Thủy sản Hùng Vương liệu có tiếp tục cho cổ đông ăn “bánh vẽ”?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 07/04/2017 15:46 PM (GMT+7)
Dù năm 2016 bị lỗ tới 49 tỷ đồng nhưng Công ty CP Hùng Vương (mã HVG) tiếp tục đặt kế hoạch doanh thu năm 2017 khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016. Lợi nhuận dự kiến đạt khoảng 400 tỷ đồng. Toàn bộ lợi nhuận sẽ được giữ lại để xử lý khắc phục nguồn vốn âm trên báo cáo tài chính cho công ty mẹ.
Bình luận 0

Sáng nay 7.4, Công ty CP Hùng Vương đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2017. Tại đại hội, nhiều cổ đông đã có nhiều ý kiến cũng như tỏ ý thất vọng về tình hình kinh doanh của HVG trong năm 2016.

Thua lỗ là do... Brexit (?)

Trong báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2016 của HVG, nhà đầu tư đã rất “sốc” khi lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ được điều chỉnh chuyển từ lãi 308 tỷ đồng sang lỗ 49 tỷ đồng. Giải thích về lý do khiến tình hình tài chính HVG sụt giảm, phía Hội đồng Quản trị công ty cho rằng năm 2016 do hứng chịu sự mất giá đồng tiền từ các quốc gia nhập khẩu và sự tuột giá bánh đậu nành sau khi Anh quyết định rời Châu Âu.

img

HĐQT của Hùng Vương cho rằng tình hình kinh doanh năm 2016 bị thua lỗ một phần là do “cơn địa chấn” Brexit. (Ảnh: P.V)

Cụ thể, khi giá dầu những tháng đầu năm 2016 sụt mất 25%, ở mức giá dưới 30 USD/thùng, khiến cho những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chủ chốt như Hùng Vương bị ảnh hưởng do các thị trường nhập khẩu không chỉ gặp khó khăn về khả năng thanh toán mà còn gặp rủi ro khi đồng tiền thanh toán bị mất giá.

Đặc biệt, HĐQT của Hùng Vương cũng khẳng định doanh nghiệp mình bị ảnh hưởng lớn từ “cơn địa chấn” Brexit. Theo đó, vào khoảng tháng 5- 6 giá giao dịch bình quân của bánh dầu đậu nành vào khoảng 450-460 USD/tấn, các nhà đầu tư đã đẩy giá bánh dầu đậu nành lên cao khi có dấu hiệu sản lượng mùa vụ tại Nam Mỹ có thể giảm. Tỷ giá quy đổi đồng Euro sang USD khi đó là 1,25 USD/1 Euro.

Tuy nhiên, khi Brexit xảy ra thì đồng USD mạnh lên cùng với diễn biến mùa vụ thuận lợi tại Nam Mỹ khiến cho giá bánh dầu đậu nành giảm mạnh từ 450 USD/tấn xuống còn 360 tấn, sang tháng 10.2016 chỉ còn 290 USD/tấn. Tỷ giá quy đổi từ Euro sang USD còn 1,08 USD/1 Euro.

“Việc dự báo sai giá bánh dầu có thể tăng tới 500 USD/tấn nên việc nhập một lượng lớn bã đậu nành với giá cao so với thực tế khiến HVG gánh thiệt hại đến 500 tỷ đồng. Chưa kể, giá lúa mì, bắp cũng giảm đồng loạt khiến HVG càng khó khăn hơn. Đặc biệt, những ảnh hưởng của Brexit cũng gián tiếp khiến cho giá nguyên liệu cá tra từ 22.000 đồng/kg giảm xuống 18.000 đồng/kg. Giá xuất khẩu cũng giảm 15% so với thời điểm trước khi Brexit diễn ra...”, đại diện HĐQT của HVG thông tin trước đại hội.

Trước những khó khăn trên của HVG, HĐQT của công ty cũng đề xuất không chia cổ tức trong năm 2016 (do kết quả kinh doanh thua lỗ) và 2017 (để khắc phục nguồn vốn âm trên báo cáo tài chính công ty mẹ).

Mục tiêu hoành tráng

Dù tình hình kinh doanh năm 2016 có nhiều khó khăn nhưng HVG vẫn đặt mục tiêu kinh doanh năm 2017 khá... “hoành tráng”. Cụ thể, HVG đưa ra kế hoạch doanh thu năm 2017 chạm mốc 20.000 tỷ đồng, đạt lợi nhận 400 tỷ đồng. Bước sang năm 2018, HVG cũng đặt mức tăng trưởng 25%, đạt 25.000 tỷ đồng.

Giải thích về việc đặt mục tiêu kinh doanh cao trong 2 năm tới, HVG cho biết theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước trong năm 2017 sẽ tăng thêm 5% và ước đạt 7,5 tỷ USD. Theo đó, giá mặt hàng này tại thị trường Châu Á có xu hướng cải thiện hơn, giá trung bình 2.7 USD/kg vào giữa tháng 2, tăng 10% so với trước đó một tuần, dự báo tiếp tục tăng đến mức 2.8-3 USD/kg trong tháng 3 và tháng 4.

Đặc biệt, tính đến tháng 3.2017 Hùng Vương còn trên 100 triệu con cá giống size 10 con/kg. Agifish (công ty con của Hùng Vương) còn 56 triệu con giống kích cỡ tương tự. So với cá giống đang được bán trên thị trường ở mức giá 25.000 đồng – 26.000 đồng/kg trên thị trường thì giá thành nuôi trồng của Hùng Vương chỉ 20.000 đồng/kg... Đặc biệt, Hùng Vương còn 33.000 tấn fillet thành phẩm dự trữ nên sẽ mang về nguồn lợi nhuận tương đối lớn.

Dù phía HVG đưa ra những kế hoạch kinh doanh đầy tiềm năng nhưng khá nhiều cổ đông của HVG lại tỏ ra lo ngại trước những kế hoạch này. Một cổ đông của HVG thẳng thắn: “Năm 2016 công ty cũng có những kế hoạch kinh doanh khá khả quan nhưng cuối cùng lại thua lỗ, cổ tức cũng không chia, trong khi lãi (lỗ) trên cổ phiếu năm 2015 còn được 750 đồng/CP thì sang năm 2016 lại là -243 đồng/CP. Thế nên việc HĐQT đặt kế hoạch hoành tráng cho năm 2017 rất khó thuyết phục nhà đầu tư”...

HVG cũng cho biết năm 2017 sẽ là năm triển vọng khi HVG đã và đang triển khai dự án chăn nuôi heo tại An Giang và Bình Định - mảng kinh doanh nhiều tiềm năng được các chuyên gia của HVG trăn trở nghiên cứu một thời gian dài – hiện nay sắp đi vào hoạt động mang lại hiệu quả cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem