Những tỉnh, thành miễn học phí năm học 2022-2023

Mộc Anh Thứ ba, ngày 23/08/2022 10:14 AM (GMT+7)
Năm học mới 2022-2023, nhằm chia sẻ khó khăn với gia đình học sinh, một số tỉnh, thành sẽ miễn 100% học phí ở bậc học cụ thể.
Bình luận 0

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh, tỉnh này đã quyết định miễn 100% học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập và ngoài công lập giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, trẻ mầm non 5 tuổi được hưởng từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2023-2024, học sinh THCS được hưởng từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2024-2025.

Nhiều tỉnh, thành miễn học phí năm học 2022-2023 - Ảnh 1.

Học sinh trường Tiểu học Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội tựu trường năm học 2022-2023. Ảnh: Tào Nga

Chính sách hỗ trợ này dành cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS đang học thực tế tại các sơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập (được cấp phép). Dự kiến ngân sách tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chi để thực hiện nghị quyết này trong cả giai đoạn 2022-2025 là gần 600 tỷ đồng. Còn đối với trẻ mẫu giáo từ 3-4 tuổi, học sinh THPT, giáo dục thường xuyên thì lộ trình giảm học phí cũng đã được thông qua.

Tại Đà Nẵng, mức hỗ trợ là 100% học phí theo mức thu học phí công lập năm học 2022-2023 do HĐND thành phố quy định trong 9 tháng của năm học 2022-2023.

Đối tượng áp dụng gồm trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập. Trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông ngoài công lập. Không áp dụng đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông thuộc cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài.

Các đối tượng được giảm học phí theo các chính sách của trung ương và thành phố được cấp bù phần hỗ trợ cho bằng 100% mức thu học phí công lập trong năm học 2022-2023.

TP.Hải Phòng đã miễn học phí cho bậc mầm non và THCS từ năm học 2020 - 2021 và học sinh bậc THPT được giảm học phí từ năm học 2021 - 2022. Đến năm học 2022 - 2023, 100% học sinh các cấp ở thành phố Hải Phòng được miễn học phí (trừ bậc tiểu học được miễn theo Luật Giáo dục).

Tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này chỉ đạo tạm thời chưa thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022 – 2023 trên địa bàn tỉnh. Đối với các khoản thu khác đầu năm học (nếu có) phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành, không được thu bất cứ khoản thu nào ngoài quy định.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT và UBND tỉnh Bắc Kạn lấy ý kiến về đề xuất lộ trình học phí và chính sách miễn học phí đối với học sinh trung học cơ sở, GDĐT đã ban hành văn bản xin ý kiến UBND các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục và một số ngành liên quan.

Tỉnh Bắc Kạn nhất trí với đề xuất của Bộ GDĐT giữ ổn định mức học phí trong năm học mới này, đồng thời miễn học phí cho học sinh THCS. Năm học 2022-2023 dự kiến có 20.848 học sinh THCS, trong đó có 13.113 học sinh THCS sẽ được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, chỉ còn 7.735 em thuộc diện phải đóng học phí. Theo đề xuất sẽ miễn học phí cho các học sinh THCS còn lại. Tổng kinh phí đề nghị nhân sách nhà nước cấp bù miễn học phí cho toàn bộ học sinh THCS trên địa bàn tỉnh là hơn 5,3 tỷ đồng.

Trong tháng 7, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ GDĐT về việc góp ý đề xuất lộ trình học phí và chính sách miễn phí đối với học sinh THCS.

UBND TP.HCM ủng hộ chủ trương đề xuất chính sách miễn học phí cho học sinh THCS từ năm học 2022-2023 của Bộ GDĐT.

Năm học 2022 - 2023, TP.HCM có tổng cộng 453.518 học sinh bậc THCS. Trong đó, đã có 8.720 học sinh THCS được miễn học phí năm học 2022-2023 theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Số học sinh THCS chưa được miễn học phí là 444.798 học sinh.

Hiện nay, mức thu học phí bậc THCS, TP.HCM đang áp dụng là 60.000 đồng/học sinh/tháng đối với các quận nội thành và 30.000 đồng/học sinh/tháng đối với các huyện ngoại thành.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc kể từ năm học 2022-2023.

Đối với hệ THPT, Bộ GDĐT đề nghị giữ ổn định mức học phí như năm học 2021 – 2022 cho cơ sở giáo dục trung học phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên. Đối với cơ sở giáo dục THPT tự đảm bảo chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành. Cơ sở giáo dục trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.

Đối với các địa phương đã ban hành nghị quyết định mức thu học phí năm học 2022 – 2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021 – 2022, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021 – 2022 đến hết năm học 2022 – 2023. Từ năm học 2023 – 2024, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí đối với trung học phổ thông công lập theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.

Đối với giáo dục đại học (GDĐH) công lập, lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 thêm 1 năm. Năm học 2022-2023, mức học phí của cơ sở GDĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng tối đa 15% theo Nghị định 81 là 25% so với năm học 2021-2022...

Rà soát, xử lý các vấn đề về học phí và sách giáo khoa. CLip: VNEWS

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem