Tình trạng thiếu chip toàn cầu vẫn chưa kết thúc và sự suy thoái đang "khủng khiếp"

Huỳnh Dũng Thứ tư, ngày 20/07/2022 09:13 AM (GMT+7)
Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu có thể kéo dài do hạn chế về khả năng cung cấp các công cụ sản xuất chính, đây là một trở ngại cho việc mở rộng mức công suất cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.
Bình luận 0

Nhu cầu về chất bán dẫn ngày càng tăng trong nhiều năm, khi thế giới trở nên kỹ thuật số hơn và chip xử lý đi vào mọi thứ, từ điện thoại thông minh, ô tô đến máy giặt. Tuy nhiên, đại dịch Covid đã gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng do các nhà máy bị gián đoạn cùng lúc nhu cầu về điện tử tiêu dùng tăng cao. Sự thiếu hụt đã gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể và đã góp phần khiến nền kinh tế Mỹ trải qua mức lạm phát cao nhất kể từ đầu những năm 1980.

Đồng thời, sự thiếu hụt chip toàn cầu vẫn chưa kết thúc và cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục gây căng thẳng cho nguồn cung cấp các bộ phận quan trọng cần thiết. Ở đây, nguồn cung chất bán dẫn sẽ không tăng ngay lập tức. Vinay Gupta, Giám đốc nghiên cứu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của hãng nghiên cứu International Data Corporation (IDC) cho biết, hai nước chiếm một phần lớn thị phần, trong đó Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu lớn nhất của krypton - một loại khí được sử dụng trong sản xuất chip.

Tình trạng thiếu chip toàn cầu vẫn chưa kết thúc và sự suy thoái đang 'khủng khiếp'. Ảnh: @AFP.

Tình trạng thiếu chip toàn cầu vẫn chưa kết thúc và sự suy thoái đang 'khủng khiếp'. Ảnh: @AFP.

Tương tự, khí đốt Neon cũng rất quan trọng đối với quá trình sản xuất chip và được sử dụng cho laser, được gọi là kỹ thuật in thạch bản, nơi máy móc khắc các mẫu lên các mảnh silicon nhỏ do Samsung, Intel và TSMC sản xuất.

Theo Peter Hanbury, nhà phân tích chất bán dẫn tại công ty nghiên cứu Bain & Co., hơn một nửa lượng khí neon trên thế giới được sản xuất bởi một số công ty ở Ukraine. Nhưng với việc các công ty hàng đầu thế giới của Ukraine đã đóng cửa hoạt động, việc sản xuất khí neon hiện có thể rơi xuống vực khi xung đột kéo dài.

Vốn dĩ, chất bán dẫn được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại di động, máy tính đến ô tô cũng như các thiết bị gia dụng. Tuy nhiên, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí gia tăng cũng có nghĩa là "giá bán trung bình của các thiết bị sẽ tăng lên và các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng sau đó sẽ chuyển nó cho khách hàng", Vinay Gupta cho biết.

'Dấu hiệu suy thoái' đối với chi tiêu của người tiêu dùng

Gupta cho biết lạm phát gia tăng và thực trạng thắt chặt tiền tệ đã gây ra "sự suy thoái do người tiêu dùng dẫn đầu". Ông khẳng định chi tiêu cho CNTT, đặc biệt là chi tiêu CNTT của người tiêu dùng đang có dấu hiệu suy thoái". Trong khi chi tiêu cho CNTT của doanh nghiệp - bao gồm các dịch vụ phần mềm, đám mây và dịch vụ CNTT - vẫn đang tiếp tục được duy trì ở tốc độ chậm hơn trước, nhưng thực trạng lạm phát đã thúc đẩy các doanh nghiệp dần bắt đầu "bảo vệ ngân sách CNTT của họ ngay từ bây giờ". Cùng với việc lãi suất tăng trên toàn thế giới, sự chậm lại này sẽ "có sức ảnh hưởng" nhất định, ông nói thêm. "Nhưng hy vọng rằng đây sẽ là một sự chậm lại tức thời, bởi vì chính phủ và các ngân hàng trung ương đang cố gắng cân bằng giữa lạm phát gia tăng và… lãi suất", Gupta nói thêm.

Tuần trước, các tuyên bố từ hai quan chức cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang trên đường tiến tới một đợt tăng lãi suất mạnh nữa vào tháng 7 và có lẽ cả trong tháng 9, ngay cả khi nó làm nền kinh tế chậm lại.

Tuyển dụng chậm, chi tiêu ít hơn ở châu Á

Gần đây, tờ Bloomberg đã báo cáo kế hoạch của Apple để làm chậm lại việc tuyển dụng và chi tiêu cho tăng trưởng trong năm tới để đối phó với tình trạng suy thoái có thể xảy ra. Gupta cho biết "xu hướng tương tự" sẽ được quan sát thấy trong lĩnh vực công nghệ của châu Á.

"Tôi tin rằng đó sẽ là một xu hướng mà chúng ta sẽ bắt đầu thấy vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 nếu tình hình không được cải thiện. Nếu chúng ta nói về các dịch vụ CNTT ở châu Á, hầu hết trong số họ đang cảm thấy áp lực về tỷ suất lợi nhuận do chi phí lương ngày càng tăng và khoảng cách kỹ năng… trên thị trường".

Ví dụ, ở Ấn Độ, tỷ suất lợi nhuận của các gã khổng lồ công nghệ "thấp hơn một chút, mặc dù đã tuyển dụng nhiều hơn trong quý đầu tiên", Gupta nói thêm. Nhưng điều này có thể không kéo dài. Ông nói: "Nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng sang các công nghệ kỹ thuật số mới vì đại dịch, cho phép nhân viên của họ làm việc tại nhà, vì vậy đã có rất nhiều dự án chuyển đổi kỹ thuật số mới". "Nhưng chúng ta sẽ bắt đầu thấy một số áp lực về tỷ suất lợi nhuận bởi vì rõ ràng thu nhập của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, nếu chúng ta thấy toàn bộ kịch bản diễn ra như bạn đang thấy hiện giờ".

Tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài đến năm 2024. Ảnh: @AFP.

Tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài đến năm 2024. Ảnh: @AFP.

Giám đốc điều hành Intel dự kiến tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài đến năm 2024

Giám đốc điều hành Intel, Pat Gelsinger, nói với CNBC rằng ông dự kiến ngành công nghiệp bán dẫn sẽ bị thiếu hụt nguồn cung cho đến năm 2024. Trong một cuộc phỏng vấn trên "TechCheck", Gelsinger cho biết cuộc khủng hoảng chip toàn cầu có thể kéo dài do hạn chế về khả năng cung cấp các công cụ sản xuất chính, đây là một trở ngại cho việc mở rộng mức công suất cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.

"Đó là một phần lý do mà chúng tôi tin rằng sự thiếu hụt chất bán dẫn tổng thể hiện sẽ chuyển sang năm 2024, so với ước tính trước đó của chúng tôi vào năm 2023, chỉ vì tình trạng thiếu hụt hiện đã ảnh hưởng đến thiết bị và một số "đường dốc" cung ứng cho một số nhà máy sẽ gặp nhiều thách thức hơn", Gelsinger nói.

Kể từ khi Gelsinger nhậm chức Giám đốc điều hành vào tháng 2 năm 2021, Intel đã công bố một loạt các khoản đầu tư lớn để đa dạng hóa sản xuất chip về mặt địa lý. Công ty đang chi mạnh để xây dựng các nhà máy bán dẫn ở Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, phần lớn năng lực sản xuất chip của thế giới hiện tập trung ở châu Á.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem