốn đầu tư của kinh tế tư nhân tăng; tiêu dùng tăng khoảng 11,8%. Dự báo năm 2020, tiêu dùng sẽ có sự tăng trưởng tích cực vì tiếp tục đà dân số trẻ và thu nhập tăng, lạm phát tăng 3,2-3,3%.
Dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Minh Phong, bức tranh tươi sáng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 nhờ một số yếu tố: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã giảm căng thẳng làm tăng niềm tin đầu tư thị trường; quý II/2020 sẽ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), dòng đầu tư thương mại nội khối ASEAN tăng lên; sự chuyển dịch chuyển của các doanh nghiệp (DN) FDI từ năm 2019 đến năm 2020 sẽ ổn định trong kinh doanh.
Đặc biệt, chuyên gia này cho rằng tiền Đại hội Đảng năm sau sẽ khởi động, những cải cách cải cách môi trường đầu tư kinh doanh sẽ được triển khai một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn từ các cấp, các ngành.
Đề cập sâu hơn về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020 nhìn từ cộng đồng ASEAN, TS. Nguyễn Đức Thành thừa nhận, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ tận dụng được nhiều cơ hội nhằm thúc đẩy phát triển. "Sự hội nhập của Việt Nam năm 2020 vào Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ ngày càng sâu sắc hơn, trong đó Việt Nam sẽ tận dụng thêm thị trường ASEAN, cũng như các nước ASEAN coi Việt Nam là một cửa ngõ ra thế giới bên ngoài khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, EU. Điều này sẽ hỗ trợ cho phát triển cho kinh tế, ngoại giao của Việt Nam", ông Thành nhấn mạnh.
Trong khi đó, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển chỉ ra rằng 2020 sẽ là năm quan trọng để Việt Nam khẳng định vị thế mới trên trường quốc tế khi vừa giữ cương vị Chủ tịch ASEAN vừa đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đây cũng là năm đánh dấu mốc son 25 năm đồng hành cùng ASEAN của nước ta.
Theo ông Tuyển, gắn bó với khối thương mại ASEAN là cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020. Thị trường 642 triệu dân với tổng diện tích hơn 1,7 triệu km2, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu.
Trong những năm gần đây, tăng trưởng GDP bình quân của cả khu vực đạt trung bình 5,4%, cao hơn mức bình quân toàn cầu 3% và được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng quanh mức này trong khoảng 5 năm tiếp theo.
Chỉ tính riêng năm 2019, quy mô GDP ASEAN ước đạt khoảng 3.000 tỷ USD với tăng trưởng GDP của khối ước đạt 4,9%, cao hơn mức bình quân toàn cầu ước tính.
"Việt Nam sẽ là trung tâm phát triển chế biến chế tạo và thu hút chuỗi cung ứng trong khu vực ASEAN", TS.Nguyễn Xuân Thành, ĐH Fulbrigh kỳ vọng.