Tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp rất mạnh mẽ

Thanh Xuân Thứ tư, ngày 17/05/2017 18:57 PM (GMT+7)
Chiều ngày 17.5, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, sau Hội nghị Chính phủ sẽ giao 60 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.
Bình luận 0

img

Quyết tâm hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Đây là Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp với quy mô lớn nhất hiện nay với sự tham gia của trên 10.000 doanh nghiệp. Trong đó, ngoài các doanh nghiệp tham gia trực tiếp tại Hội nghị thì tại 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố lớn, mỗi điểm cũng có khoảng hơn 100 doanh nghiệp và sự có mặt của các cơ quan ban ngành các tỉnh, thành phố tham gia. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp là vừa và nhỏ, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh tế tư nhân. Đây là thể hiện quyết tâm của Thủ tướng thể hiện Quyết tâm triển khai 3 Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân.

“Trước đó, các cơ quan báo chí cũng đã truyền tải nhiều thông tin tạo lên sự quan tâm của cả nước và cộng động doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về sự kiện này. Báo chí luôn đồng hành cùng Chính phủ, cùng doanh nghiệp, tạo môi trường thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết, tại Hội nghị hôm nay đã để cập một số vấn đề như: Cụ thể hóa 3 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, trong đó đặc biệt là việc  xác định doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tư nhân phát triển.

Ngoài ra, Hội nghị hôm nay cũng tổng kết, đánh giá việc triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ. Qua đó cho thấy, Nghị quyết 35 đã tạo niềm tin, thể hiện cam kết của Chính phủ, từ đó Chính phủ cũng cam kết tiếp tục thực hiện nghị quyết này và đồng hành cùng với doanh nghiệp.

“Thông qua Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp hôm nay có thể thấy, tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp rất mạnh mẽ, chưa bao giờ có sức sống khởi nghiệp như vừa qua. Đúng là một năm chủ đề quốc gia khởi nghiệp, khơi gợi, thổi bùng sự quyết tâm khát vọng, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn của doanh nghiệp là hết sức quan trọng”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Ban hành ngay Chỉ thị 20

Tại buổi họp báo, người phát ngôn của Chính phủ cũng cho biết, so với ngày 29.4.2016, khi Thủ tướng và các Phó Thủ tướng gặp mặt 2.000 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, bức xúc có thể nói là rất nóng nhưng ở Hội nghị hôm nay bức xúc đó đã giảm rất nhiều. Qua đó, thể hiện hiệu quả thực hiện của cả hệ thống chính trị, từ cơ quan  trung ương và địa phương đã làm được nhiều việc. Ví dụ như giảm chi phí chính thức, chi phí không chính thức, thủ tục hải quan, thủ tục thuế đều được cắt giảm. Các thủ tục liên quan tới tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai được xem xét tổng thể, giải quyết vướng mắc khó khăn về cấp phép đầu tư…cùng nhiều Nghị định và Thông tư khác với quan điểm, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển ở tất cả các lĩnh vực nếu không vi phạm pháp luật.

Một điểm nổi bật nữa là Chính phủ thể hiện cùng đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian qua với hành động cụ thể khi Thủ tướng đã giao  trực tiếp cho Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng chính phủ chủ trì thành lập Website Chính phủ với doanh nghiệp. Qua kênh thông tin này, chính phủ đã tiếp nhận 586 kiến nghị của doanh nghiệp, hiện đã giải quyết 412 ý kiến. Đồng thời, tiếp tục xây dựng website Chính phủ với người dân, đến nay đã tiếp nhận 705 ý kiến, sau hơn 1 tháng và hiện tại đã chuyển sang cho các địa bộ, ngành, địa phương xử lý.

Đặc biệt, ngay đầu giờ chiều hôm nay 15.5, Thủ tướng đã ký Chỉ thị 20 về việc không thanh kiểm tra chồng chéo của các cơ quan thanh tra, bộ ngành, địa phương. “Trước đó, phản ánh của báo chí, có doanh nghiệp 1 tháng bị cơ quan thanh kiểm tra 3 lần, có doanh nghiệp bị kiểm tra 12 lần/năm…đây là thể hiện sự đồng hành, quyết liệt tháo gỡ, xử lý vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh của Chính phủ. Hiện chúng ta có 4,9 triệu hộ kinh doanh cá thể nên cần tạo điều kiện và cơ chế chính sách để khuyến khích họ chuyển đổi thành doanh nghiệp”, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết thêm, Chỉ thị 20 ban hành quy định trong 1 năm chỉ được thanh tra, kiểm tra 1 lần, hoặc kiểm toán 1 lần. Chủ tịch UBND tỉnh Thành phố phải phê duyệt kế hoạch thanh, kiểm tra trên cơ sở thanh tra tỉnh tập hợp kế hoạch của các sở, ban, ngành trình lên. Đặc biệt, khi có phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu có chứng cứ, có dấu hiện rõ ràng mới được thanh tra, kiểm tra đột xuất.

"Sau hội nghị này, Chính phủ tiếp tục tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp, Hiệp hội và ý kiến của bộ ngành trả lời. Chính phủ cũng xây dựng ngay Dự thảo Chỉ thị 11 trang với trên 60 nhiệm vụ để giao cụ thể cho 14 Bộ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố giải quyết các vấn đề doanh nghiệp kiến nghị do VCCI tập hợp trong thời gian qua và kiến nghị tại Hội nghị gặp mặt hôm nay”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem