Tình cảnh kẹt đủ đường của lao động TQ ở nước ngoài trong dịch Covid-19

Vương Nam – SCMP Chủ nhật, ngày 02/08/2020 00:25 AM (GMT+7)
Zhu Bowen – một lao động Trung Quốc – từng rất hào hứng vì tìm được một công việc ở Tokyo, Nhật Bản vào tháng 12 năm ngoái. Nhưng giờ đây, khi đại dịch lây lan, cô gái 24 tuổi không thể trụ nổi nơi đất khách quê người và chỉ mong được trở lại Trung Quốc.
Bình luận 0

Sau khi tốt nghiệp đại học ở thành phố Đại Liên, Trung Quốc, Zhu tham gia khóa đào tạo 6 tháng về công nghệ thông tin rồi sang Nhật làm việc.

Mọi thứ bất ngờ sụp đổ với Zhu vào mùa xuân vừa rồi. Dịch bệnh khiến kinh tế trở nên khó khăn và công ty của cô buộc phải cắt giảm chi tiêu, Zhu cũng không được cất nhắc vị trí mới tốt hơn.

Trước tháng 3, thu nhập của Zhu vào khoảng 1.210 USD/tháng. Từ tháng 3 – 5, lương của cô bị giảm 20%. Mức lương của cô tiếp tục bị giảm 20% nữa vào tháng 6 và cuối cùng, công ty yêu cầu Zhu tự nguyện nghỉ việc không bồi thường.

“Tôi bị buộc phải thôi việc. Một người bạn khác của tôi từ chối ký đơn thôi việc và anh ấy nhận được hơn 230 USD/tháng. Số tiền đó còn chẳng đủ để ăn cơm. Thị trường việc làm ở Nhật giờ đang rất tệ. Nếu tôi đi xin việc ở các công ty khác, họ chắc chắn sẽ ưu tiên cho người Nhật thay vì tôi”, Zhu nói.

img

Nhiều lao động Trung Quốc ở nước ngoài mong mỏi được trở về nhà trong dịch Covid-19  (ảnh: SCMP)

Zhu không phải trường hợp lao động Trung Quốc duy nhất bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đại dịch đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều lao động Trung Quốc đang làm việc tại nước ngoài. Không ít lao động Trung Quốc đang bị mắc kẹt ở nước ngoài trong nhiều tháng xảy ra dịch bệnh và bị mất thu nhập.

Đầu năm, Xiong Gang – một người gốc Hồ Bắc, Trung Quốc – đã vô cùng bận rộn để sắp xếp hàng quyên góp, bao gồm cả vật tư y tế để gửi về quê nhà Vũ Hán từ Singapore.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 4, ông Xiong đã chuyển hướng sang hỗ trợ hàng nghìn công dân Trung Quốc vật lộn trong các khu tập thể ở Singapore. Ông nhận trách nhiệm chuyển nhu yếu phẩm cho họ khi các khu tập thể trở thành điểm nóng lây lan Covid-19 ở Singapore.

“Nhiều người Trung Quốc chỉ muốn trở về nhà. Họ cảm thấy như đang bị cầm tù nơi đất khách quê người. Nếu còn công việc thì một số sẽ chọn ở lại. Thức ăn không ổn và nhiều lao động không được di chuyển tự do”, ông Xiong nói.

Ở châu Phi, khi dịch Covid-19 lan rộng, những lời cầu cứu được trở về cố hương của lao động Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, theo SCMP.

img

Một phòng trong khu tập thể từng là ổ dịch Covid-19 ở Singapore (ảnh: SCMP)

Trong một video đăng lên mạng xã hội hồi tháng 6, kỹ sư Ren Jiagui, 58 tuổi cùng nhiều công nhân Trung Quốc khác đang mắc kẹt ở Nigeria đã bày tỏ muốn được hỗ trợ. Ren bị sa thải hồi tháng 3, sống nhờ tiền tiết kiệm và quyên góp.

“Khi chúng tôi hỏi đại sứ quán Trung Quốc về việc có bất kỳ chuyến bay nào để về nước hay không, câu trả lời luôn là: Tôi không biết. Họ chỉ bảo chúng tôi lưu ý luật pháp, quy định ở địa phương, tăng cường sức khỏe”, ông Ren nói.

“Một số người khác hỏi đại sứ quán Trung Quốc rằng họ có thể được hỗ trợ hoặc vay tiền không, vì lương đã hết. Câu trả lời là: Hãy liên hệ với gia đình bạn”, ông Ren than thở.

Ở Tokyo, Zhu Bowen đang sống cùng một người bạn và sắp tiêu cạn tiền tiết kiệm. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, cô đã quyết định đặt vé trở về Trung Quốc vào tháng 9, dù giá cực cao.

“Chắc tôi phải xin tiền bố mẹ để trang trải trong tháng tới”, Zhu chia sẻ và nói thêm rằng, gia đình đã gửi sang 2.000 USD để cô có tiền mua vé máy bay về Trung Quốc.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem