Thủy sản, Dệt may và Gỗ: Điểm danh các doanh nghiệp hưởng lợi từ "sóng" tỷ giá
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực: Đô-la Đài Loan (-5,06%); Baht Thái (-6,31%); Won Hàn Quốc (-5,66%); Yên Nhật (-10,87%); Rupiah Indonesia (-3,87%); Peso Philippines (-4,82%); Nhân dân tệ (-2,04%).
Trong bối cảnh tỷ giá tăng cao, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu ở các lĩnh vực Thủy sản; Dệt may và Gỗ được đánh giá là ngành được hưởng lợi nhiều nhất.
Thủy sản, Dệt may và Gỗ: Điểm danh các doanh nghiệp hưởng lợi từ "sóng" tỷ giá
Thống kê của Etime từ BCTC quý I/2023 của 10 doanh nghiệp niêm yết ngẫu nhiên ở 3 nhóm ngành hàng (thủy sản; gỗ và dệt may) cho thấy, bức tranh lợi nhuận được phân hóa rõ rệt khi có 5 doanh nghiệp giảm lãi và 5 doanh nghiệp tăng trưởng dương (trong đó 1 doanh nghiệp thoát lỗ).
CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) là doanh nghiệp đứng đầu ngành chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước. Thị trường Mỹ cũng là thị trường lớn nhất, chiếm 40% doanh thu xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp này. Do đó, Vĩnh Hoàn là trường hợp điển hình hưởng lợi từ "sóng" tỷ giá.
"Soi" BCTC hợp nhất quý I/2024 cho thấy, Vĩnh Hoàn ghi nhận 28,4 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, lãi chênh lệch tỷ giá tăng 45% lên 60,3 tỷ đồng. Như vậy, ước tính Vĩnh Hoàn lãi ròng gần 32 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá trong kỳ này.
Mặc dù hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá, nhưng do giá bán cá tra giảm, dẫn đến lợi nhuận trước thuế của Vĩnh Hoàn giảm 16%, xuống còn 216,7 tỷ đồng.
Với CTCP Nam Việt (Navico, HoSE: ANV), trong quý I năm nay, doanh nghiệp ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh 2,1 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ chênh lệch tỷ giá phát sinh ghi nhận 3,8 tỷ đồng, tăng 39%. Nhưng do sản lượng, giá bán và doanh thu tài chính đều giảm nên dù hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá, Navico vẫn báo lãi quý I "rơi tự do" 72% về 30,4 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính từ chênh lệch tỷ giá đạt 15,1 tỷ đồng, chi phí tài chính do chênh lệch tài chính là 18,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 46% và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, do hoạt động kinh doanh của các công ty nuôi tôm giống và tôm thương phẩm của Tập đoàn bắt đầu có hiệu quả, Thủy sản Minh Phú báo lãi 7,3 tỷ đồng, thoát lỗ so với cùng kỳ năm 2023.
Việc tỷ giá USD/VND tăng mạnh không chỉ bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, ngay cả đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chưa thực sự là tin tốt khi áp lực cạnh tranh cũng gia tăng.
TS. Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế
Với ngành hàng xuất khẩu gỗ, cả 3 doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp thống kê (ACG, PTB, GDT) đều đón nhận kết quả lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ: ACG tăng 113%, PTB tăng 43% và GDT tăng 27%.
Với Phú Tài (HoSE: PTB), doanh nghiệp ghi nhận doanh thu từ lãi chênh lệch tỷ giá là gần 9,3 tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh là 1,85 tỷ đồng, tăng lần lượt 139% và 42% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh sản lượng ngành gỗ và đá tăng so với cùng kỳ, chi phí tài chính, lãi chênh lệch tỷ giá ngoại tệ cũng đã góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp
Kết quả, Phú Tài báo lãi trước thuế tăng 43% lên 109,2 tỷ đồng.
Thuyết minh BCTC quý I/2024 của Gỗ An Cường (HoSE: ACG) cho thấy, doanh thu hoạt động tài chính từ lãi chênh lệch tỷ giá và lỗ chênh lệch tỷ giá lần lượt giảm 40% và 32% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, Gỗ An Cường báo lãi 101,2 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ năm 2023 (47,5 tỷ đồng).
Đánh giá về thị trường gỗ Việt Nam và thế giới năm 2024, ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường tiết lộ, doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 11. Theo đó, hoạt động xuất khẩu của công ty trong năm nay dự kiến sẽ rất tốt vì thị trường Mỹ đã phục hồi trở lại.
Với nhóm ngành hàng dệt may, thị trường xuất khẩu và khách hàng chính của đại đa phần các doanh nghiệp may mặc là từ Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều phải nhập nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài theo chỉ định của khách hàng, vay USD để phục vụ sản xuất. Do đó, áp lực tý giá tăng lên khiến kết quả kinh doanh của đa số các doanh nghiệp không mấy tích cực.
Đơn cử, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phát sinh khoản lỗ tỷ giá 46 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Vinatex giải trình, do các đơn vị thành viên của Tập đoàn chủ yếu vay bằng USD để phục vụ sản xuất kinh doanh, nên việc tỷ giá tăng cao khiến các doanh nghiệp phát sinh lỗ tỷ giá lớn. Hết quý I, Vinetex báo lãi trước thuế 102 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2023.
Còn với CTCP Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK), trong quý I, Sợi Thế Kỷ ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá là gần 4 tỷ đồng (lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục có gốc ngoại tệ là 295 triệu đồng, lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện 3,5 tỷ đồng), giảm 64% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược chiều, lỗ chênh lệch tỷ giá lại tăng 44% lên 12,7 tỷ đồng. Theo giải trình của doanh nghiệp, việc thu nhập tài chính giảm trong khi chênh lệch tỷ giá ghi vào chi phí tài chính kỳ này lại tăng nhiều so với cùng kỳ là một trong những nguyên nhân làm lợi nhuận trước và sau thuế giảm so với cùng kỳ năm trước. Kết quả quý I, Sợi Thế Kỷ báo lãi sau thuế 711 triệu đồng, giảm 56%.
Đáng chú ý, trong 4 doanh nghiệp dệt may thống kê (TCM, TNG, STK, VGT), Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) là doanh nghiệp duy nhất ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương.
Thuyết minh BCTC cho thấy, thu nhập tài chính từ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước (ở mức 15,5 tỷ đồng). Trong khi đó, chi phí tài chính từ lỗ tỷ giá tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng nhờ doanh thu thuần tăng gần 6,6% và chi phí giá vốn/doanh thu thuần giảm hơn 1% so với cùng kỳ năm 2023, dẫn tới lợi nhuận gộp tăng 16% so với cùng kỳ. Do đó, dù chi phí tài chính từ chênh lệch tỷ giá kỳ này tăng 40% nhưng lợi nhuận trước thuế của Dệt may Thành Công vẫn tăng 10% so với cùng kỳ, ghi nhận 78,7 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nên ứng xử thế nào?
Trong bối cảnh thị trường hàng hóa và ngoại hối còn diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.
Mặt khác, doanh nghiệp nên đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc chỉ sử dụng đồng USD.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, thường xuyên nên lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản, thuận lợi.
Các doanh nghiệp có thể sử dụng các hợp đồng hoán đổi (SWAP), hợp đồng mua bán kỳ hạn nhằm đảm bảo cho các hoạt động xuất, nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học, dài hạn. Điều đó sẽ tạo lòng tin cho ngân hàng tài trợ cũng như các khách hàng quốc tế, để có thể ứng phó được với bất cứ rủi ro thị trường nào, bao gồm cả đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro lạm phát, tiền tệ…