Tiêu chín đỏ cành, nông dân không buồn hái

Phụng Anh Thứ năm, ngày 24/01/2019 10:02 AM (GMT+7)
Dù hiện tại tiêu đã chín đỏ cành nhưng nông dân ở nhiều vùng trồng tiêu không buồn hái vì giá bán giảm trong khi giá nhân công lại tăng cao. Một cái tết buồn lại đến với những người trồng tiêu.
Bình luận 0

Nông dân mất tết

Những ngày này, dù đã bắt đầu vào vụ thu hoạch hồ tiêu nhưng nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn rầu rĩ vì công thuê hái tiêu quá cao, trong khi giá bán không được cải thiện.

img

Nhân công hái tiêu năm nay giá tăng cao lại không thuê được người. Ảnh: P.A

"Các chi phí vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật năm 2018 đã tăng từ 15 - 25% so với năm 2017; giá điện nước, công thu hoạch cũng tăng khoảng 10 - 15%, gây khó khăn cho nông dân trồng tiêu”.

Bà Nguyễn Mai Oanh

Anh Chu Quốc Vũ ở Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) có 2ha tiêu đã đến ngày thu hoạch nhưng giá nhân công đến 220.000 đồng/người/ngày mà còn không thuê được. “Ngoài tiền công chúng tôi còn phải hỗ trợ tiền xăng, ăn uống 2 buổi mà nhiều người không chịu làm, đòi 250.000 đồng/ngày. Năm nay, giá tiêu xuống thấp, hiện chỉ còn 48.000 - 49.000 đồng/kg mà công hái mắc như thế thì cầm chắc lỗ. Thôi khỏi hái nữa, để đỏ cành cho đẹp” - anh Vũ buồn bã nói.

Ông Lê Đình Thường, ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cũng cho biết, giá nhân công thu hoạch gần tết tăng cao, nếu như mọi năm chỉ 170.000 - 180.000 đồng/người/ngày, không bao ăn ở thì năm nay lên đến 200.000 – 210.000 đồng/người/ngày. Ông Thường nhẩm tính, bình quân 1 nhân công 1 ngày hái được khoảng 12 - 13kg tiêu khô. Năm nay giá phân bón tăng gần 20%, với giá bán hiện tại 49.000 đồng/kg, cộng với giá nhân công, phơi sấy, người trồng tiêu cầm chắc lỗ.

Chính vì thế, nhiều nông dân đã chọn cách bỏ mặc cho tiêu chín trên cành, qua tết… rồi tính. “Tôi quét sạch dưới gốc, trải bạt rồi mặc cho tiêu rụng, sau đó thu gom được nhiêu hay bấy nhiêu chứ oải lắm, sang năm bỏ, kiếm cây - con khác nuôi trồng” - anh Nguyễn Diễn ở thị xã Long Khánh, Đồng Nai nói.

Phải sản xuất sạch

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 232.000 tấn, trị giá 758 triệu USD, tăng 8% về lượng, nhưng giảm 32% về giá trị so với năm 2017. Giá xuất khẩu bình quân của hạt tiêu Việt Nam năm 2018 đạt mức 3.261 USD/tấn, giảm 37% so với năm 2017. Ngành hồ tiêu năm nay rớt khỏi top những ngành hàng có mức xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Bà Nguyễn Mai Oanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, vụ mùa 2018 - 2019, Việt Nam có khoảng 100.000ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 tấn. Đáng chú ý, trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức thấp thì chi phí sản xuất hồ tiêu lại tăng lên.

Mặc dù Tổ chức Hồ tiêu thế giới dự báo năm 2019, sản lượng hồ tiêu toàn cầu giảm khoảng 6% so với năm 2018 (còn khoảng 494.000 tấn) do thiên tai, dịch bệnh nhưng giá bán đầu năm 2019 sẽ không tăng do Brazil, Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch mới.

Ông Lê Đình Thường cũng lo lắng, giờ mới đầu vụ, nếu không hái tiêu bán, qua tết bước vào vụ thu hoạch rộ, giá bán sẽ còn giảm do nguồn cung tăng mạnh.

Để tăng giá bán, nhiều địa phương đã tích cực thành lập các hợp tác xã để cùng sản xuất tiêu sạch. Ông Trần Hữu Thắng - Chủ nhiệm HTX hồ tiêu Xuân Thọ (Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết, sau khi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “Hồ tiêu Xuân Lộc”, năm 2015 HTX cũng đăng ký xây dựng vùng chuyên canh sản xuất tiêu sạch, sau đó sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Nhờ đó, HTX đã ký được hợp đồng cung cấp trực tiếp 100 tấn tiêu/năm với một số công ty hồ tiêu của Ấn Độ có cơ sở tại Việt Nam, không qua thương lái nên giá bán cao hơn từ 10 - 15% so với giá bán thông thường.

“Điểm tích cực là thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân vào HTX đã tuân thủ tốt hơn quy trình canh tác, sản xuất để có nguồn nguyên liệu sạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Các địa phương tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân canh tác theo tiêu chuẩn GAP, quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng cách hơn...” - bà Oanh đánh giá.

Trong khâu chế biến, hiện đã có 20 doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến riêng để xử lý hạt tiêu theo tiêu chuẩn công nghệ cao với công suất khoảng 60.000 - 70.000 tấn/năm. Phần lớn các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn GMP và nhiều tiêu chuẩn quốc tế quy định đối với nhà máy chế biến thực phẩm. 

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để cây tiêu giành lại vị thế ngành hàng tỷ USD, các doanh nghiệp cần liên kết với nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững, chấm dứt hiện tượng lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nghiên cứu chế biến sâu để nâng cao giá trị cho sản phẩm xuất khẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem