Tiêu thụ thịt lợn dịp Tết Nguyên đán có thể chỉ tăng thêm 12%, nhưng giá vẫn đi lên
Từ đầu tháng 01/2022 đến nay, giá lợn trên cả nước có xu hướng tăng trở lại. Hiện giá lợn sống trên toàn quốc dao động ở mức 56.000-59.000 đồng/kg, tăng 13.000-14.000 đồng/kg so với cuối năm 2021, một phần nhờ các nhà hàng, quán ăn bắt đầu gom thịt chế biến các món ăn truyền thống phục vụ dịp Tết như giò, chả…
Hiện tại, Hà Nội vẫn là địa phương có mức giá giao dịch lợn hơi cao nhất khu vực miền Bắc, duy trì ở mức 59.000 đồng/kg. Các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên và Thái Bình đang cùng thu mua với giá thấp nhất là 57.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại của miền Bắc đều đang thu mua ổn định với giá 58.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục tăng nhẹ, thu mua quanh mức 56.000 - 58.000 đồng/kg. Cụ thể, Thừa Thiên Huế và Nghệ An cùng nhích nhẹ một giá, lần lượt thu mua với giá 57.000 đ/kg và 58.000 đồng/kg. Sau khi tăng 2.000 đồng/kg, tỉnh Bình Định cũng điều chỉnh giao dịch lên ngưỡng 58.000 đồng/kg. Cùng với Nghệ An trở thành 2 địa phương có mức giao dịch lợn hơi cao nhất khu vực. Hiện tại, Ninh Thuận, Khánh Hòa và Quảng Nam là 3 địa phương có giá thu mua heo hơi thấp nhất khu vực miền Trung, giữ mức 56.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi không có biến động. Các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Long An đang cùng giao dịch với giá 57.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Các tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh tiếp tục duy trì mức 56.000 đồng/kg. Trong khi, Tiền Giang vẫn là địa phương có mức giao dịch lợn hơi thấp nhất khu vực, với giá 54.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại đang thu mua lợn hơi quanh mức trung bình là 55.000 đồng/kg.
Bộ Công Thương dự báo, tiêu thụ thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán năm nay có thể sẽ chỉ tăng 10-12% so với các tháng, không cao như mọi năm do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tổng đàn lợn cả nước tính đến hết năm 2021 đạt khoảng 28 triệu con, cao hơn khoảng 6% so với năm 2020 và sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng trong dịp Tết. Và thực tế, đến hôm nay (29/1), tức 28 Tết Nguyên Đán, thị trường thịt rất dồi dào, không có chuyện thiếu hàng, khan hàng cung ứng cho người dân ăn Tết.
Năm 2021, ngành chăn nuôi đã đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, dịch bệnh trên động vật tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, xuất hiện chủng virus nguy hiểm trên đàn gia cầm (H5N6, H5N8…) và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Tuy nhiên, số lượng và sản lượng sản phẩm chăn nuôi vẫn tăng trưởng.
Tổng số lợn của cả nước trong năm 2021 tăng khoảng 3,0% so với năm 2020; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 4.180,2 nghìn tấn, tăng 3,6% so với năm 2020, tăng 13,9% so với kế hoạch.
Tổng số gia cầm của cả nước tăng khoảng 2,0% so với năm 2020; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng năm 2021 ước đạt 1.940,9 nghìn tấn, tăng 3,2% so với năm 2020 và tăng 25,9% so với kế hoạch. Chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ cuối năm 2020 đến nay và giá bán lợn hơi trên cả nước biến động theo chiều hướng giảm, đặc biệt là từ cuối tháng 4/2021.
Trong bối cảnh nhiều yếu tố khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thua lỗ dẫn đến tâm lý người chăn nuôi lo ngại, không dám tái đàn. Hiện nay tại một số địa phương có tình trạng người chăn nuôi lo lắng nên bán tháo đàn vật nuôi, khiến tình hình khó ổn định được trong thời gian ngắn.
Chăn nuôi gia cầm cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực miền Nam, do chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tăng nguy cơ thua lỗ.
Năm 2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 120,9 nghìn tấn, tăng 0,5% so với năm 2020 (riêng quý IV/2021 ước đạt 34,5 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020). Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 458,3 nghìn tấn, tăng 3,8% (riêng quý IV/2021 ước đạt 123,2 nghìn tấn, tăng 5,4%). Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 4.180,2 nghìn tấn, tăng 3,6% (riêng quý IV/2021 ước đạt 1.124,4 nghìn tấn, tăng 0,2%). Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 1.940,9 nghìn tấn, tăng 3,2% so với năm 2020 (riêng quý IV/2021 ước đạt 541,2 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020).
Năm 2022, dự báo chăn nuôi vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2021 tác động kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi năm 2022.
Chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn xảy ra ở một số địa phương, tuy đã được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
Ngoài ra, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới trong bối cảnh thực hiện Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với các nước, khối, khu vực trên thế giới, nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA, hoạt động sản xuất và sản phẩm chăn nuôi mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với thế giới đồng thời phải đối mặt với việc ngày càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Hoa Kỳ và châu Âu xuất khẩu vào thị trường Việt Nam.
Năm 2022, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân tăng 4-5%; sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,44 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với năm 2021. Trong đó, thịt lợn đạt khoảng 3,95 triệu tấn, tăng 3,6%; thịt gia cầm đạt khoảng 1,79 triệu tấn, tăng 5,1%; thịt bò đạt khoảng 510 nghìn tấn, tăng 3% so với năm 2021.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 19,52 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 81,68 triệu USD. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 26 thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chiếm 50,2% tổng lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước, đạt 9,79 nghìn tấn, trị giá 50,92 triệu USD. Đứng thứ hai là Trung Quốc chiếm 22% tổng lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước, đạt 4,3 nghìn tấn, trị giá 9,85 triệu USD.
Năm 2021, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Trong đó, thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 10,75 nghìn tấn, trị giá 20,47 triệu USD. Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Trung Quốc và Thái Lan. Đứng thứ hai là thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh với 5,96 nghìn tấn, trị giá 43,58 triệu USD. Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan và Lào.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ (USDA), năm 2022, sản lượng lợn của Hoa Kỳ sẽ giảm, sản lượng lợn ở Trung Quốc và châu Âu tăng; tính chung tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2022 giảm so với năm 2021. Điều này sẽ dẫn đến giá thịt lợn năm 2022 sẽ cao hơn so với năm 2021 ở nhiều thị trường, nhưng không phải trên toàn thế giới. Giá thức ăn chăn nuôi hiện đang ở mức cao sẽ hạn chế mở rộng chăn nuôi, do đó giá lợn sẽ tăng. Nguồn cung lợn hơi năm 2022 thấp hơn so với năm 2021 sẽ dẫn đến giá thịt lợn tương đương hoặc cao hơn năm 2021. Nhu cầu thịt lợn có khả năng tăng khi kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng.