Tiền "khủng" nằm chờ tại các ngân hàng, bất ngờ với tốc độ tăng của HDBank và VPBank

H.Anh Thứ tư, ngày 14/02/2024 08:42 AM (GMT+7)
Các ngân hàng đang nắm giữ lượng tiền gửi "khủng" của người dân, doanh nghiệp bất chấp lãi suất "thủng đáy". Tuy nhiên, theo dự báo của giới phân tích dòng tiền khủng này sẽ "rã băng" dịch chuyển sang các kênh có lợi suất cao hơn trong năm 2024.
Bình luận 0

Tiền "khủng" nằm chờ tại ngân hàng, công ty chứng khoán

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp vào ngân hàng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với hơn 13,5 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022. Lượng tiền gửi này đạt mức cao nhất trong giai đoạn 4 năm gần đây.

Tiền của người dân không chỉ "nằm" tại các ngân hàng, kỷ lục về tiền gửi, tiền chờ trên tài khoản chứng khoán cũng được ghi nhận tại các công ty chứng khoán. Thống kê mới nhất từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, dư nợ margin toàn thị trường tại thời điểm cuối quý IV/2023 ước đạt 169 nghìn tỷ đồng, tăng 13 nghìn tỷ đồng so với quý trước (tăng 8% so với cùng kỳ) và tăng 50% từ đầu năm 2023. Xu hướng này được hỗ trợ bởi mức tăng 6% của số dư tiền gửi nhà đầu tư tại thời điểm cuối quý IV/2023 ước đạt 82 nghìn tỷ đồng. Con số này cũng đã tăng 30% kể từ đầu năm 2023, vượt trội đáng kể so với tăng trưởng huy động của hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm vẫn đang duy trì ở vùng đáy, và niềm tin đầu tư tại các kênh đầu tư lớn khác chưa thể sớm phục hồi.

Tiền "khủng" nằm chờ tại các ngân hàng, bất ngờ với tốc độ tăng của HDBank và VPBank- Ảnh 1.

Năm 2023, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp vào ngân hàng đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trong bối cảnh lãi suất thấp song lượng tiền gửi tăng đột biến không phải là điều hiếm gặp. Đây được gọi là nghịch lý của tiết kiệm trong kinh tế học.

"Khi người dân lo lắng về tình hình kinh tế có thể xấu đi trong tương lai, họ sẽ thắt chặt chi tiêu, tăng tỷ lệ tiết kiệm. Điều này sẽ khiến tiêu dùng giảm, kéo theo sự giảm sút của tăng trưởng tổng cầu và ảnh hưởng nhiều đến khả năng hồi phục của nền kinh tế", ông nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng và tiền mặt trong tài khoản chứng khoán cao kỷ lục do triển vọng đầu tư kinh doanh, thị trường chứng khoán chưa đủ hấp dẫn để người dân, nhà đầu tư ra quyết định giải ngân. Tâm lý nhà đầu tư ở trạng thái còn nhiều quan ngại rủi ro, theo TS Hiếu.

Top 10 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất

Thống kê từ báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy, lượng tiền gửi của khách hàng đều tăng trong năm 2023, lên đến 9,8 triệu tỷ đồng, tăng 18,76% so với năm 2022. Trong đó, TOP ngân hàng có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất nắm giữ đến 82% tổng tiền gửi tại các ngân hàng niêm yết được thống kê.

Trong đó, BIDV dẫn đầu với 1,685 triệu tỷ đồng, tăng 15,67% so với năm 2022. Tiếp theo là VietinBank và Vietcombank với số dư tiền gửi khách hàng là hơn 1,4 triệu tỷ tại mỗi ngân hàng.

Như vậy chỉ tính riêng 3 "ông lớn" quốc doanh này, số dư tiền gửi khách hàng đã chiếm tới hơn 57% tổng số dư tiền gửi khách hàng trong TOP 10 ngân hàng "hút" nhiều tiền gửi nhất tính đến 31/12/2023.

Tiền "khủng" nằm chờ tại các ngân hàng, bất ngờ với tốc độ tăng của HDBank và VPBank- Ảnh 2.

TOP 10 ngân hàng niêm yết có số dư tiền gửi lớn.

Các ngân hàng thương mại cổ phần trong TOP 10 ngân hàng có số dư tiền gửi lớn nhất gồm: MB, Sacombank, ACB, Techcombank, SHB, VPBank, HDBank.

Trong đó, lượng tiền gửi tại MB gần 570 nghìn tỷ đồng. Tiếp đến là Sacombank (STB) với trên 506 nghìn tỷ đồng và ACB là 484 nghìn tỷ đồng. Lượng tiền gửi tại TCB, SHB, VPB và HDBank lần lượt đạt 458 nghìn tỷ đồng, 445 nghìn tỷ đồng, 444 nghìn tỷ đồng và 371 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù không nắm trong tay lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất, song HDBank (HDB) và VPBank (VPB) là nhà băng có mức tăng trưởng trong huy động tiền gửi "đột biến" tới trên 71% và 44% so với cùng kỳ năm trước – cao gấp nhiều lần toàn ngành.

Riêng tại VPBank, huy động của phân khúc khách hàng cá nhân – phân khúc vốn chịu ảnh hưởng lớn nhất từ điều kiện vĩ mô thiếu thuận lợi, tăng trưởng vượt trội, với tốc độ tăng gần 75% (gấp 6,6 lần so với mức tăng trưởng toàn thị trường).

Đánh giá về xu hướng tiền gửi trong năm 2024, theo các chuyên gia, kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn nơi trữ tiền an toàn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, số dư tiền gửi sẽ không có sự đột biến so với năm 2023. Bởi lãi suất tiết kiệm được dự báo vẫn đi ngang, tiếp nối năm 2023, giai đoạn liên tục "xuống đáy".

"Mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ vẫn ở mức thấp, tương đương với cuối năm 2023. Kênh tiền gửi ngân hàng có thể tạo ra sự chuyển dịch nhất định chuyển sang các kênh có lợi suất cao hơn với mức độ rủi ro chấp nhận được", TS Cấn Văn Lực nhận định.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích tại VDSC tin rằng dòng tiền lựa chọn tạm thời "đứng ngoài" và sẽ quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, và đặc biệt là khi có sự vận động tích cực hơn của dòng tiền lớn, vốn mang tính định hướng thị trường cao thông qua tác động lên nhóm cổ phiếu Bluechip, trong thời gian tới với các luồng tin tức của mùa Đại hội cổ đông năm 2024.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem