Tinh giản biên chế năm 2023: Công chức, viên chức trong ngành y tế, giáo dục sẽ thế nào?

Thùy Anh Thứ ba, ngày 04/04/2023 09:48 AM (GMT+7)
Năm 2023-2024 được xem là năm cao điểm về tinh giản biên chế. Ngoài đơn vị hành chính, nhóm công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp sẽ là nhóm chịu tác động mạnh mẽ nhất trong việc tinh giản biên chế.
Bình luận 0

Ngành giáo dục, y tế sẽ chứng kiến làn sóng tinh giản biên chế mạnh nhất?

Giáo dục và y tế là 2 trong số nhiều ngành thuộc đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là những đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các dịch vụ công cho người dân.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 9, Luật viên chức 2010, đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội thành lập theo quy định pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công và phục vụ quản lý nhà nước. Đơn vị dịch vụ công gồm cả đơn vị trong và ngoài nước.

Đơn vị sự nghiệp công có nhiều công chức, viên chức đang làm việc nhất hiện nay chính là nhóm trong ngành giáo dục, y tế. Tiếp đến là các đơn vị công thuộc các sở, bộ, ngành, các tổ chức hội kinh tế - chính trị - xã hội.

tinh giản biên chế trong ngành y tế

Việc tinh giản biên chế trong ngành y tế cần thực hiện linh hoạt, tùy thực tế. Ảnh: NN

Do đặc thù là đơn vị công, chuyên phục vụ nên số lượng công chức, viên chức phải được sắp xếp phù hợp để phục vụ đủ cho người dân. Hiện nay, các đơn vị công trong ngành y tế, giáo dục đã và đang tinh giản biên chế để sắp xếp lại cơ cấu. Tuy nhiên quá trình sắp xếp lại biên chế cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Các nhóm công chức, viên chức đầu tiên bị tinh giản biên chế trong ngành y là các đối tượng dôi dư khi sắp xếp lại bộ máy quản lý; có trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được công việc; có kết quả xếp loại công chức, viên chức chưa hoàn thành nhiệm vụ;  có số ngày nghỉ phép, ngày nghỉ thực tế bằng hoặc cao hơn ngày nghỉ tối đa do ốm đau có xác nhận cơ sở y tế và tự nguyện xin tinh giản biên chế...

Nhiều khó khăn khi tinh giản biên chế công chức, viên chức trong ngành giáo dục, y tế

Theo lộ trình, các đơn vị sẽ phải tinh giản 10% biên chế, trong khi tại nhiều địa phương y tế công lập quá tải, y tế cơ sở thì thiếu cán bộ, bác sĩ. Tương tự, ngành giáo dục cũng vậy, số lượng học sinh thì liên tục tăng, thiếu trường giờ thiếu cả giáo viên nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế. Các trường đứng trước áp lực “có học sinh thì phải có giáo viên dạy học".

Trong hơn 2 năm (từ năm 2020 đến giữa năm 2022) đã có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, đa phần rơi vào ngành y tế, giáo dục. Cụ thể, ngành giáo dục có 16.247 người, còn y tế có 12.198 người.

Trên thực tế, do số học sinh ngày càng tăng, giáo viên thì thiếu nhưng không được phép tuyển mới, cộng thêm việc phải thực hiện tinh giản 10% theo lộ trình nên chính quyền, ngành chức năng ở địa phương và các cơ sở giáo dục buộc phải triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo phương châm “có học sinh thì phải có giáo viên dạy học”.

Do vậy đứng trước áp lực thừa học sinh, thiếu giáo viên các trường phải ký hợp đồng với giáo viên theo từng năm, thuê giáo viên thỉnh giảng theo tiết, tăng sĩ số học sinh trên một lớp học, sắp xếp, sáp nhập các trường... Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp trước mắt, nếu không thể quy hoạch hệ thống trường lớp lâu dài sẽ để lại những hệ lụy không thể lường hết với cả giáo viên và nhà trường.

Theo ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ngành giáo dục và đào tạo cần xây dựng tốt quy hoạch giáo dục ở địa phương, trên cơ sở đó xác định rõ nhu cầu giáo viên, số lượng giáo viên thiếu, bậc học thiếu giáo viên, nguyên nhân thừa, thiếu giáo viên, để từ đó có kế hoạch, lộ trình tuyển dụng cũng như thực hiện tinh biên chế phù hợp.

tinh giản biên chế trong ngành giáo dục

Tinh giản biên chế trong ngành giáo dục cần thực hiện linh hoạt, không được cơ học. Ảnh: N.T

“Với việc yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng đội ngũ công chức, viên chức số lượng quá lớn như hiện nay, việc tinh giản biên chế là việc cần thiết. Tuy nhiên việc thực hiện không phải áp dụng đồng loạt mà áp dụng theo đặc thù, điều kiện cụ thể của từng ngành, từng địa phương và áp dụng này thì phải căn cứ vào điều kiện thực tế giáo viên trên cơ sở yêu cầu của người học, chứ không phải là tinh giản theo cách đơn thuần là cứ giảm số lượng 10% như yêu cầu của Nghị quyết”, ông Phạm Tất Thắng phân tích.

Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam thì cho rằng, để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế trong ngành giáo dục thì ngay từ khâu đào tạo giáo viên cần phải đổi mới.  Theo đó, các trường nên dạy để giáo viên có thể tích hợp liên môn như vậy thì giáo viên có thể điều chuyển được và sẽ hạn chế được tình trạng thừa thiếu cục bộ.

"Bản thân các nhà giáo cũng phải nhận thức tình hình hiện nay đối với nhu cầu việc làm cũng như nhu cầu về sự nghiệp giáo dục để thích ứng với việc là dạy tích hợp liên môn và đặc biệt là phải luôn luôn có ý thức vươn lên, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm đạo đức nhà giáo, để đáp ứng yêu cầu thì mới có thể giữ được việc làm ổn định", ông Đức nói.

Tương tự, tinh giản biên chế trong ngành y tế cũng đối diện với nhiều khó khăn. Khó khăn nhiều nhất chính là hiện nay y tế cơ sở đang thiếu nhiều nhân lực. Không thể áp dụng việc tinh giản biên chế cơ học, áp chỉ tiêu giảm 10% nhân lực, nhất là với các đơn vị y tế cơ sở, vốn đã rất khó thu hút bác sĩ, nhân lực.

Thậm chí đã từng có làn sóng công chức, viên chức ngành y rời bỏ đơn vị y tế công lập ra ngoài làm việc vì chế độ đãi ngộ kém, tiền lương thấp. Vì thế, khác với tinh giản biên chế trong các đơn vị khác, câu chuyện tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp lúc này là làm thế nào để giữ chân được người tài, thải loại được người kém.

Trước đó, vào đầu tháng 2/2023, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã có kiến nghị gửi Bộ Nội vụ về việc: "ngành y tế là ngành đặc thù, kiến nghị không thực hiện việc tinh giản biên chế, tăng cường bổ sung biên chế cho y tế cơ sở".

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu tất cả cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải thực hiện. Bảo đảm đến năm 2026 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

Về vấn đề tinh giản biên chế trong ngành y ở tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nội vụ đề nghị tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đảm bảo "có bệnh nhân phải có bác sĩ điều trị". Đồng thời, sửa đổi, bổ sung định mức biên chế viên chức trong các cơ sở y tế công lập cho phù hợp thực tiễn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem