Tiền Giang: Cả làng này nuôi ngựa, cha truyền con nối theo nghề "Bật Mã Ôn", ai đến xem cũng bất ngờ

Kim Lan-Quốc Nam (Cổng TTĐT huyện Gò Công Tây) Thứ ba, ngày 26/01/2021 06:25 AM (GMT+7)
Tại ấp Thuận Trị xã Bình Tân của huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) nổi tiếng với nghề nuôi ngựa truyền thống có từ lâu đời. Đây đó trên những đoạn đường quê, người ta thường hay bắt gặp những cỗ xe ngựa chở hàng hóa, nông sản giúp cho bà con nơi đây.
Bình luận 0

Người dân của xã Bình Tân tận dụng những khoảnh đất trống để trồng cỏ và chăn nuôi ngựa. Nghề nuôi ngựa ở đây có từ lâu đời, đây là một nghề không chỉ góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của địa phương mà còn tạo nguồn thu nhập cho người dân.

Tiền Giang: Cả làng này nuôi ngựa, cha truyền con nối theo nghề "Bật Mã Ôn", ai đến xem cũng bất ngờ - Ảnh 1.

Người dân ấp Thuận Trị, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) dẫn ngựa đi ăn cỏ.

Gia đình anh Bùi Minh Khải, ngụ ấp Thuận Trị xã Bình Tân (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) nổi tiếng hơn 3 thế hệ chăn nuôi ngựa. 

Hiện tại, đàn ngựa nhà anh có trên 10 con, ngoại trừ 2 cặp ngựa giống bố mẹ, còn có trên 7 con ngựa tơ với các giống ngựa Hồng, ngựa Giang màu sắc nâu hồng, đen nâu bóng loáng, mạnh khỏe có giá trị kinh tế cao từ 24 triệu đến 35 triệu /1 con.

Ngựa là con vật dễ nuôi, thức ăn cho ngựa chủ yếu là cỏ tươi, rơm rạ và bổ sung thêm cho ngựa chút ít lúa vào buổi tối để vổ béo cho ngựa. 

Mỗi ngày có nắng đẹp, người nuôi ngựa ấp Thuận Trị, xã Bình Tân (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) chăn thả cho ngựa ra ăn cỏ và phơi nắng để ngựa có sức đề kháng tốt.

Ngoài ra người nuôi ngựa cũng cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để ngựa có môi trường sống khỏe mạnh, quanh năm ngựa hầu như không bị bệnh.

Hầu hết các giống ngựa nuôi chúng rất hiền và thân thiện với con người, ăn uống lại dễ, vì thế cũng không tốn công chăm sóc. 

Chu kỳ sinh trưởng của ngựa tương tự như bò nhưng thời gian mang thai lâu hơn bò. Loài ngựa mang thai khoảng hơn 10 tháng mới đẻ.

Ngựa non ra đời nuôi hơn 1 năm tuổi là thành ngựa trưởng thành mạnh khỏe và có thể xuất chuồng. Trung bình 1 năm người nuôi ngựa xuất bán trung bình được 5 đến 6 ngựa tơ mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Tiền Giang: Cả làng này nuôi ngựa, cha truyền con nối theo nghề "Bật Mã Ôn", ai đến xem cũng bất ngờ - Ảnh 2.

Chuồng nuôi ngựa của người dân tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

Hiện tại, toàn huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) chỉ có duy nhất xã Bình Tân là xã có nghề chăn nuôi ngựa. 

Người dân xã Bình Tân cho biết họ xem ngựa như những người bạn thân nuôi quanh năm suốt tháng trong nhà, mỗi ngày chăn thả cho đi ăn cỏ, tắm cho ngựa. 

Ngựa có thể là con vật vận chuyển hàng hóa, có thể cung cấp cho khách hàng khắp nơi trong và ngoài tỉnh mang về làm con vật nuôi phục vụ các giải đua ngựa, hay cho ngành du lịch. 

Và sau cùng là ngựa cũng là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao cung cấp cho người dân vào các dịp lễ Tết.

Tóm lại, nghề nuôi ngựa là một nghề rất đặc biệt của xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang). Hướng tới đây ngành nông nghiệp huyện cần có sự quan tâm hướng dẫn cũng như hỗ trợ cho người chăn nuôi tại xã Bình Tân huyện Gò Công Tây để góp phần duy trì nét đẹp văn hóa và phát triển kinh tế cho người dân nơi đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem