Quản lý rủi ro, bảo vệ nhà đầu tư vẫn là đề tài "nóng" tại French Tech Summit Vietnam 2025

Vũ Khoa
27/05/2025 17:43 GMT +7
Tại French Tech Summit Vietnam 2025, một trong những sự kiện công nghệ lớn nhất năm giữa Pháp và Việt Nam, Hiệp hội Blockchain Việt Nam góp mặt với vai trò đối tác chiến lược, thúc đẩy kết nối.

Tăng cường tính minh bạch, bảo vệ người dùng trong Fintech và tài sản mã hoá

Ngày 27/5/2025, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), ông Nguyễn Trần Minh Quân, Giám đốc Pháp lý, và ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Ứng dụng Fintech VBA, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần AlphaTrue đã tham dự sự kiện French Tech Summit Vietnam 2025 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Sự kiện quy tụ đông đảo khách mời là các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và chuyên gia công nghệ đến từ hai quốc gia, sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Năm Đổi mới Sáng tạo Pháp - Việt, đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác chiến lược giữa hai hệ sinh thái đổi mới.

Ông Nguyễn Trần Minh Quân chia sẻ về ChainTracer - chương trình phát hiện, truy vết các dự án có dấu hiệu gian lận và lừa đảo về tài sản mã hoá và khung pháp lý tài sản mã hoá tại sự kiện.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trần Minh Quân, Giám đốc Pháp lý Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho biết Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò trong lĩnh vực công nghệ tài chính với ba trụ cột chính gồm thể chế, hạ tầng và ứng dụng thực tiễn. Theo ông, các cải cách trọng yếu như Nghị quyết 57-NQ/TW về đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 66-NQ/TW về hoàn thiện pháp luật và Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị, đã tạo nền tảng cho việc hình thành các trung tâm tài chính tại TPHCM và Đà Nẵng theo định hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.

Để tăng cường tính minh bạch và bảo vệ người dùng trong hệ sinh thái tài chính số, ông Quân cũng giới thiệu ChainTracer, một chương trình phát hiện, truy vết các dự án có dấu hiệu gian lận và lừa đảo về tài sản mã hoá do Hiệp hội Blockchain Việt Nam hợp tác với Công ty TNHH Xã hội Chống lừa đảo triển khai từ năm 2023.

Tính từ khi ra mắt đến hết năm 2024, ChainTracer đã tiếp nhận và xử lý gần 60 vụ việc có dấu hiệu lừa đảo trên blockchain, với tổng thiệt hại ước tính gần 8 triệu USD. Trong đó riêng năm 2024, số vụ việc mà ChainTracer tiếp nhận ít hơn (10 vụ) so với năm 2023 tuy nhiên tổng giá trị thiệt hại được báo cáo lại cao gấp ba lần (6 triệu USD).

Đây là một ví dụ tiêu biểu cho việc ứng dụng công nghệ blockchain không chỉ trong đổi mới tài chính mà còn trong việc nâng cao năng lực quản lý rủi ro, bảo vệ nhà đầu tư và xây dựng niềm tin thị trường.

Các diễn giả trao đổi tại phiên thảo luận “Fintech - Crypto” trong khuôn khổ sự kiện French Tech Summit Vietnam 2025.

Tham gia phiên thảo luận về Fintech và tài sản mã hoá, ông Trần Huyền Dinh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin thị trường thông qua các giải pháp thực tiễn, minh bạch.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu năm 2025 sẽ số hóa ít nhất 50% hoạt động nghiệp vụ và 70% giao dịch của khách hàng qua kênh số, nhưng khoảng cách về niềm tin giữa người dùng và các nền tảng fintech, đặc biệt là những ứng dụng công nghệ chuỗi khối, vẫn là một thách thức lớn.

Theo ông Dinh, điều này cần được giải quyết thông qua các giải pháp thực tiễn, minh bạch và có khả năng mở rộng trong môi trường pháp lý rõ ràng.

Giải pháp thu hút dòng vốn hợp pháp, giảm thất thoát ngoại tệ

Trên tinh thần đó, ông Dinh đã giới thiệu BasalPay, một sáng kiến chiến lược do CTCP AlphaTrue phát triển, hướng đến mục tiêu cung cấp phương thức thanh toán tiện lợi, an toàn và tuân thủ quy định dành cho khách du lịch quốc tế tại Việt Nam.

BasalPay hoạt động như một giải pháp trung gian, cho phép người dùng sử dụng tài sản mã hoá để thanh toán trực tiếp tại các cửa hàng địa phương thông qua mã QR.Không chỉ đơn thuần là một giải pháp thương mại, BasalPay được thiết kế với định hướng tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế về phòng chống rửa tiền (AML) và tài trợ khủng bố (CFT).

Giải pháp tích hợp cơ chế “Travel Rule” theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), cho phép theo dõi, báo cáo và xác minh thông tin giao dịch một cách minh bạch.

Đây là yếu tố then chốt để giải pháp có thể được thử nghiệm trong khuôn khổ sandbox tại Đà Nẵng, nơi đang được quy hoạch trở thành trung tâm tài chính khu vực và là nơi tập trung thử nghiệm các mô hình công nghệ tài chính tiên tiến.

Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu giao dịch thực tiễn, BasalPay còn mở ra cơ hội thu hút dòng vốn hợp pháp, giảm thất thoát ngoại tệ và góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia như một điểm đến hiện đại, thân thiện với công nghệ.

Việc triển khai giải pháp này cũng phù hợp với Chiến lược Blockchain Quốc gia và hướng tới một hệ sinh thái tài chính số minh bạch, an toàn và hội nhập.

Ông Dinh cho rằng để các sáng kiến như BasalPay phát huy hiệu quả và mở rộng quy mô, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: từ ngân hàng, công ty fintech, nhà cung cấp công nghệ cho đến cơ quan quản lý. Đây không chỉ là mối quan hệ hợp tác về mặt kỹ thuật, mà còn là một chiến lược liên ngành nhằm thiết lập một hệ sinh thái tài chính số toàn diện, nơi đổi mới được bảo vệ, người dùng được bảo đảm và sự phát triển được dẫn dắt bởi niềm tin và chuẩn mực quốc tế.

Phiên thảo luận còn có sự tham gia của các diễn giả uy tín trong lĩnh vực tài chính - công nghệ như ông Alexandre Macaire, Giám đốc Tài chính, Techcombank; ông Nguyễn Hùng Nguyên, Phó Tổng Giám đốc NAPAS; và ông Henri Binsztok, Đồng sáng lập OKcontract. Các diễn giả đã chia sẻ quan điểm thực tiễn xoay quanh những thách thức và cơ hội trong quá trình chuyển đổi số tài chính, từ tài sản mã hoá, tiền kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương (CBDC) đến Web3 và an ninh hệ thống, góp phần định hình hệ sinh thái tài chính số bền vững.Sự hiện diện của VBA và CTCP AlphaTrue tại sự kiện không chỉ thể hiện vai trò kết nối quốc tế mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác công nghệ và tài chính Pháp - Việt, mở rộng không gian ứng dụng blockchain trong nền kinh tế số.